Ấn tượng “Capriccio Tây Nguyên” của Đặng Hồng Anh

(Dân trí) - Bản nhạc Capriccio Tây Nguyên viết cho Dàn nhạc dây của nhạc sĩ Đặng Hồng Anh được lấy cảm hứng từ các bài hát dân ca vùng cao nguyên Tây Nguyên. Đây là một trong những tác phẩm gây chú ý ở đêm diễn tối qua tại Hà Nội.

 

Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh
Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh

 

Trong đêm nhạc diễn ra tối qua tại Phòng hòa nhạc Lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội)- đêm nhạc cuối cùng nằm trong chuỗi âm nhạc “Những thế hệ” (Generations) do nhóm Nhạc Mới Hà Nội biểu diễn đã giới thiệu các nhà soạn nhạc và tác phẩm Việt Nam đương đại. Một trong những tác phẩm đáng chú ý tại đêm diễn chính là tác phẩm “Capriccio Tây Nguyên” của nhạc sĩ Đặng Hồng Anh.

Bản nhạc Capriccio Tây Nguyên viết cho Dàn nhạc dây của nhạc sĩ Đặng Hồng Anh được lấy cảm hứng từ các bài hát dân ca vùng cao nguyên Tây Nguyên. Ba chủ đề âm nhạc chính dựa trên giai điệu ba bài dân ca: Tỏ tình (Cù Gulanh, dân ca Bru - Vân Kiều), Đi cắt lúa (dân ca H’rê) và Nhớ ai (H Nit Lô).

Capriccio Tây Nguyên có cấu trúc của thể loại rondo và mang đôi nét của sonate allegro. Bản nhạc được xây dựng bằng thủ pháp phát triển 3 chủ đề và motif âm nhạc tương phản xen kẽ nhau với các nhịp điệu, tiết tấu đa dạng và phong phú.

Capriccio Tây Nguyên được sáng tác nhân dịp Festival Âm nhạc Việt - Mỹ 2015 được tổ chức trong 08/2015 tại Hà Nội.

 

Tối qua, nhóm Nhạc Mới Hà Nội biểu diễn tại Phòng hòa nhạc Lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội)
Tối qua, nhóm Nhạc Mới Hà Nội biểu diễn tại Phòng hòa nhạc Lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội)

 

Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh cũng được nhắc nhiều bởi bản nhạc ”Hội đêm rằm” viết cho tứ tấu dây của nhạc sĩ Đặng Hồng Anh là sự kết hợp giữa hai chương trong Suite (Liên khúc) được sáng tác từ thời sinh viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Liên bang Nga tại Matxcova.

Suite gồm 4 chương: ”Đầm sen dưới ánh trăng”, ”Múa rồng”, ”Thăm chùa” và ”Hội đêm rằm” được lấy cảm hứng từ những kí ức tuổi thơ của tác giả và đã được Bộ văn hóa Liên bang Nga mua bản quyền năm 1992.

Mặc dù nhạc sĩ Đặng Hồng Anh do có việc đột xuất đã không kịp có mặt trong đêm diễn tại Việt Nam tối qua 31/10, nhưng những tác phẩm của nữ nhạc sĩ vẫn gây xúc động với đông đảo khán giả yêu nhạc thủ đô.

 

Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh sinh năm 1969 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Piano và khóa học Sáng tác lớp giáo sư A.I. Golovin trường Trung cấp Âm nhạc Quốc gia mang tên Gnesin tại Moskva năm 1988. Tốt nghiệp đại học Sáng tác loại ưu năm 1993 và thạc sĩ năm 1998 lớp giáo sư A.L. Larin Học viện Âm nhạc Quốc gia Liên bang Nga mang tên Gnesin tại Moskva. Các sáng tác của nhạc sĩ Đặng Hồng Anh bao gồm những tác phẩm khí nhạc viết cho độc tấu, hòa tấu, dàn nhạc giao hưởng, thanh nhạc và hợp xướng.

Tác phẩm Tổ khúc bốn chương cho Tứ tấu dây đã được Bộ Văn hóa Liên bang Nga mua bản quyền tác giả năm 1992.

Đêm nhạc các tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Hồng Anh với sự tham gia của các nghệ sĩ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam, dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt nam đã diễn ra ngày 9/12/2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Tác phẩm Hội đêm rằm cho tứ tấu dây đã được trình diễn tại Festival China - ASEAN Music Week 2013 tại thành phố Nanning - Trung Quốc.

Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh đã tham dự Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2014 tại Hà nội với Biến tấu dành cho piano dựa trên chất liệu dân ca H’Mông Nhớ em yêu (H’chà mủa mái).

Tác phẩm Giao hưởng thơ “Kiều” cho dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Đặng Hồng Anh dựa theo kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đã được trình diễn vào ngày 17&18/04/2015 tại Nhà hát lớn Hà Nội bởi chỉ huy người Na Uy - ông Thomas Rimul và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh đã tham dự Festival âm nhạc Việt – Mỹ 2015 tại Hà nội và Festival Giai điệu mùa thu 2015 tại TPHCM với tác phẩm Capriccio Tây Nguyên viết cho dàn nhạc dây (2015) dựa trên chất liệu dân ca Tây Nguyên.

 

P.V