Ăn Tết ở vùng nông thôn nước lợ miền Tây

(Dân trí) - Không khí những ngày Tết ở vùng nông thôn nước lợ miền Tây khá sôi nổi với những chầu nhậu rượu xuân rôm rả ngay trước cửa nhà nhưng cũng hết sức ấm áp với khói nhang được người dân đốt lên trên bàn thờ ông bà trong những ngày đầu năm mới.

Sáng mồng 1 Tết, theo chân một gia đình đi ăn Tết ở một xóm nước lợ thuộc ấp 22, xã Phong Thạnh A (huyện Giá Rai, Bạc Liêu), chúng tôi nhận thấy không khí ăn Tết ở xóm này hết sức sôi nổi bởi người người từ già đến trẻ nhỏ dập dìu đi chơi Tết.

 Ăn Tết ở vùng nông thôn nước lợ miền Tây - 1
Một bà cụ 88 tuổi được con cháu mừng tuổi, lì xì trong ngày đầu năm (ảnh chụp tại nhà ông Nguyễn Văn Dũng, xã Phong Thạnh A sáng mồng 1 Tết)

Đón Tết ở vùng nước lợ này, điều đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy là cảnh người dân ở đây đến nhà của nhau để đốt nhang cho những người đã khuất. Qua quan sát của PV, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn bật lửa hoặc đèn dầu và nhang để trên bàn thờ. Khi khách đến thì khách tự lấy nhang đốt lên và cắm vào ly hương nhằm bày tỏ lòng thành kính với người đã khuất (chủ yếu là ông bà, cha mẹ của chủ nhà). Do ngày mồng 1 có rất nhiều khách đến thăm nên khói nhang vì thế mà nghi ngút cả ngày tạo không khí Tết rất ấm cúng.

Để đáp lại khách đến thăm, chủ nhà thường chuẩn bị sẵn một mâm rượu đế (hoặc bia, nếu những nhà khá giả) mời khách. Khi khách vừa đốt nhang xong, chủ nhà rót rượu, bia cảm ơn khách và khách đáp lại là những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới.

 Ăn Tết ở vùng nông thôn nước lợ miền Tây - 2
  Những đứa trẻ con xếp hàng từ nhỏ đến lớn để được lì xì năm mới (ảnh chụp tại nhà ông Nguyễn Văn Sơn, ấp 22, xã Phong Thạnh A sáng mồng 1 Tết)

PV đến nhà của ông Nguyễn Văn Dũng (44 tuổi, ấp 22, xã Phong Thạnh A), tại đây có một điều khiến chúng tôi không khỏi hạnh phúc lây khi chứng kiến việc mừng tuổi đầu năm cho người lớn tuổi. Ông Dũng cho biết, ông đang nuôi mẹ già 88 tuổi (cụ Trần Thị Sáu, một người được xem là lớn nhất trong dòng họ của ông Dũng- PV) nên ngày mồng 1 Tết, anh em và con cháu về mừng tuổi cho bà cụ rất đông. Cụ Sáu được mời ngồi ngay bàn giữa, sau đó các con, các cháu từng người một đến mừng tuổi và lì xì cho bà cụ. “Bà cụ đã già nên cũng bắt đầu lú lẫn rồi, quên mặt hết con cháu nên năm này bà không nhớ ai nữa nhưng chúng tôi vẫn mừng cụ và xem đây như là một truyền thống mỗi năm của dòng họ”- ông Dũng cho biết.

Chia sẻ với PV, ông Huỳnh Văn Tuấn (con rễ bà cụ Sáu) cho biết, ở xóm nước lợ này rất ít gia đình có truyền thống mừng tuổi lì xì cho người lớn nhất dòng họ như thế này, nếu không nói là chỉ duy nhất dòng họ của ông. Chính vì thế, không khí ăn Tết của dòng họ ông Tuấn diễn ra hết sức ấm áp.

 Ăn Tết ở vùng nông thôn nước lợ miền Tây - 3
 Ăn Tết ở vùng nông thôn nước lợ miền Tây - 4
 Ăn Tết ở vùng nông thôn nước lợ miền Tây - 5
   Người dân vùng nước lợ miền Tây đi chơi Tết với đủ phương tiện vốn có

Ngày mồng 1 Tết ở xóm nước lợ, những đứa trẻ nhỏ cũng mừng tuổi người lớn và được lì xì năm mới. Có mặt tại nhà của ông Nguyễn Văn Sơn (60 tuổi), PV thấy cảnh lì xì cho trẻ nhỏ diễn ra rất háo hức. Có 5- 6 trẻ nhỏ là con cháu của ông Sơn đứng xếp hàng để cho người lớn lì xì từng trẻ một. Ông Sơn hồ hởi nói: “Năm nào cũng vậy, cứ sáng mồng 1 Tết là con cháu tập trung về nhà tôi để mừng tuổi và được lì xì lấy lộc đầu năm”. Ông Sơn còn nói vui, năm nay số thành viên trẻ nhỏ nhà ông lại tăng lên 2 trẻ vì con ông vừa sinh thêm mấy cháu.

 Ăn Tết ở vùng nông thôn nước lợ miền Tây - 6
  Ngăn sông cách trở, họ phải đi qua những cây cầu khỉ để thăm và chúc Tết nhau ...
 Ăn Tết ở vùng nông thôn nước lợ miền Tây - 7

 Ăn Tết ở vùng nông thôn nước lợ miền Tây - 8
...hay trên những chiếc võ lải đặc trưng của vùng sông nước miền  Tây

Đi chơi Tết ở xóm nước lợ miền Tây ít năm gần đây có vẻ thuận tiện hơn bởi đường lộ nông thôn đã được san ủi bằng phẳng nên xe 2 bánh có thể đi lại được. Dù vậy, cảnh đi chơi Tết bằng vỏ lãi (một loại xuồng nhỏ) vẫn còn khá phổ biến. Anh Nguyễn Văn Nghĩa (28 tuổi, ngụ ấp 22) cho biết, nhà nào có điều kiện thì mua xe đi lại nhanh hơn, còn không thì đi chơi bằng phương tiện vỏ lãi có cái lợi là chở được nhiều người.  “Gia đình tôi vẫn chưa mua được xe nên năm nay vẫn đi chơi Tết bằng võ lãi nhưng cũng rất vui”- anh Nghĩa chia sẻ.

Cảnh đi chơi Tết ở vùng sông nước miền Tây còn nhộn nhịp hơn khi người dân đi chơi qua những cây cầu khỉ. Nhiều người dân từ bên này muốn qua bên kia sông để thăm hỏi, chúc Tết nhau đều phải đi qua cầu khỉ. Cảnh vui nhất là đầu năm mới nhiều người phải xách dép trên tay để đi qua cầu cho dễ dàng. Có những người đàn ông vui xuân quá chén khi qua cầu khỉ rất vất vả, nhiều khi té cả xuống sông và đây là một cảnh vui thường thấy những ngày Tết ở vùng sông nước.

 Ăn Tết ở vùng nông thôn nước lợ miền Tây - 9
   Nhiều nhà dân còn có bàn thờ Bác Hồ đặt ngay trước cửa nhà có ghi câu: Cơm no áo ấm ghi ơn Đảng/ Độc lập tự do nhớ Bác Hồ (ảnh chụp tại nhà ông Nguyễn Văn Chánh, ấp 3 Cây Da, xã Phong Thạnh A)

Một năm đón Tết với những người dân ở xóm nước lợ vùng Bạc Liêu, chúng tôi thấy không khí Tết rất đúng chất quê “hai lúa”. Nhà nào cũng có những chầu nhậu được bày ra ngay trước cửa nhà, khách và chủ cùng cười nói, cụng ly rôm rả.

Điều đặc biệt của ngày Tết so với ngày thường là khi có người đi ngang nhà (dù người đó thân thích cỡ nào đi chăng nữa) thì chủ nhà không bao giờ mời gọi và họ xem đây là một điều kỵ đầu năm.

Chúng tôi có mặt tại nhà của anh Nguyễn Văn Tân (ngụ xã Phong Thạnh A), thấy nhà của anh đang có một chầu nhậu tưng bừng. Phía đường trước nhà anh, nhiều người đi ngang (anh Tân cho biết trong đó đều là người thân thích) nhưng anh không mời. Theo anh Tân, ngày Tết ai đến thì chủ nhà đều rất mừng (cho dù đó là khách lạ) và tiếp hết sức chu đáo nhưng việc mời là điều không hay.

 
 Ăn Tết ở vùng nông thôn nước lợ miền Tây - 10
      Những chầu nhậu đậm chất miền Tây được bày ra ngay trước cửa nhà hết sức rôm rả (ảnh chụp tại nhà anh Nguyễn Văn Tân, ấp 22, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai)

Đón Tết ở vùng nông thôn nước lợ, chúng tôi thấy có nhiều cái hay và rất có ý nghĩa cho một năm mới.

Huỳnh Hải