“American Idol” kết thúc một cuộc chơi “đã tàn”
(Dân trí) - Cuộc vui nào cũng có lúc tàn và đây chính là lúc bữa tiệc giải trí “American Idol” cần phải khép lại. Dừng lại đúng lúc luôn là một quyết định khó khăn nhưng khôn ngoan. Đằng sau sự kết thúc của “American Idol” là một ván bài lớn đang được đặt cược…
Chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát “American Idol” (Mỹ) đã kết thúc bằng đêm chung kết của mùa giải thứ 15 cũng là mùa giải cuối cùng trong đêm thứ 5 vừa qua (7/4) với một chiến thắng khiến cho ban giám khảo phải bất ngờ.
Chàng trai 25 tuổi sống ở miền quê bang Mississippi - Trent Harmon - đã chiến thắng người đồng hương La'Porsha Renae - một ứng viên nặng ký cho ngôi vị quán quân để trở thành thần tượng âm nhạc mới của nước Mỹ.
Xuyên suốt mùa giải thứ 15, thí sinh La'Porsha Renae đã luôn được “mặc định” là người sẽ giành chiến thắng bởi luôn nhận được những lời khen hào phóng của ban giám khảo và ngay lập tức thu hút một lượng fan hùng hậu vì chất giọng khỏe khoắn. Nhưng thí sinh Trent Harmon cũng là một giọng ca đầy sức nặng, điều bất ngờ đã xảy đến trong đêm chung kết.
Sau khi người dẫn chương trình tuyên bố kết quả và Trent Harmon trở thành thần tượng âm nhạc mới của “American Idol”, giám khảo Harry Connick Jr. đã quá bất ngờ đến mức chỉ có thể thốt lên: “Wow”… Một sự bất ngờ ngoạn mục cho một đêm chung kết lịch sử.
Kết thúc ấn tượng dành cho đêm ấn tượng, đó chính là sự bất ngờ làm nên sức hút của những chương trình thực tế như “American Idol”. Những ngôi sao nổi tiếng của làng giải trí Mỹ đã có mặt tại đêm chung kết “American Idol” mùa giải thứ 15, trong số này, có cả thí sinh “đình đám” một thời - William Hung - thí sinh “thất bại” nhưng được khán giả nhớ đến suốt nhiều năm.
Khán giả cũng hồi hộp với sự trở lại của vị giám khảo “khét tiếng khó tính, khó ưa, khó chịu” - Simon Cowell. Ông đã trở lại để cùng các thành viên ban giám khảo từng ngồi chấm giải với mình xuất hiện trên sân khấu và gửi lời cảm ơn tới các khán giả vì đã ủng hộ chương trình trong suốt những năm qua.
Đêm chung kết được tổ chức tại nhà hát Dolby Theatre (Los Angeles, California) và được lên sóng truyền hình trong 2 tiếng đồng hồ, khiến khán giả truyền hình có cảm giác như một buổi tiễn đưa buồn bã, tiếc nuối nhưng cũng là một show truyền hình đậm chất giải trí, vui nhộn.
Cảm giác của những khán giả theo dõi trực tiếp tại nhà hát và qua sóng truyền hình là sự vui buồn lẫn lộn bởi họ rất hiểu rằng mình đang được chứng kiến show diễn cuối cùng của “American Idol”, sau đó, không biết liệu có bao giờ chương trình này trở lại hay không.
Quán quân của mùa giải đầu tiên - nữ ca sĩ Kelly Clarkson đã thu âm một bản phối gồm các bản hit của cô để gửi tặng chương trình vì cô không thể xuất hiện trên sân khấu được nữa do đã sắp đến ngày sinh.
Ngôi sao nhạc đồng quê, quán quân của mùa giải thứ 4 - Carrie Underwood đã biểu diễn cùng một thành viên ban giám khảo của mùa giải thứ 15 - nam ca sĩ Keith Urban. Jennifer Lopez - giám khảo mùa giải cuối cùng - cũng bước lên sân khấu biểu diễn.
Đêm chung kết đầy cảm xúc được mở đầu bằng cách gợi nhắc lại một sự so sánh thú vị mà Tổng thống Mỹ Barack Obama từng sử dụng để nói lên tầm quan trọng của việc đi bầu cử, ông đã dùng hình ảnh những khán giả bỏ phiếu cho thí sinh họ yêu mến tại “American Idol” để minh chứng:
“Không phải tất cả chúng ta đều có thể hát hay như Kelly Clarkson nhưng tất cả tiếng nói của chúng ta đều quan trọng đối với thành công của cô ấy. Chương trình American Idol đã lên được tới đỉnh cao thành công không phải chỉ bởi người Mỹ thích xem chương trình, mà còn bởi người Mỹ đã tham gia vào cuộc bầu chọn để làm nên thành công của chương trình”.
Rất nhiều khán giả trung thành của “American Idol” đã thể hiện sự buồn bã, thất vọng khi chương trình đi đến hồi kết. Để khẳng định tầm quan trọng của “American Idol”, thậm chí Chủ tịch tập đoàn truyền thông Fox - ông trùm truyền thông Rupert Murdoch cũng đã xuất hiện tại nhà hát Dolby Theatre cùng với người vợ mới cưới.
“American Idol” đã kết thúc sau 15 mùa giải vì tỉ suất người xem sụt giảm liên tiếp trong vài năm trở lại đây. Đêm chia tay “American Idol” không nghi ngờ gì chính là một trong những khoảnh khắc lịch sử của truyền hình Mỹ nói riêng và truyền hình thế giới nói chung.
Loạt chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát “Idol” đã từng là một chương trình điểm nhấn, một “ngôi sao” trong lịch phát sóng của truyền hình nhiều nước, có được lượng người xem đông đảo hơn bất cứ chương trình truyền hình nào khác hồi đầu thế kỷ 21.
“American Idol” đã làm thay đổi cách thức tổ chức các cuộc thi trên truyền hình, làm thay đổi tiềm lực kinh tế của hãng Fox (kênh phát sóng chương trình), và mở đầu cho vô số những cuộc “thi thố” trên truyền hình được sản xuất với mô-típ tương tự trên khắp thế giới.
Đối với giới truyền hình nói chung, “American Idol” giống như một màn ảo thuật làm thay đổi diện mạo màn ảnh nhỏ.
Cho dù “American Idol” đã chia tay khán giả, nhưng cho đến hôm nay loạt chương trình “Idol” nói chung vẫn là một “thế lực” trong giới truyền hình. Đêm chung kết của “American Idol” đã thu hút 10 triệu lượt xem - một con số gây ấn tượng ngay cả ở thời điểm hiện tại, nhưng nó cũng là một con số cho thấy “American Idol” đã dần mất đi sức hút như thế nào.
Cách đây một thập kỷ, “American Idol” đã chẳng cần chật vật gì mà vẫn dễ dàng thu hút 20-30 và thậm chí là 40 triệu lượt xem cho mỗi đêm lên sóng.
Với đêm chung kết chia tay, người ta đã cố gắng đưa lại “phép màu” cho chương trình bằng cách mời những ngôi sao đình đám nhất trong lịch sử tìm kiếm tài năng “American Idol”, đó là Kelly Clarkson và Carrie Underwood, cùng với rất nhiều những thí sinh đình đám khác từng bước ra từ sân chơi này.
Sự kiện được tổ chức ở nhà hát Dolby Theater nơi quán quân mùa 1 - Kelly Clarkson từng trở thành thần tượng âm nhạc mới của nước Mỹ hồi mùa hè năm 2002.
Loạt chương trình “Idol” đã trở thành một phần của nền văn hóa pop đương đại, là một cỗ máy sản xuất ngôi sao. Không hiểu rồi đây quán quân mùa cuối - Trent Harmon có gây dựng được sự nghiệp lớn hay không, nhưng chiến thắng gây bất ngờ của anh đang là chủ đề bàn luận trên mạng xã hội Mỹ - một dư âm đậm chất truyền hình thực tế mà “American Idol” để lại.
Vậy tại sao “American Idol” phải dừng chân khi cuộc chơi chưa hẳn đã tàn? Lý do là bởi chi phí để sản xuất một chương trình truyền hình chất lượng đang ngày càng trở nên đắt đỏ trong khi lượng người xem lại sụt giảm không ngừng. Những người làm truyền hình Mỹ cũng là những người làm kinh doanh đại tài.
Họ đang đặt cược một ván bài lớn: Việc cho dừng sản xuất “American Idol” sau 15 mùa giải sẽ tạo nên dư âm lớn, gây chấn động hơn nhiều so với việc tiếp tục cố gắng duy trì nó. Thực tế là bất chấp những nuối tiếc, phần đông dư luận vẫn đồng ý rằng đã đến lúc để nói lời tạm biệt.
“Cha đẻ” của chương trình - ông Simon Fuller thì đã sớm nghĩ đến kịch bản cho sự trở lại, ông nói với phóng viên sau đêm chia tay (7/4) rằng đây chỉ là một chặng nghỉ để sau đó nâng tầm chương trình lên, để có thể kết nối với khán giả nhiều hơn và khiến chương trình có được sự hấp dẫn mới lạ hơn. “American Idol chắc chắn sẽ trở lại” - ông Simon Fuller khẳng định.
Có vẻ Simon Fuller - “cha đẻ” của chương trình - đang rất lạc quan rằng sự dừng lại này chỉ là một phép thử, để sau đó “đứa con cưng” của mình sẽ “trở lại, lợi hại hơn xưa”, nhưng hiện tại, chẳng có gì chắc chắn cho sự hồi sinh đầy hứa hẹn đó, và nói một cách thẳng thắn thì lời chào tạm biệt lần này rất có thể sẽ là lời chia tay vĩnh biệt.
Trong giây phút kết lại đêm chung kết lịch sử, người dẫn chương trình Ryan Seacrest đã có một cách chào “gieo niềm tin và hy vọng” khi chốt lại đêm lên sóng cuối cùng rằng: “Chúc nước Mỹ ngủ ngon, chào tạm biệt thôi nhé!”.
Bích Ngọc
Tổng hợp