Am tháp cổ tại ngôi chùa hơn 600 tuổi biến thành... ruộng ngô

Dương Nguyên

(Dân trí) - Am tháp chôn cất xá lị của các nhà sư có công với chùa Đá (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) bị phá hủy hoàn toàn. Sự việc khiến phật tử, người dân địa phương, chuyên gia tiếc nuối.

Chùa Đá rộng 3.200m2, nằm trên địa phận thôn Châu Linh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo sử sách, thời xa xưa, chùa Đá có tên là Huyền Lâm tự. Sau khi chùa Huyền Lâm đổ nát, chùa xây mới đặt lại tên là Thạch Động tự (chùa Đá).

Đây là ngôi chùa lớn nhất vùng Tây Bắc của huyện La Sơn cũ (huyện Đức Thọ ngày nay) với lịch sử hơn 600 năm.

Am tháp cổ tại ngôi chùa hơn 600 tuổi biến thành... ruộng ngô - 1

Am tháp tại chùa Đá trước khi bị phá hủy (Ảnh: D.N.).

Hàng trăm năm trước, một số nhà sư đạo hạnh đã đến đây tu hành đắc đạo. Sau khi viên tịch, xá lị của họ được cất giữ trong các mộ tháp của vườn chùa. Theo ghi chép trong gia phả của một số dòng họ tại Đức Thọ, am tháp trong chùa có di cốt của các nhà sư nổi tiếng Phan Lĩnh, Mai Phúc Thông và Võ Chân Nhân.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chùa nằm trong khu vực trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ và bị phá hủy. Những năm gần đây, dự án trùng tu, phục dựng chùa Đá được triển khai với sự phát tâm, công sức người dân và phật tử khắp mọi miền đất nước.

Dấu vết kiến trúc còn lại của chùa cũ là am tháp được làm bằng đất nung nằm cạnh cây thị cổ thụ. Công trình cao hơn 2m, rộng 1m, bên trong đặt các hộp xá lị của nhà sư.

Am tháp từng được ghi nhận là một trong những tháp chùa đẹp nhất, mang đặc trưng kiến trúc Phật giáo cuối thời Hậu Lê tại tỉnh Hà Tĩnh.

Am tháp cổ tại ngôi chùa hơn 600 tuổi biến thành... ruộng ngô - 2

Am tháp chùa Đá từng là nơi đặt xá lị của các nhà sư (Ảnh: D.N.).

Từ những giá trị đó, vào ngày 28/2/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với chùa Đá.

Tuy nhiên, mới đây, phật tử, người dân địa phương đến di tích chùa Đá vô cùng bất ngờ khi thấy am tháp cổ bỗng dưng biến mất. Thay vào đó, khu đất thành nơi trồng ngô, còn xá lị của các nhà sư được chuyển đến am thờ mới xây trước cửa chùa.

Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh cho biết, người quản lý chùa đã gọi thợ phá hủy am tháp vào cuối năm 2022. Do phát hiện muộn và họ không báo cáo nên chính quyền không kịp can thiệp.

Sau đó, UBND huyện Đức Thọ cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành lập đoàn kiểm tra về làm việc với nhà chùa.

Am tháp cổ tại ngôi chùa hơn 600 tuổi biến thành... ruộng ngô - 3

Khu đất đặt am tháp giờ đã bị biến thành ruộng ngô (Ảnh: D.N.).

Tại buổi làm việc, thầy Thích Nhuận Lợi (được giao quản lý chùa Đá) cho biết, trụ trì của chùa đang ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bản thân thầy Lợi thừa nhận, trong thời gian được giao coi sóc chùa, do không hiểu được ý nghĩa, chứng tích của di tích và thấy công trình xuống cấp nên cho người phá hủy chứ không cố tình.

"Nhà chùa cũng nhận lỗi và xin được tự khôi phục theo nguyên bản am tháp cũ", ông Dũng nói.

Lãnh đạo UBND huyện Đức Thọ cho hay, đoàn kiểm tra quyết định sẽ xử phạt hành chính người phá hủy am tháp và yêu cầu phục dựng lại nguyên bản am tháp. Việc lập bản thiết kế phải được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng yêu cầu nhà chùa làm lại quy trình về người tiếp quản chùa, nếu không sẽ trục xuất khỏi địa phương.

Am tháp cổ tại ngôi chùa hơn 600 tuổi biến thành... ruộng ngô - 4

Cổng chùa Đá ngày nay (Ảnh: D.N.).

Ngày 25/4, ông Trần Phi Công, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, am tháp là công trình kiến trúc thường có ở các ngôi chùa cổ. Đây là nơi đặt xá lị của các vị tổ sư hoặc trụ trì có công với ngôi chùa đó.

Ở Hà Tĩnh, một số ngôi chùa có công trình này nhưng riêng am tháp cổ ở chùa Đá (huyện Đức Thọ) có kiến trúc, hoa văn độc đáo, không giống nơi khác.

"Am tháp cổ chùa Đá là cơ sở để nghiên cứu, xác định kiến trúc, niên đại, sự phát triển của Phật giáo ở Đức Thọ. Đây cũng là căn cứ để xếp hạng di tích. Quan trọng là vậy nhưng công trình đã bị phá hủy, thật đáng tiếc", ông Công nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm