Ai mới thực sự là Quốc tổ của người Việt?

Việc truy tôn một người nào đó là Quốc tổ là việc hệ trọng. Vậy mà, chỉ điểm qua các báo gần đây cũng thấy có đến vài vị Quốc tổ khác nhau.

Trong cây phả hệ của một dòng họ/chi nhánh dòng họ, Ông tổ được coi là người khởi dựng dòng họ/chi nhánh dòng họ ấy, là người có quan hệ huyết thống với các hậu thế của mình. Trong một nghề thủ công, Ông tổ nghề được coi là người sáng lập và truyền dựng nên nghề ấy. Người ta thường dựng nhà thờ Tổ, xây ngôi mộ Tổ, cử hành giỗ Tổ để thành kính tưởng nhớ công lao của một vị Tổ.

Những việc làm đó mang ý nghĩa tâm linh sâu xa, hướng về nguồn cội và có tác dụng giáo dục các thế hệ phát huy truyền thống gia phong hay bảo tồn những nguyên tắc tốt đẹp của nghề nghiệp. Vì vậy, việc coi một người nào đó là Ông tổ là một việc hệ trọng.

Trong phạm vi một dòng họ hay một nghề còn như vậy, việc truy tôn một người nào đó là Quốc tổ, người khởi dựng nên một quốc gia, một dân tộc lại càng là việc hệ trọng hơn bội phần.

Vậy mà, điểm qua các báo gần đây ta thấy gì? Sau đây là bốn ví dụ trong số nhiều tin tương tự:

1. Khởi công xây dựng Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân: Chiều 26/3, Bộ Văn hóa Thông tin (?) đã tổ chức khởi công xây dựng Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân tại khu đồi Sim, xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. (Báo Vn Media)

2.Lễ giỗ Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ (TTXVN)

3.Kiên Giang: Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương đón nhận bằng di tích LSVH (Báo Tiền phong )

4.Tượng Quốc tổ, 18 tượng Vua Hùng được công nhận lớn nhất Việt Nam. (Báo Thanh niên)

Như vậy,



Như vậy,

- Theo bài 1, ở Việt Trì, Quốc tổ là Lạc Long Quân; còn theo bài 2), ở khu di tích lịch sử Đền Hùng, Quốc tổ cũng là Lạc Long Quân, bởi từ "Đức" ở đây là để tỏ ý tôn kính, tương tự như nói Đức Phật, Đức Chúa, Đức Thánh Trần, Đức Bà... nên Đức Quốc tổ cũng chỉ là Quốc tổ mà thôi;

- Theo bài 3, ở Kiên Giang, Quốc tổ là Hùng Vương (thứ nhất?). Các đền thờ Hùng Vương ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai... đều ghi "Đền Quốc tổ Hùng Vương". Trước đây Đền Hùng Phú Thọ cũng có tên là "Đền Quốc tổ Hùng Vương".

- Theo bài 4, ở Gia Lai, Hùng Vương (thứ nhất?) không phải là Quốc tổ, vì đã có tượng đứng cùng với 17 vị khác; còn Quốc tổ “môi đỏ như son, da trắng như tuyết” thì không có tên!

Và dường như tất cả các hoạt động và sự kiện này, từ ý tưởng dự án, thiết kế, xây dựng... đến khánh thành đều có vai trò quản lý nhà nước của Sở Văn hóa sở tại.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có 1417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Hầu khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam, nơi nào cũng tổ chức cúng lễ ...Nhưng với việc sử dụng các danh xưng bất nhất như trên thì ai là Ông tổ đích thực của chúng ta?

Sắp tới các cháu học sinh sẽ phải trả lời thế nào, nếu có các đề thi liên quan trong môn Lịch sử?

Nhà sử học Lê Văn Lan: Gọi Lạc Long Quân là quốc tổ là 2 lần sai

GS sử học Lê Văn Lan cho biết, ông đã nhiều lần góp ý với Phú Thọ rằng chỉ nên gọi Hùng Vương là Quốc tổ còn Lạc Long Quân thì không. "Chúng ta đang cố gắng chứng minh Hùng Vương là có thật, và điều đó đang dần sáng tỏ. Còn Lạc Long Quân là nhân vật huyền thoại, không thể có thật được. Nếu gọi Lạc Long Quân là Quốc tổ là 2 lần sai. Cái sai thứ nhất là gọi nhân vật không có thật là Quốc tổ. Cái sai nữa là về lịch sử vì Lạc Long Quân chỉ là nhân vật huyền thoại".

Nhà sử học Nguyễn Ngọc Tiến: 

Lạc Long Quân và Hùng Vương đều là nhân vật truyền thuyết. Nhưng tài liệu sử sách ghi lại thì đều thể hiện Hùng Vương mới chính là Quốc tổ. Nói như vậy để thấy rằng Hùng Vương là nhân vật có tài liệu chứng cứ ghi chép rõ ràng. Trong khi đó Lạc Long Quân do truyền thuyết ghi lại thành sử rồi bị sai lệch năm này qua năm khác. Gọi Hùng Vương là Quốc tổ là chính xác.

Tình Lê ghi





















Theo TS.Phan Văn Khôi
Vietnamnet