Ai “dám” thay thế Khánh Ly, Hồng Nhung hát nhạc Trịnh?
(Dân trí) - Tại Việt Nam, tới thời điểm này số ca sĩ “được chấp nhận” khi hát nhạc Trịnh chỉ thực sự đếm trên đầu ngón tay. Trong số đó nổi bật và thành công nhất là nữ danh ca Khánh Ly và Hồng Nhung…
Hãy đi tới cùng nhạc Trịnh, cũng giống như “đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”.
Vậy là Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tài hoa bậc nhất đã về với cát bụi đã tròn 14 năm. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã viết nên nhiều cuộc chia ly đầy yêu thương tiếc nuối, và có khi là cả những cuộc chia ly chất chứa xa xót, điêu linh. Thế nhưng, trước cuộc chia ly cuối cùng của chính mình với đời và với người, Trịnh Công Sơn lại an nhiên đến kỳ lạ: “Cái chết chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của sự sống”. Ông đã sống và đã đi qua cuộc đời nhẹ nhàng như trong một cuộc dạo chơi, để lại nỗi nhớ mênh mang cho bao người ở lại, để lại gia tài nghệ thuật vô giá cho người, cho đời.
Trong suốt cuộc đời mình, Trịnh Công Sơn đã viết nên nhiều cuộc chia ly đầy yêu thương tiếc nuối, và có khi là cả những cuộc chia ly chất chứa xa xót, điêu linh
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn là âm nhạc của thời đại. Suối nguồn âm nhạc với tầng tầng lớp lớp ý nghĩa ấy luôn là niềm cảm hứng bất tận cho nhiều lớp ca sĩ Việt Nam trong và ngoài nước, bởi nó chất chứa nhiều trắc ẩn, suy tư và ẩn sâu trong đó là một nỗi niềm. Cho đến nay những tình khúc nhạc Trịnh đã được nhiều ca sỹ đầu tư một cách nghiêm túc vào sản phẩm âm nhạc của mình. Nhưng không vì thế mà sản phẩm nào cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Tại Việt Nam, tới thời điểm này số ca sĩ “được chấp nhận” khi hát nhạc Trịnh chỉ thực sự đếm trên đầu ngón tay. Trong số đó nổi bật và thành công nhất là nữ danh ca Khánh Ly và Hồng Nhung. Tuy cùng một dòng nhạc nhưng mỗi người lại thể hiện nhạc Trịnh với một tinh thần và màu sắc khác nhau, tạo nên nét duyên ngầm khó lẫn…
Khánh Ly- Đóa hoa lãng mạn và đau thương
Năm 1965, cuộc gặp gỡ định mệnh với Khánh Ly, nữ ca sĩ thể hiện tuyệt hay những tác phẩm của Trịnh Công Sơn đã làm nên lịch sử không riêng của Khánh Ly mà còn của nền âm nhạc Việt Nam. Nói về người cuộc gặp gỡ này, Trịnh Công Sơn từng có lần kể: “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng, nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly”.
Khánh Ly trở nên nổi tiếng khi đồng hành với âm nhạc Trịnh Công Sơn
Thuở bấy giờ, hình ảnh Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đi hát cộng đồng, nghĩa là hát không lấy thù lao, chủ yếu là cho thính giả trẻ, tại các giảng đường, trường học, đã tạo ra một hình ảnh lý tưởng trong nghệ thuật. Giọng hát khàn đục và quyến rũ của Khánh Ly với những tình khúc vàng của Trịnh Công Sơn như Diễm Xưa, Ca dao mẹ, Cát bụi, Dấu chân địa đàng, Một cõi đi về, Hạ trắng… đã làm bàng hoàng, ngây ngất cả một thế hệ trẻ vào hai năm cuối của thập niên 60 và tiếp tục như thế ở những năm đầu của thập niên 70, đánh dấu sự thành công tuyệt đỉnh vinh quang của dòng nhạc Trịnh Công Sơn- tiếng hát Khánh Ly.
Sau đó, họ tiếp tục trình diễn khắp Việt Nam, nước ngoài và nhất là trong sân cỏ trường đại học - nơi Khánh Ly được mệnh danh là "Nữ hoàng chân đất" hay "Nữ hoàng sân cỏ". Trong những lần trình diễn như thế, có khi kéo dài đến cả 4-5 giờ đồng hồ, Khánh Ly đã hát say mê hơn 45 nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn để đáp lại lời yêu cầu của khán giả.
Có nhiều cách lý giải về sự thành công vượt bậc của Khánh Ly khi hát nhạc Trịnh, song quy tụ lại, giới mộ điệu đều không thể phủ nhận một “chân lý”, rằng Khánh Ly đã hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh. Nữ danh ca thể hiện nhạc Trịnh Công Sơn với một tinh thần chia sẻ và đồng cảm về những nỗi đau, sự dằn vặt của tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước và thân phận con người trong nhạc Trịnh.
Cặp tri kỷ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn- Khánh Ly
Sự thể hiện này rất thành công và đã ghi được dấu ấn sâu đậm với công chúng, đặc biệt là những người sinh ra trước những năm 70 của thế kỷ trước. Họ đồng cảm được với Trịnh Công Sơn qua Khánh Ly vì họ sống trong thời kỳ rất gần với Trịnh, dễ hiểu và dễ chia sẻ hơn với nhạc sỹ về quan niệm tình yêu, về nhân sinh quan, về bối cảnh của thời đó.
Mãi cho đến hôm nay, dẫu tuổi không còn trẻ, sức không còn dài như xưa, song Khánh Ly vẫn sống cùng những ngày tháng của mình và Trịnh Công Sơn, của thời đại mình bằng tình cảm chân thành, trân quý mỗi khi bà cất tiếng hát.
Hồng Nhung- Nụ cười vô thường, sắc sắc không không
Hồng Nhung hát nhạc Trịnh với một tinh thần khác, tươi mới hơn, dương tính hơn. Ban đầu, tinh thần này của Hồng Nhung không được đón nhận. Người nghe nhạc Trịnh chỉ chấp nhận cái khàn, cái thư thả, dửng dưng trong cách hát của Khánh Ly mà không chịu mở lòng với bất cứ ai khác, bất cứ cách làm mới nào khác.
Trả lời điều này, Hồng Nhung từng nói một cách dứt khoát: “Tiếng hát phát ra từ em như thế... nó là như thế! Có thể đó là vấn đề của thế hệ. Thế hệ của em sau thế hệ Khánh Ly hơn 20 năm rồi, nỗi buồn cũng khác, cách cảm cũng khác. Em được thế hệ này tạo ra, tự nhiên em phải hát nhạc Trịnh Công Sơn theo cách cảm của thế hệ mình”.
Ngoài lý do trên, Hồng Nhung cũng được tiếp xúc với Trịnh Công Sơn rất nhiều khi ông bước vào giai đoạn cuối đời. Giai đoạn con người không còn quá vật vã, dằn vặt trong tình yêu mà chỉ còn sự tiếc nuối! Bống bồng ơi, Bống không là bống, Thuở bống là người... là những ca khúc mà Trịnh đã viết tặng Hồng Nhung- “người tình nhỏ” của ông trong những năm tháng cuối. Lời ca khi ấy cũng không còn quá u buồn mà đan xen vào những nụ cười. Nụ cười của những người từng trải và nhìn cuộc sống một cách vô thường, sắc sắc không không...
"Bống" Hồng Nhung luôn được Trịnh Công Sơn dành cho những ưu ái
Sự thành công của Hồng Nhung với nhạc Trịnh còn đến từ ưu ái của Trịnh Công Sơn khi ông nói: “Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích có người không thích. Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với thời hiện đại - Một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được một chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ”.
Chờ đợi nhân tố mới
Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa và âm nhạc rất nhiều sắc màu. Vì thế, một giọng ca cho dù có sâu sắc và hoàn hảo đến mấy cũng không thể lột tả được đầy đủ tinh thần và các cung bậc cảm xúc trong nhạc Trịnh.
Ngoài sự đau khổ, dằn vặt trong tình yêu, ngoài sự vô thường hư ảo của cuộc sống, nhạc của Trịnh Công Sơn còn có sự hy vọng, niềm tin yêu vào cuộc sống. Những yếu tố này được thể hiện rất đậm nét trong rất nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn.
Nhưng có lẽ Trịnh Công Sơn là một tác giả quá đỗi tài tình nên ít có nghệ sĩ dám liều mình để truyền tải nhạc Trịnh theo một tinh thần mới như vậy. Trong bối cảnh xã hội hiện tại, nhạc Trịnh vẫn còn giữ nguyên hơi thở đương đại, vẫn còn tràn ngập một tình yêu chân thành, trong sáng, vẫn còn đầy niềm tin và sự hy vọng về một xã hội tốt đẹp.
Đã thấy thấp thoáng, đã hy vọng ở một vài ca sĩ hát nhạc Trịnh, nhưng tiếc rằng họ thể hiện chưa nhiều rồi chững lại và loay hoay không biếtlàm sao để phát huy tiếp tục hành trình gian nan với nhạc Trịnh.
Vì thế, nhạc Việt vẫn đang chờ những nhân tố mới, đủ sâu sắc, đủ trong sáng, đủ bản lĩnh để tiếp tục đưa âm nhạc của người nghệ sĩ tài hoa bậc nhất đến với công chúng, đặc biệt là đối với những khán giả trẻ hơn, nhiều hoài bão hơn.
Hãy thử chờ để đi tới cùng nhạc Trịnh, cũng giống như “đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”- như Trịnh Công Sơn từng triết lý và chiêm nghiệm!
Lê Phú Anh