8 thanh đồng, cung văn được phong Nghệ nhân dân gian

(Dân trí) - Với những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, Hầu đồng, 6 thanh đồng và 2 cung văn thuộc các tỉnh (thành phố): Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Bình và Thanh Hóa đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam.

Sự kiện này được Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức vào tối 7/5 trong chương trình hầu đồng “Đạo và Đời” kết hợp với lễ phong tặng Nghệ nhân dân gian.

Trao bằng chứng nhận Nghệ nhân dân gian cho 6 thanh đồng và 2 cung văn. Ảnh: Dạ Thảo.
Trao bằng chứng nhận Nghệ nhân dân gian cho 6 thanh đồng và 2 cung văn. Ảnh: Dạ Thảo.

Tại buổi lễ, GS-TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam và ông Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao bằng chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 6 thanh đồng, gồm có: Đặng Ngọc Anh - thủ nhang Linh Quang Điện (sinh năm 1972 - 32 năm đồng); Ngô Thị Ngọc Bông - thủ nhang đền Trung Thiên Thủy Cảnh (sinh năm 1960 - 25 năm đồng); Trần Văn Áp - thủ nhang đền Tân La (sinh năm 1965 - 37 năm đồng); Nguyễn Thị Mùi - thủ nhang Phúc Long Điện và Đồng đền Bà Chúa Lăng (sinh năm 1956 - 18 năm đồng); Trần Thị Thanh Hải - thủ nhang Cửu Thiên Tiên Linh từ (sinh năm 1972 - 10 năm đồng), Lê Đức Hưng - thủ nhang đền Bơ Bông Vọng Từ (sinh năm 1972 - 26 năm đồng) cùng 2 cung văn là Bùi Hữu Quý - cung văn trưởng đền Mẫu Ninh Giang - Hải Dương, đền Mẫu Tiên La - Thái Bình (sinh năm 1969 - 25 năm Cung văn) và Bùi Văn Hảo dân tộc Mường - cung văn trưởng đền Rồng, đền Nước - Thanh Hóa (sinh năm 1991 - 14 năm cung văn).

Nghệ nhân dân gian là danh hiệu cao quý do Hội văn nghệ dân gian Việt Nam trao cho những người có thành tích đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa phi vật thể, giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Ca trù, Quan họ, Hát Xoan, Chầu văn…

Trong khuôn khổ sự kiện còn có màn diễn xướng hầu đồng. Ảnh: Dạ Thảo.
Trong khuôn khổ sự kiện còn có màn diễn xướng hầu đồng. Ảnh: Dạ Thảo.

Được biết, những năm qua, nhiều Thanh đồng, Cung văn là hội viên Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Đạo Mẫu đã vinh dự được Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xem xét Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Đến nay nhà nước đã công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu, Hầu đồng là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Và đặc biệt quan trọng, ngày 28/3/2015, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã gửi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” tới tổ chức UNESCO đệ trình là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các chuyên gia UNESCO sẽ cho ý kiến vào tháng 6/2016. Hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét đánh giá vào tháng 12/2016 tại kỳ họp thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) tại Ethiopia.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm