8 sự kiện văn hóa nổi bật 2014

(Dân trí) - Năm 2014 đánh dấu nhiều sự kiện lớn như Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Quần thể danh thắng Tràng An ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới.. Năm 2014 sắp khép lại, hãy cùng điểm lại những sự kiện lớn với những tín hiệu tươi sáng dưới đây.

Chuỗi sự kiện hướng về biển đảo

Năm 2014, hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng về biển, đảo đã được tổ chức rộng rãi trên khắp các tỉnh thành, không chỉ đa dạng về hình thức mà còn chất lượng về nội dung. Có thể điểm như: tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam -Hà Nội nằm trong khuôn khổ “Tuần Văn hoá-Du lịch biển đảo Việt Nam” từ ngày 20-24/11, hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam (23/11) đã giới thiệu tới một không gian văn hóa, du lịch biển đảo, nhằm góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ ở nhiều tỉnh thành. Cũng tại Hà Nội, triển lãm "Chủ quyền biển đảo của Việt Nam" trưng bày 55 tác phẩm của 50 họa sỹ, nhà điêu khắc của giới Mỹ thuật Việt Nam với những sáng tác nóng hổi về tình hình biển Đông đã được giới thiệu từ ngày 18-24/ 6/2014. Tại Nghệ An, triển lãm "Biển, đảo và người chiến sỹ Hải quân - Âm vang chiến thắng trận đầu" diễn ra từ ngày 12-17/7/2014 đã được giới thiệu thể hiện vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển Việt Nam với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế quốc phòng, an ninh đất nước và truyền thống an hùng của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam…

...và đông đảo người dân đến thưởng lãm
Đông đảo người dân Quảng Bình có mặt tại triển lãm ảnh "Biển đảo quê hương", diễn ra hồi tháng 6/2014

Hoạt động hướng về biển đảo còn đa dạng bởi hình thức thể hiện như ở Quảng Nam hơn 100 con diều đến từ 12 câu lạc bộ Diều trên cả nước với thông điệp khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam đã được các nghệ nhân, người chơi diều thả tung bay lên bầu trời biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam hồi tháng 5. Cùng đó nhiều chương trình ca nhạc, MV với sự tham gia của đông đảo ca sĩ chuyên và không chuyên trên khắp cả nước hướng về biển đảo đã được giới thiệu trong năm.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014, tại Paris, Pháp. Trước đó, từ tháng 12/2012, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sắp tới đây, buổi lễ vinh danh chính thức và đón bằng công nhận của UNESCO sẽ được tổ chức trọng thể vào tối ngày 31/1/2015 tại tỉnh Nghệ An.

Dân ca Ví, Giặm
Nghệ Tĩnh (Ảnh ST)

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (Ảnh ST)

Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm gắn liền với đời sống lao động thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, lúc chèo thuyền, khi quay tơ, kiếm củi, trèo non… Vì vậy, các lối hát được gọi theo tên của hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè…

Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh, và là phương tiện nghệ thuật để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng. Việc dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc đặc biệt này của Việt Nam.

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới

Ngày 23/6, tại thủ đô Doha, Qatar, Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) của Việt Nam vào danh mục Di sản thế giới.

Tràng An mùa lễ hội (Ảnh: NMT)

Tràng An mùa lễ hội (Ảnh: NMT)

Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm ba khu vực liền kề nhau là Di tích cố đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và Rừng nguyên sinh Đặc dụng Hoa Lư. Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Thế giới với các tiêu chí về văn hóa, về vẻ đẹp thẩm mỹ và về địa chất- địa mạo.

Với sự ghi danh này, Tràng An trở thành Di sản Thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được công nhận cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. Qua đó, khẳng định những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước cũng như của toàn nhân loại.

Lần đầu Việt Nam tổ chức Festival âm nhạc Quốc tế Gió mùa, Festival Âm nhạc mới Á – Âu

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival 2014) được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội với sự tham gia của các nghệ sĩ tài năng của Việt Nam như nhạc sĩ Quốc Trung, Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà… và các nghệ sĩ đến từ các quốc gia Đan Mạch, Anh, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong 3 ngày diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (từ ngày 2-4/10/2014) đã có hàng vạn khán giả đến tham gia.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy dàn nhạc thể hiện tác

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy dàn nhạc thể hiện tác phẩm "Điểm hẹn" của ông tại khai mạc “Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014” (Ảnh: CH)

Bên cạnh Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, Festival Âm nhạc mới Á – Âu cũng lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Đây là dịp giới thiệu, quảng bá những thành tựu âm nhạc mới của các nhạc sĩ đương đại với nội dung đa dạng, phong phú của các hình thức, thể loại âm nhạc từ thính phòng, hợp xướng đến giao hưởng, nhạc kịch...  Festival thu hút sự tham gia của khoảng 200 nhạc sĩ đến từ 30 quốc gia và nhận được sự tán dương của khán giả trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Đây cũng là một trong 10 sự kiện âm nhạc tiêu biểu năm 2014 do Hội CLB Âm nhạc và Báo chí (Hội nhạc sĩ Việt Nam) và Hội nhà báo Việt Nam bình chọn.

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2014

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ III/2014 diễn ra từ ngày 23-27/11với 130 bộ phim được tuyển chọn từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút hơn 30.000 lượt khán giả.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy dàn nhạc thể hiện tác

Không nằm ngoài dự đoán, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp "Đập cánh giữa không trung" đã xuất sắc được tôn vinh ở hạng mục Giải thưởng của BGK dành cho phim dài (Ảnh: Hồng Minh)

Tại Liên hoan phim lần này, vị thế phim Việt Nam được nâng cao thông qua chất lượng của 43 bộ phim tham dự. Trong đó, phim truyện dài Đập cánh giữa không trung và phim ngắn Ngoài kia có gì? đã giành hai Giải thưởng của Ban Giám khảo (hạng mục Phim dài dự thi và Phim ngắn dự thi). Giải thưởng của Ban Giám khảo là giải quan trọng thứ hai của Liên hoan phim.

Có hơn 30.000 khán giả đến với 190 buổi chiếu phim của Liên hoan phim, tạo điều kiện cho khán giả tiếp cận với điện ảnh thế giới, nhân rộng tình yêu với điện ảnh nước nhà. Trong khuôn khổ Liên hoan phim, các hoạt động nghề nghiệp như hội thảo hợp tác quốc tế về sản xuất phim, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm làm phim độc lập, chợ dự án phim, trại sáng tác trẻ... được tổ chức đúng tầm, hiệu quả.

Chủ trương của Bộ VH,TT&DL trong việc khuyến cáo, ngăn chặn và loại bỏ các hiện vật ngoại lai không phù hợp tại các di tích lịch sử văn hóa, công sở, nơi công cộng.... trong cả nước.

Trước thực trạng đưa vào sử dụng tùy tiện, tràn lan các hiện vật ngoại lai, sản phẩm, biểu tượng... không phù hợp tại nhiều di tích lịch sử văn hóa, trụ sở cơ quan, không gian công cộng..., ngày 8/8/2014 Bộ VH,TT&DL đã ban hành công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL vê việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Nghê ngoại lai ở làng nghề chế tác đá Ninh Vân, Ninh Bình

Nghê ngoại lai ở làng nghề chế tác đá Ninh Vân, Ninh Bình mốc xanh vì ế ẩm sau chủ trương của Bộ VH,TT&DL trong việc khuyến cáo, ngăn chặn và loại bỏ các hiện vật ngoại lai không phù hợp tại các di tích lịch sử văn hóa, công sở, nơi công cộng.... trong cả nước (Ảnh: Đức Văn)

Ngay sau khi ban hành, chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ của xã hội, các cơ quan, đoàn thể và báo giới. Nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương này bằng việc tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý, di dời... các hiện vật không phù hợp.

Các hoạt động  sản xuất, mua bán, cung tiến và sử dụng đã được các đối tượng trong xã hội ý thức rõ ràng, sâu sắc hơn nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn chặn  sự xâm lấn của các biểu tượng, hiện vật  không phù hợp.

Kiến trúc Việt Nam “được mùa”

Có thể nói năm nay là một năm mà kiến trúc Việt Nam “được mùa”, tại Festival Kiến trúc Thế giới chứng kiến một “hiện tượng” của kiến trúc Việt Nam với tổng cộng 13 công trình được đề cử ở 10 hạng mục. Đáng chú ý, ở hạng mục Khách sạn và Nghỉ dưỡng, có hai công trình được đề cử là nhà hàng Sơn La của công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa và Nhà Lều của a21 studio; Tại Green Good Design (Kiến trúc xanh) là một trong những giải thưởng quan trọng và lâu đời nhất trên thế giới về lĩnh vực thiết kế xanh. Năm nay vinh dự này lại thuộc về các công trình của Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa; Mới nhất là công trình "House for trees" của công ty Võ Trọng Nghĩa đã giành chiến thắng đầu tiên cho Việt Nam tại Festival Kiến trúc Thế Giới 2014 (World Architecture Festival) tại Singapore…

Nhà hàng Sơn La của công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa

Nhà hàng Sơn La của công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa

Không chỉ nhắc nhiều tới những tác phẩm công trình của kiến truc sư Võ Trọng Nghĩa, ngày 27/11 vừa qua, tại UNESCO, 4 thành viên đoàn Việt Nam, đã vượt qua 1.700 hồ sơ dự thi đến từ 90 nước, để giành giải nhất của cuộc thi quốc tế Ý tưởng về Kiến trúc cho tương lai. Đây là giải cao nhất, cũng đồng thời là giải duy nhất của hạng mục Kiến trúc và các vấn đề của nước biển dâng.

Nhiều địa danh Việt Nam được ngợi ca trên tạp chí nước ngoài

Năm 2014 đánh dấu nhiều mốc quan trọng với nền du lịch Việt Nam. Trong số đó, khá nhiều địa danh Việt được các tạp chí du lịch nổi tiếng ca ngợi. Với cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc khó nơi nào có được, vịnh Hạ Long trong năm 2014 liên tiếp được nhiều trang du lịch nổi tiếng như Global Grashopper, Reuters… bầu chọn là điểm đến hấp dẫn. Nằm gọn trong lòng vịnh, làng chài Cửa Vạn vào tháng 10/2014 được tạp chí du lịch TravelandLeisure đưa ra danh sách những điểm đến ven biển đẹp nhất thế giới.

Không kém cạnh Vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) cũng có một năm “được mùa”tôn vinh. Với chiều dài lòng hang 9km, hang Sơn Đoòng liên tục được nhiều trang du lịch của Mỹ như New York Times, National Geographic và tờ Huffington Post "hết lời" ca ngợi. Cũng trong năm 2014, hãng truyền thông quốc tế có trụ sở đặt tại Anh Barcroft Media đã công bố những bức ảnh ấn tượng nhất của năm. Trong số đó, có một bức hình được chụp tại hang Sơn Đoòng. Điều này phần nào đã khắc họa được sự hùng vĩ của tuyệt tác thiên nhiên khổng lồ mà Việt Nam may mắn sở hữu.

Hang Sơn Đoòng nằm trong top những hình ảnh đáng kinh ngạc nhất năm
Hang Sơn Đoòng (Ảnh: Daily Mail) 

Năm 2014, thủ đô Hà Nội liên tiếp nhận nhiều "tin vui" trên lĩnh vực du lịch. Theo đánh giá của tạp chí du lịch Smart Travel Asia - nơi có hơn 1 triệu độc giả trên toàn thế giới, Hà Nội đứng thứ 8 trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Hà Nội lọt vào top cao nhất.

Một đô thị cổ khác là Hội An cũng thường xuyên được nhắc tới trong những danh sách bầu chọn về du lịch. Theo bình chọn của Touropia hồi tháng 9/2014, Hội An đứng thứ tư trong bảng xếp hạng sau Venice, Amsterdam và Bruges về những thành phố có con kênh chảy qua nổi tiếng nhất hành tinh. Còn theo Indiatimes, Hội An là một trong 9 thành phố lãng mạn nhất thế giới. Phố cổ này từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản,Trung Quốc và phương Tây suốt thế kỷ 17 và 18.

 Nhóm PV Văn hóa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm