6 loại rau củ lành mạnh bạn nên biết để bổ sung vào bữa ăn cho gia đình
(Dân trí) - Để có sức khỏe và thể trạng tối ưu, việc ăn rau củ hằng ngày là vô cùng cần thiết. Ba phần rau mỗi ngày là chìa khóa để tận hưởng một cuộc sống lâu dài không bệnh tật.
Rau củ có nhiều loại, đủ màu giàu chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa. Mỗi loại trong số chúng đều chứa một loại khoáng chất giúp cơ thể chúng ta thực hiện các chức năng bên trong, tăng cường khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính.
Dưới đây là 6 loại rau củ lành mạnh bạn nên biết để bổ sung thêm vào bữa ăn trong gia đình.
Rau bina (cải bó xôi)
Rau bina (còn gọi là rau chân vịt, cải bó xôi), đứng đầu bảng khi nói đến việc ăn uống lành mạnh. Nó là một trong những siêu thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, sắt, magiê, kali, folate và canxi.
Rau bina cũng là một nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời, giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng và giảm thị lực. Chỉ 30 gram rau bina sống cung cấp 56% nhu cầu vitamin A hằng ngày của bạn.
Cà rốt
Cà rốt chứa nhiều beta-carotene, một chất chống ô xy hóa giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Một nghiên cứu tiết lộ rằng, một khẩu phần cà rốt mỗi tuần có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt 5%.
Bên cạnh đó, nó cũng có thể làm giảm huyết áp, tăng cường sức khỏe của mắt và giúp giảm cân.
Với những lợi ích của vitamin A, C, K và kali, cà rốt có thể được thêm vào chế độ ăn uống theo nhiều cách. Có thể là nước ép cà rốt, thêm vào món salad…
Bông cải xanh
Các loại rau thuộc họ cải đặc biệt giàu hợp chất thực vật chứa lưu huỳnh được gọi là glucosinolate. Theo các nghiên cứu, hợp chất này có thể bảo vệ chống lại các loại ung thư, khối u và các bệnh mạn tính khác.
Hơn nữa, loại rau xanh này đặc biệt giàu vitamin K và vitamin C, 91 gram bông cải xanh thô cung cấp cho bạn 116% lượng vitamin K hằng ngày và 135% lượng vitamin C.
Tỏi
Tỏi là một loại siêu thực phẩm, chứa hợp chất hoạt tính allicin. Chúng còn được sử dụng để làm nhiều loại thuốc chữa bệnh trong nhiều năm qua.
Tỏi có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm mức độ cholesterol xấu trong máu. Tỏi rất giàu mangan, vitamin B6, vitamin C và selen.
Bên cạnh đó, tỏi cũng chứa một lượng kha khá canxi, đồng, kali, phốt pho, sắt và vitamin B1.
Nhưng bạn phải cẩn thận khi dùng tỏi, đừng dùng quá nhiều vì bạn có thể đối mặt với một số tác dụng phụ như hôi miệng, trào ngược axít, các vấn đề tiêu hóa và tăng nguy cơ chảy máu.
Đậu Hà Lan
Chỉ cần một chén đậu Hà Lan nấu chín, có thể cung cấp cho bạn 9 gram protein và các chất dinh dưỡng khác như vitamin A, C và K, riboflavin, thiamin, niacin và folate.
Khoai lang
Khoai lang là lựa chọn thay thế tuyệt vời cho khoai tây, vì khoai tây chứa nhiều tinh bột và có thể làm tăng lượng đường trong máu ngay lập tức. Khoai lang là một lựa chọn lành mạnh hơn nhiều, ngon hơn và có một số lợi ích sức khỏe.
Một củ khoai lang vừa cung cấp cho bạn một lượng protein, vitamin C, vitamin B6, kali và mangan.
Không chỉ vậy, khoai lang còn rất giàu vitamin A.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ăn khoai lang thường xuyên có thể giúp giảm lượng đường trong máu và cholesterol xấu.