56 sắc thái của đời sống trong triển lãm “Ngã tư”

(Dân trí) - Chiều 17/10, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức khai mạc triển lãm mang tên “Ngã tư” của 4 họa sĩ: Phạm Sinh, Ngọc Điệp, Thanh Trúc và Cường Tuse tại Hà Nội. Theo đó, mỗi họa sĩ sẽ có 14 tác phẩm được trưng bày tại đây.

56 bức tranh của 4 hoạ sỹ là 56 sắc thái của cuộc sống, mang lại cái nhìn mới mẻ về cuộc sống. Có thể là những sắc hoa lúc giao mùa, hay nhịp sống của con người nơi phố thị. Triển lãm bắt đầu từ 18/10 - 30/10/2017.

Họa sĩ Phạm Sinh cho biết, triển lãm được đặt tên là “Ngã tư” vì đây là điểm gặp gỡ bốn con người vô tình không hẹn mà gặp nhau. Họa sĩ Ngọc Điệp nhìn cuộc đời thật nhẹ nhàng, giản dị, miêu tả cuộc sống vốn dĩ là thế với những cánh hoa nở, tàn và cảnh làng quê bình yên, trong sáng.

Hoạ sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam (tóc bạc) cùng hoạ sỹ Phạm Sinh (đội mũ) trong khai mạc triển lãm.
Hoạ sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam (tóc bạc) cùng hoạ sỹ Phạm Sinh (đội mũ) trong khai mạc triển lãm.

Họa sĩ Thanh Trúc bảng lảng hơn, thơ mộng với những gam màu ngọt dịu làm cho cuộc sống và thiên nhiên bao la bồng bềnh hơn. Cường Tuse luôn “trung thành” với nhà, với những mảng sáng tối và nắng...

Các bức tranh của các họa sĩ có ý tưởng đột phá, bút pháp độc đáo, kỹ thuật điêu luyện, màu sắc tinh tế, kết hợp cả văn hóa Đông và Tây.

Về những tác phẩm của mình, họa sĩ Phạm Sinh chia sẻ: “Ở triển lãm “Ngã tư”, tôi có hai dòng tranh: một dòng tranh vẽ bằng bột màu, khổ nhỏ, được vẽ từ những năm 90, theo lối hiện thực, thiên về khung cảnh quê hương thanh bình như: Buổi sáng đồng quê, Bến chiều sông La núi Hồng, Lá ráy... có màu sắc trong sáng, ấn tượng.

56 sắc thái của đời sống trong triển lãm “Ngã tư” - 2
Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm.
Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm.

Và dòng tranh trừu tượng được vẽ từ năm 2016 đến nay bằng Acyrlic trên toan bồi giấy, dòng tranh này có sự đột phá về tư duy, tư cách xử lý chất liệu đến phong cách nghệ thuật”.

Nói về những bức tranh trừu tượng, họa sĩ Phạm Sinh cho biết: “Tranh trừu tượng thực sự có giá trị, khi nó bộc lộ bản lĩnh tác giả, xem tranh, xem cách xử lý về đường nét, màu sắc, người ta có thể hiểu được tính cách của người họa sĩ như thế nào.

Tranh của tôi có sự ngẫu hứng của phương Đông và sự kiểm soát lý trí của phương Tây trên vật liệu mới nên người yêu tranh có thể tìm được sự đồng cảm của mình trong đó. Tôi vẽ tranh là để thỏa mãn mình, muốn được đưa cái nhìn của mình để vào tác phẩm, để đối thoại với đời, với người”.

Khách đến chiêm ngưỡng tác phẩm.
Khách đến chiêm ngưỡng tác phẩm.

Họa sĩ Phạm Sinh trải lòng rằng: “Tôi lao động nghệ thuật không phải để nổi tiếng hay để kiếm tiền. Tôi vẽ tranh để thỏa mãn những khát khao trong lòng mình. Tôi cần bộc lộc cái tôi đang nén trong lòng, chứ không phải tôi muốn nổi tiếng hơn, vì thế gần đây tôi theo đuổi dòng tranh trừu tượng.

Khi con người bước vào thế giới văn minh, họ cảm nhận được vẻ đẹp từ đường nét nên mới có tranh vẽ nude. Tranh nude tập trung đến đường cong của hình thể, sự huyền ảo của vẻ đẹp con người nên dòng tranh này có thời gian rất thịnh hành. Nhưng tôi thấy dòng tranh khác hấp dẫn hơn, mỗi họa sĩ, đều chọn cho mình một phong cách sáng tác khác nhau để khai phá”.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm