350 người thiệt mạng trong lịch sử điện ảnh: Những tai nạn khủng khiếp

(Dân trí) - Có khoảng 350 người đã thiệt mạng bởi những vụ tai nạn xảy ra trên phim trường. Có những vụ tai nạn rất khủng khiếp, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng trong giới làm phim.

350 người thiệt mạng trong lịch sử điện ảnh: Những tai nạn khủng khiếp - 1

Nữ đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins vừa thiệt mạng trên phim trường "Rust" trong tháng 10 này (Ảnh: New York Post).

Những quy định về an toàn trên phim trường đang được giới làm phim Hollywood siết chặt sau sự việc nghiêm trọng liên quan tới súng đạn xảy ra trên phim trường "Rust", khiến nữ đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins thiệt mạng.

Trong quá trình thực hiện bộ phim làm về cao bồi miền tây, nam diễn viên Alec Baldwin đã vô tình ngộ sát nữ đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins bằng một khẩu súng những tưởng an toàn để thực hiện cảnh phim. Hiện tại, hoạt động điều tra vẫn đang diễn ra.

Tai nạn liên quan tới súng đạn đã từng xảy ra trên phim trường "The Crow" hồi năm 1993 dẫn tới cái chết của nam diễn viên Brandon Lee (Lý Quốc Hào) - người con trai duy nhất của tài tử Lý Tiểu Long.

Người bắn ra phát đạn chí tử ấy - nam diễn viên Michael Massee không phải đối diện với bất cứ sự kết tội nào bởi anh không phải người chịu trách nhiệm về sự an toàn của khẩu súng, nhưng tới hơn một thập kỷ sau khi xảy ra sự việc, Massee vẫn gặp phải những cơn ác mộng. Anh đã có một thời gian phải tạm ngưng diễn xuất vì suy sụp.

350 người thiệt mạng trong lịch sử điện ảnh: Những tai nạn khủng khiếp - 2

Nam diễn viên Brandon Lee thiệt mạng trên phim trường "The Crow" hồi năm 1993 (Ảnh: New York Post).

Khi ấy, công ty sản xuất bộ phim "The Crow" cũng không phải gánh trách nhiệm vì quá trình điều tra cho thấy nguyên nhân gây ra vụ tai nạn đến từ một mảnh đạn còn găm lại trong nòng súng, điều này nằm ngoài khả năng kiểm soát của ê-kíp làm phim. Bộ phim "The Crow" sau đó được hoàn tất bằng việc sử dụng diễn viên đóng thế và kỹ xảo hình ảnh.

Thông qua mạng xã hội, gia đình của Lý Quốc Hào mới đây đã bày tỏ quan điểm trước sự việc bi kịch mới xảy ra tại Hollywood: "Không ai đáng phải chết vì tai nạn súng đạn trên phim trường".

Hồi đầu năm nay, một tai nạn chết người cũng đã xảy ra trên phim trường của đoàn phim Ấn Độ "Love You Racchu", một thành viên trong ê-kíp đã bị điện giật tử vong.

Khi thực hiện phần tiếp theo của bộ phim tài liệu "Beyond Beauty - Taiwan from Above", 3 người đàn ông, trong đó có đạo diễn của phim, đã bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay xảy ra hồi năm 2017, khi họ đang thực hiện một cảnh quay từ trên tầm cao.

Những diễn viên qua đời vì súng đạn trên phim trường, ngoài nữ đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins (qua đời trong tháng 10 này) và nam diễn viên Lý Quốc Hào (qua đời hồi năm 1993), còn có nam diễn viên phụ Charles Chandler thiệt mạng trên phim trường "The Captive" hồi năm 1915.

350 người thiệt mạng trong lịch sử điện ảnh: Những tai nạn khủng khiếp - 3

Nam diễn viên Alec Baldwin bàng hoàng sau vụ tai nạn súng đạn trên phim trường "Rust". Ông là giám đốc sản xuất kiêm nam chính của dự án. Phát súng gây chết người cũng là do ông bắn ra (Ảnh: New York Post).

Nam diễn viên Jon-Erik Hexum thiệt mạng khi tham gia chơi trò "súng cò quay" mạo hiểm tính mạng trong giờ nghỉ giải lao trên phim trường "Cover Up" hồi năm 1984.

Chuyên gia âm thanh Bryce Dion qua đời khi đang tham gia thực hiện bộ phim tài liệu "Cops", anh bị một viên đạn lạc gây tử vong hồi năm 2018, khi ấy, anh đang theo chân một nhóm cảnh sát ở thành phố Omaha (Mỹ) thực hiện một cuộc khống chế, nhằm bắt giữ một tên cướp tấn công nhà hàng.

Việc sử dụng súng đạn trên phim trường ở Hollywood cần phải có sự hỗ trợ của một chuyên gia về súng đạn, đây là người giúp đoàn phim giữ an toàn trong quá trình thực hiện các cảnh quay có liên quan tới súng đạn. Nhưng nếu ngay cả người quản lý súng đạn cũng mắc sai lầm thì sao?

Sau sự việc xảy ra trên phim trường "Rust" mới đây, đạo diễn tại Hollywood - anh Ben Rockula đã kêu gọi việc cấm sử dụng đạn giả tại Hollywood. Bởi sự nhầm lẫn giữa đạn giả và đạn thật trong quá trình chuẩn bị, hay những yếu tố ngoại cảnh tương tác, khiến đạn giả cũng có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Đạo diễn Ben Rockula chia sẻ: "Đạn giả cũng có thể rất nguy hiểm. Ngay cả trong những hoàn cảnh lý tưởng nhất, khi nó không gây ra nguy hiểm gì, thì việc sử dụng đạn giả cũng gây tốn thời gian vô cùng. Mỗi khi thực hiện một cảnh quay có đạn giả, sẽ cần ít nhất 30 phút để thực hiện cuộc họp bàn về vấn đề an toàn trên phim trường, phát ra các nút đeo tai cách âm, dựng các tấm chắn...

Có rất nhiều việc phải thực hiện nếu đoàn phim tiến hành theo đúng những tiêu chuẩn an toàn trong cảnh quay có súng đạn. Nhưng thực sự hiệu quả của những cảnh quay ấy đến đâu, thì thực sự, không phải lúc nào cũng đáng để phải bỏ ra ngần ấy thời gian và công sức".

350 người thiệt mạng trong lịch sử điện ảnh: Những tai nạn khủng khiếp - 4

Cô Halyna Hutchins bên chồng con lúc sinh thời (Ảnh: New York Post).

Cô Halyna Hutchins là đạo diễn hình ảnh thứ 4 trong lịch sử điện ảnh qua đời trên phim trường. Trước đó, đạo diễn hình ảnh Conrad Wells đã là một trong 10 thành viên của đoàn phim "Such Men Are Dangerous" qua đời hồi năm 1930 trong một cảnh quay thực hiện trên không trung.

Đạo diễn hình ảnh của phim "CrossBones" - Neal Fredericks bị đuối nước sau khi chiếc máy bay chở anh và một số thành viên khác lao xuống vùng biển gần bang Florida (Mỹ) hồi năm 2004.

Đạo diễn hình ảnh Chan Kwok-Hung cũng bị đuối nước khi đang thực hiện một cảnh quay trên biển trong bộ phim "Skiptrace" tại Hong Kong hồi năm 2014.

Theo tờ tin tức The Guardian (Anh), có khoảng 350 người đã thiệt mạng trong những vụ tai nạn xảy ra trên phim trường.

Trong số 220 thành viên làm việc trên phim trường "The Conqueror" (1956), có ít nhất 91 người bị ung thư. Tính cho đến đầu thập niên 1980, 46 người đã chết vì căn bệnh này.

Nguyên nhân của sự việc này chưa bao giờ được khẳng định chính thức, nhưng người ta tin rằng căn bệnh ung thư mà các thành viên trong đoàn phim mắc phải chính là do bụi phóng xạ còn lại từ hàng loạt các vụ thử hạt nhân từng tiến hành ở Nevada (Mỹ) cách đó 3 năm, khu vực thử nghiệm lại nằm ở rất gần nơi đoàn phim ghi hình.

350 người thiệt mạng trong lịch sử điện ảnh: Những tai nạn khủng khiếp - 5

Theo tờ tin tức The Guardian (Anh), có khoảng 350 người đã thiệt mạng trong những vụ tai nạn xảy ra trên phim trường (Ảnh: New York Post).

Một trong những vụ tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử phim ảnh phải kể tới bộ phim truyền hình Ấn Độ "The Sword of Tipu Sultan" thực hiện hồi năm 1989, khi đó, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra khiến 62 thành viên trong đoàn phim thiệt mạng. Đạo diễn kiêm diễn viên chính của phim - Sanjay Khan đã phải ở trong bệnh viện 13 tháng và trải qua 72 ca phẫu thuật để điều trị những vết bỏng.

Thời kỳ đầu, nền công nghiệp làm phim ở Hollywood chưa quan tâm tới việc giữ an toàn cho các thành viên trong đoàn phim. Sau khi 3 thành viên trong đoàn phim "Noah's Ark" (1928) thiệt mạng và nhiều thành viên khác bị thương nặng trong quá trình thực hiện cảnh đại hồng thủy trong phim, những quy định về an toàn trên phim trường ở Hollywood mới được quan tâm đề ra.

Dù vậy, những quy định này không thực sự được đề cao cho tới đầu thập niên 1980 khi xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng trên phim trường "Twilight Zone: The Movie", trên phim trường, hai diễn viên nhỏ tuổi và một diễn viên trưởng thành đã bị thiệt mạng vì cánh quạt của một chiếc máy bay.

Năm 2014, các quy định về an toàn trên phim trường cũng từng "nóng" trở lại sau cái chết của trợ lý quay phim Sarah Jones trên phim trường "Midnight Rider".

Tai nạn xảy ra trong cảnh quay xung quanh một đoàn tàu, đạo diễn kiêm nhà sản xuất của dự án - anh Randall Miller sau đó đã bị kết luận là phạm tội ngộ sát và phải ngồi tù một năm, sau đó, anh phải trải qua 9 năm chịu sự theo dõi của nhà chức trách. Randall Miller chính là đạo diễn duy nhất tính cho tới lúc này từng bị kết tội tại Mỹ vì cái chết của một thành viên trong đoàn phim.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm