3 quán cà phê vợt lâu đời nhất Sài Gòn
(Dân trí) - Nếu Hà Nội gây ấn tượng với những ly cà phê trứng thơm lừng thì ở Sài Gòn, cà phê vợt cũng là một kỉ niệm gắn bó với đời sống người dân.
Được du nhập vào nước ta từ sớm, cà phê vợt Sài Gòn ban đầu chỉ dành cho giới thượng lưu, dần dần qua thời gian trở thành một thức uống bình dân, len lỏi vào mọi tầng lớp và xuất hiện ở mọi con phố.
Cà phê vợt (cà phê bít tất, cà phê kho) được đặt tên theo dụng cụ dùng để pha. Theo đó, cà phê phải được lọc bằng nước đun sôi, qua một chiếc vợt bằng vải. Khi dụng cụ dùng để pha cà phê còn chưa thịnh hành thì dùng vợt vải là kiểu phổ biến, gắn liền với ký ức của nhiều người dân Sài thành.
Cà phê vợt sở hữu vị thơm, ngon đặc trưng mà cà phê phin hay cà phê pha máy không thể có được. Do đó, nhiều quán cà phê vợt giản đơn vẫn trường tồn với thời gian, nép mình trong lòng thành phố nhộn nhịp.
Vợt Cafe
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng nhưng quán cà phê vợt xưa cũ dường như không bị lãng quên giữa nhịp sống nhộn nhịp và hiện đại của Sài thành. Tồn tại hơn 50 năm qua, không gian quán vẫn giữ nguyên vẻ xưa cũ, đơn giản với dãy bàn ghế nhỏ và khu pha chế.
Cà phê vợt Ba Lù
Quán cà phê Ba Lù có lịch sử hơn 60 năm trong chợ Phùng Hưng (Quận 5). Tới nay quán vẫn duy trì kiểu rang xay cà phê bằng củi, cho thêm bơ, muối, rượu để dậy mùi thơm đặc trưng.
Quán mở từ 2 giờ sáng đến 17 giờ hàng ngày, phục vụ nhiều đối tượng, từ người già tới giới trẻ, khách du lịch. Mỗi cốc có giá khoảng 15.000 đồng.
Tuy người chủ đầu tiên của quán là ông Ba Lù đã qua đời nhưng những người con của ông vẫn trung thành với cách rang xay cũ.
Cheo Leo Cafe
Nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, Cheo Leo Cafe được cho là quán cà phê vợt lâu đời nhất với hơn 80 năm tồn tại ở TPHCM. Dù không gian nhỏ, chỉ với 4-5 bộ bàn ghế giản đơn nhưng quán lúc nào cũng đông khách từ già tới trẻ.
Thời gian đầu, đây là một trong những quán cà phê nhạc nổi tiếng ở khu trung tâm quận 3.
Cà phê được xay nhuyễn sau đó lọc qua vợt bằng vải the dài như bít tất, ủ trong ấm thuốc bắc để ra hết vị. Nước cà phê đầu tiên này được tiếp tục đem kho liu riu trên bếp than tạo nên một hương vị không thể lẫn vào đâu được.