23 cuốn sách khiến ông chủ Facebook đọc “mê mải”

(Dân trí) - Dù mới làm cha và khá bận rộn với việc chăm sóc con gái đầu lòng nhưng Mark vẫn duy trì cho mình mục tiêu hai tuần đọc xong một cuốn sách. Trong năm 2015, Mark đã đọc được 23 cuốn sách. Đó có thể sẽ là một gợi ý cho bạn về những cuốn sách nên đọc trong năm 2016.

23 cuốn sách khiến ông chủ Facebook đọc “mê mải” - 1

Người sáng lập ra mạng xã hội Facebook - Mark Zuckerberg - đã luôn xác định cho mình một sứ mệnh, đó là kết nối mọi người trên thế giới. Đó cũng là một phần lý do tại sao Mark quyết định lập nên câu lạc bộ đọc sách trên mạng xã hội Facebook trong năm 2015 vừa qua - nhóm đọc có tên “A Year of Books” (Một năm đọc sách).

Những cuốn sách được giới thiệu trong nhóm đọc này sẽ đưa độc giả đến với những nền văn hóa, đức tin, tín ngưỡng, hành trình lịch sử đa dạng trên khắp thế giới.

Dù mới làm cha và khá bận rộn với việc chăm sóc con gái đầu lòng nhưng Mark vẫn duy trì cho mình mục tiêu hai tuần đọc xong một cuốn sách. Trong năm 2015 vừa qua, Mark đã hoàn tất 23 cuốn sách được giới thiệu trong nhóm đọc “A Year of Books”.

Hãy cùng nhìn lại danh sách này và rất có thể bạn sẽ có được những gợi ý cho những cuốn sách nên đọc trong năm 2016. Nếu bạn muốn suy nghĩ giống như một người sở hữu thành công lớn, có lẽ nên bắt đầu từ việc đọc sách giống Mark:

23 cuốn sách khiến ông chủ Facebook đọc “mê mải” - 2

“Why Nations Fail” - Daron Acemoglu và James A. Robinson: Đây là một cuốn sách nổi tiếng và đã được dịch sang tiếng Việt với tiêu đề “Tại sao các quốc gia thất bại”. Trong đó trình bày nghiên cứu suốt 15 năm của nhà kinh tế học Daren Acemoglu và nhà khoa học chính trị James Robinson.

Cuốn sách được xuất bản từ năm 2012 đã đưa ra những luận điểm thú vị về cách vận hành các quốc gia khác nhau, về sự phát triển kinh tế không phải lúc nào cũng đồng hành với sự nâng cao chất lượng cuộc sống. Mark Zuckerberg vốn quan tâm tới việc làm từ thiện, việc đọc cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” khiến Mark hiểu rõ hơn về nguồn gốc của nghèo đói.

“The Rational Optimist” - Matt Ridley: “Lạc quan tỉnh táo” ra mắt năm 2010, đưa ra một luận điểm rằng thị trường chính là nguồn gốc cho sự phát triển của con người, những tiến bộ được thúc đẩy khi thị trường được tự do. Những ý tưởng sáng tạo, tiên tiến sẽ được sản sinh để con người có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và xử lý những đe dọa, thách thức.

Mark cho biết anh lựa chọn cuốn sách này bởi nó có những lý thuyết trái ngược với cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại”: “Tôi thích thú quan sát xem ý tưởng nào sẽ được thực tế ủng hộ hơn”.

“The Muqaddimah” - Ibn Khaldun: Cuốn sách được viết từ năm 1377 về lịch sử thế giới, do nhà sử học người Ả Rập - Ibn Khaldun thực hiện. Cuốn sách loại bỏ những định kiến lịch sử để đưa lại những thông tin trung thực nhất có thể. Cách tiếp cận lịch sử đầy tính cách mạng của sử gia Khaldun đã khiến ông trở thành cha đẻ của ngành xã hội học và sử học hiện đại.

Mark Zuckerberg cho rằng: “Mặc dù có nhiều câu chuyện trong cuốn sách đã không còn phù hợp với những tri thức hiện đại, nhưng vẫn rất thú vị khi chúng ta được thấy cách con người thời đó nhìn nhận và đánh giá thế giới”.

23 cuốn sách khiến ông chủ Facebook đọc “mê mải” - 3

“The New Jim Crow” - Michelle Alexander: Cuốn sách bàn luận về những vấn đề luật pháp, nhân quyền, sự phân biệt đối xử đối với những người da màu trong xã hội Mỹ. Trong khi câu chuyện về sự phân biệt chủng tộc vẫn chưa bao giờ hoàn toàn lắng dịu trong xã hội Mỹ, thì đương nhiên, những “người khổng lồ” sống trong xã hội đó, như Mark Zuckerberg, chắc chắn sẽ phải quan tâm tới câu chuyện thời sự của đất nước mình.

“Portfolios of the Poor” - Daryl Collins, Jonathan Morduch, Stuart Rutherford, và Orlanda Ruthven: Tập thể các tác giả của cuốn sách đã dành ra 20 năm để nghiên cứu về đời sống kinh tế của những con người nghèo khó nhất tại Bangladesh, Ấn Độ và Nam Phi, từ đó đưa ra những phát hiện mang tính tổng quát về những nguyên nhân gây ra đói nghèo.

“Thật sửng sốt khi biết rằng gần một nửa thế giới này, khoảng 3 tỉ người, chỉ sống với mức thu nhập 2,5 đô/ngày. Và có tới hơn 1 tỉ người sống với chỉ 1 đô/ngày. Cuốn sách đưa lại cho tôi góc nhìn cận cảnh về việc chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ người nghèo hiệu quả hơn” - Mark Zuckerberg.

“The Varieties of Religious Experience” - William James: Tác giả William James (1849-1919) được xem là một trong những nhà triết học xuất sắc nhất của Mỹ. Cuốn “Sự đa dạng của các trải nghiệm tôn giáo” bàn luận về ý nghĩa của tôn giáo trong đời sống tinh thần, nó thúc đẩy con người tiến lên trong cuộc sống với nhiều năng lượng và mục tiêu hơn.

23 cuốn sách khiến ông chủ Facebook đọc “mê mải” - 4

“Creativity, Inc.” - Ed Catmull: “Tập đoàn sáng tạo” kể câu chuyện về hãng phim hoạt hình Pixar nổi tiếng thế giới. Tác giả của cuốn sách chính là một trong những người sáng lập nên Pixar. Trong cuốn sách, người ta sẽ tìm thấy những trí tuệ thông thái về cách quản lý và làm kinh doanh, trong đó, có một điều mà tác giả Catmull đề cao: Đừng bao giờ gò bó sự sáng tạo của nhân viên. Đối với Mark, đây là một cuốn sách “người thật, việc thật” rất hữu ích và thú vị.

“Sapiens” - Yuval Noah Harari: Xuất bản năm 2014, “Sapiens” là một cuốn sách bán chạy tại nhiều nước trên thế giới, do nhà nghiên cứu lịch sử người Israel thực hiện. Sách kể lại quá trình phát triển của loài người từ thời kỳ đồ đá cho tới tận hôm nay. Trong đó, một niềm tin xuyên suốt tác phẩm, đó là con người phát triển được chính nhờ có sự đoàn kết, hợp tác.

23 cuốn sách khiến ông chủ Facebook đọc “mê mải” - 5

“The Structure of Scientific Revolutions” - Thomas S. Kuhn: Kể từ khi ra mắt năm 1962, cuốn sách đánh giá những tác động của sự phát triển khoa học đối với thế giới hiện đại đã luôn được xem là một trong những cuốn sách hàn lâm hay nhất mọi thời đại. Dù đây là một cuốn sách mang nặng tính triết học nhưng rất nhiều nhà khoa học đã tìm đọc cuốn sách này.

“Dealing with China” - Henry M. Paulson Jr.: Để “trẻ hóa” bộ não của mình, Mark đã chăm chỉ học tiếng Trung trong nhiều năm qua và việc tìm hiểu về đất nước này là một trong những điều gây hứng thú đối với Mark.

“The Beginning of Infinity” - David Deutsch: Cuốn sách của nhà vật lý học David Deutsch - “Sự khởi đầu của vô tận” - xoay quanh những tiến bộ của nhân loại theo sau những phát triển của khoa học. Tác giả Deutsch kết luận rằng khả năng của con người là vô tận. Trong khi nhiều cuốn sách bàn luận về vận mệnh tương lai của loài người có thể đưa ra những góc nhìn bi quan thì đây là cuốn sách hiếm hoi bày tỏ một sự lạc quan kiên định.

23 cuốn sách khiến ông chủ Facebook đọc “mê mải” - 6

“The Better Angels of Our Nature” - Steven Pinker: Thoạt tiên, cuốn sách dày 800 trang này cũng khiến Mark “phát hoảng”, tác giả của nó là một nhà tâm lý học, tuy vậy, khi đã đọc sách rồi, Mark nhận thấy cách viết của tác giả cũng khá hấp dẫn, dễ đọc. “Những thiên thần trong bản chất của chúng ta” là một nghiên cứu của tác giả Pinker về vấn nạn bạo lực trong cuộc sống con người.

Theo Pinker, bạo lực đã giảm đi đáng kể cùng với thời gian và sự phát triển của nền văn minh nhân loại, bất kể những tin tức rùng rợn mà đôi khi người ta vẫn đọc được. Bên cạnh đó, Pinker cũng cho rằng mạng xã hội là một công cụ góp phần thay đổi nhãn quan của mỗi cá nhân trong thời đại hiện nay. Đáng chú ý, Bill Gates cũng từng say mê đọc cuốn sách này và coi đây là một trong những cuốn sách quan trọng nhất mà ông từng đọc.

“Genome” - Matt Ridley: Cuốn sách “Bộ gen” ra mắt năm 1990 đưa ra những kiến thức tương đối chi tiết về quá trình hình thành và phát triển bộ gen con người, qua đó kể lại câu chuyện về lịch sử loại người thông qua góc nhìn khoa học về bộ gen thay vì thông qua góc nhìn xã hội học. Là một người đam mê tìm hiểu lịch sử, Mark cho rằng cuốn sách khoa học này đưa lại những câu chuyện lịch sử lớn lao không thua kém gì những cuốn sách lịch sử thuần túy khác.

23 cuốn sách khiến ông chủ Facebook đọc “mê mải” - 7

“The End of Power” - Moisés Naím: Từng là cựu quan chức cấp cao của Ngân hàng Thế giới, cuốn “Sự kết thúc của quyền lực” do tác giả Moisés Naím thực hiện đã khiến Mark Zuckerberg có thêm một giải pháp cho những bài toán nhân sự của mình: “Xu hướng trao thêm quyền lực cho mỗi cá nhân là một trong những giải pháp mà tôi rất tin tưởng”.

“On Immunity” - Eula Biss: Cuốn sách “Miễn dịch” xoay quanh những lợi ích của việc tiêm vắc-xin đối với sức khỏe con người, đối với Mark, cuốn sách này rất quan trọng khi hiện tượng một số bậc phụ huynh ở Mỹ và Châu Âu bắt đầu đánh giá thấp việc tiêm vắc-xin cho con đang bắt đầu xuất hiện. Cuốn sách đưa ra những lý giải khoa học và logic để làm thỏa mãn mọi câu hỏi xung quanh sự hiệu quả của vắc-xin đối với sức khỏe con người.

“The Idea Factory” - Jon Gertner: Phòng thí nghiệm Bell Labs (Mỹ) đã giành được nhiều giải Nobel hơn bất cứ phòng thí nghiệm nổi danh nào khác trong lĩnh vực khoa học với tổng cộng 7 giải trong các lĩnh vực vật lý và hóa học. Cuốn sách “Nhà máy ý tưởng” kể lại lịch sử của phòng thí nghiệm này từ thập niên 1920 đến 1980. Mark chọn đọc cuốn sách này bởi anh muốn biết “điều gì đã đưa lại những phát hiện tiên tiến nhất - những con người như thế nào, những câu hỏi và môi trường làm việc ra sao”.

“The Three-Body Problem” - Cixin Liu: Cuốn sách được xuất bản lần đầu tại Trung Quốc năm 2008 và sau đó đã được dịch sang tiếng Anh. Thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, cuốn sách kể về cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh. Là một đại gia trong lĩnh vực công nghệ, đương nhiên những sách mà Mark Zuckerberg chọn đọc cũng mang nhiều màu sắc công nghệ. Đối với anh, cuốn sách này là một sự giải trí nhẹ nhõm so với những cuốn sách “ngồn ngộn tri thức” khác.

23 cuốn sách khiến ông chủ Facebook đọc “mê mải” - 8

“Gang Leader for a Day” - Sudhir Venkatesh: Tác giả Venkatesh vốn là một giáo sư chuyên ngành xã hội học, trong một thử nghiệm thực tế, ông đã dấn thân, gia nhập một băng nhóm bất hảo ở Chicago hồi thập niên 1990. Cuốn “Thử làm anh chị trong một ngày” kể câu chuyện thú vị khi một người thử vượt qua những ranh giới trong cuộc sống đời thường của mình để bước vào một thế giới khác. Đối với Mark, đây là một cuốn sách khiến người đọc “có được nhiều cảm thông hơn dành cho nhau và tôn trọng nhau hơn trong đời sống”.

“The Player of Games” - Iain M. Banks: Cuốn “Người chơi trò chơi” ra mắt từ năm 1988, xoay quanh một thế giới văn minh nơi mà những công nghệ tiên tiến được tạo ra để phục vụ mọi nhu cầu của con người và thậm chí còn vượt qua những năng lực của con người. Rất nhiều “đại gia công nghệ” yêu thích cuốn sách giả tưởng này bởi nó có tính giải trí cao, trong khi vẫn đưa lại cho người đọc những góc nhìn dự báo về một thế giới công nghệ của tương lai.

“Orwell's Revenge” - Peter Huber: Cuốn “Sự trả thù của Orwell” được tác giả Huber thực hiện với ý tưởng đây là phần tiếp theo của cuốn “1984” nổi tiếng của tác giả George Orwell. Cuốn sách ra mắt năm 1994, ở thời điểm này, mạng Internet và công nghệ viễn thông đang mở ra những phương thức giao tiếp kiểu mới. Cuốn tiểu thuyết đã hình dung ra một thế giới trong đó con người sử dụng công nghệ để giải phóng mình.

“Cuốn sách giả tưởng của Huber đã cho thấy những công cụ như mạng Internet có thể đem lại lợi ích cho loài người và thay đổi xã hội theo hướng tiến bộ hơn như thế nào” - Mark Zuckerberg.

“World Order” - Henry Kissinger: Từng là một nhà ngoại giao, cuốn “Trật tự thế giới” ra mắt năm 2014 khi Kissinger đã 91 tuổi xoay quanh việc nền kinh tế toàn cầu đã đưa các quốc gia lại gần nhau như thế nào.

23 cuốn sách khiến ông chủ Facebook đọc “mê mải” - 9

“Energy: A Beginner's Guide” - Vaclav Smil: Xuất bản từ năm 2006, cuốn “Năng lượng” đưa ra những lý giải cơ bản về… năng lượng, giúp độc giả hiểu cơ chế vận hành của năng lượng trong đời sống, để từ đó có thể tái tạo năng lượng, gia tăng năng lượng mà không gây hại cho môi trường. Những vấn đề năng lượng, biến đổi khí hậu đang chi phối cả lĩnh vực chính trị, kinh tế. Sau khi đọc cuốn sách này, Mark còn dự định đọc cuốn “Making the Modern World” (Tạo nên thế giới hiện đại) cũng của tác giả Smil.

“Rational Ritual” - Michael Suk-Young Chwe: Cuốn sách của nhà kinh tế học hướng dẫn độc giả cách sử dụng mạng xã hội một cách tốt nhất. Cuốn “Nghi thức của lý trí” đưa ra một khái niệm mới về cách chúng ta tương tác với thế giới, giờ đây, chúng ta không còn chỉ dựa vào những gì cá nhân mình hiểu biết, mà còn dựa vào tri thức của những người khác được lan truyền trên mạng xã hội và dần biến nó trở thành “kiến thức chung” của cộng đồng mạng. Mạng xã hội cũng góp phần hình thành nên tri thức, tính cách của cư dân mạng.

Bích Ngọc
Theo Business Insider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm