20 phim Châu Á hay nhất khiến Hollywood phải choáng ngợp (II)

(Dân trí) - Cùng điểm lại những phim hay nhất của điện ảnh Châu Á kể từ thập niên 1960 đến nay - những bộ phim đã thành công cả về nghệ thuật và doanh thu, khiến Hollywood cũng phải làm lại.

20 phim Châu Á hay nhất khiến Hollywood phải choáng ngợp (II) - 1

“Ringu” (“Vòng tròn oan nghiệt”, đạo diễn Hideo Nakata, phim Nhật, 1998)

Làm lại: “The Ring” (“Vòng tròn định mệnh”, đạo diễn Gore Verbinski, 2002)

Bộ phim gốc của Nhật đã khiến người yêu phim kinh dị trên khắp thế giới phải để ý tới dòng phim kinh dị Nhật Bản. “Ringu” là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim kinh dị về sau, trong đó, đáng kể nhất là “The Ring” (2002).

Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Koji Suzuki, “Ringu” xoay quanh một đoạn băng video khiến bất cứ ai xem nó đều phải chết trong vòng 7 ngày. Nhà báo Reiko Asakawa và người chồng cũ đã cùng điều tra vụ việc này, khiến họ tình cờ đối diện với một người phụ nữ bí ẩn có tên Sadako…

Trong “Ringu”, đạo diễn Hideo Nakata đã đưa ra thông điệp đầy ám ảnh về sự thống trị của công nghệ và truyền thông trong kỷ nguyên mới, đem lại nỗi sợ hãi cho con người. Thông điệp ấy được xây dựng một cách ẩn dụ trong bộ phim. Cảnh Sadako bò ra khỏi chiếc TV là một hình ảnh đa nghĩa, cũng là cảnh phim kinh điển của thể loại kinh dị.

Về sau, đạo diễn Gore Verbinski đã thực hiện một bộ phim giữ nguyên tinh thần của “Ringu” và cũng khiến người xem lạnh sống lưng với những kết hợp rùng rợn giữa góc quay, âm thanh và diễn xuất. Dù vậy, thông điệp mà phim gốc chuyển tải đã không được phản ánh trong bộ phim làm lại.

20 phim Châu Á hay nhất khiến Hollywood phải choáng ngợp (II) - 2

“13: Game of Death” (“Sống trong sợ hãi”, đạo diễn Chookiat Sakveerakul, phim Thái, 2006)

Làm lại: “13 Sins” (“13 trò chơi tử thần”, đạo diễn Daniel Stamm, 2014)

Chuyện phim xoay quanh nam chính Phuchit Puengnathong, một người chuyên bán nhạc cụ. Phuchit đã trải qua một ngày kinh khủng nhất trong cuộc đời mình với sự thất bại toàn diện trong cả công việc, tài chính, tình cảm, gia đình…

Giữa lúc cơn tuyệt vọng đang xâm chiếm, Phuchit nhận được cuộc gọi từ một cô gái bí ẩn yêu cầu anh tham gia vào một trò chơi mà nhiệm vụ đầu tiên của Phuchit là phải giết chết được một con ruồi bằng tờ báo mà anh đang cầm trong tay, hoàn thành được nhiệm vụ đầu tiên này, tài khoản của anh sẽ tăng lên mức 10.000 bạt ngay lập tức…

Đạo diễn Chookiat Sakveerakul viết nên kịch bản phim này khi anh mới 25 tuổi. Phim diễn tiến với tốc độ nhanh và kết hợp một cách đầy nghệ thuật phong cách phim kinh dị, phim hành động và cả phim hài. Câu hỏi mà phim đặt ra là một con người có thể làm những gì để kiếm tiền?

20 phim Châu Á hay nhất khiến Hollywood phải choáng ngợp (II) - 3

“Shutter” (“Hồn ma theo đuổi”, đạo diễn Banjong Pisanthanakun - Parkpoom Wongpoom, phim Thái, 2004)

Làm lại: “Shutter” (“Hồn ma báo oán”, đạo diễn Masayuki Ochiai, 2008)

Trong bộ phim gốc của Thái, cặp đôi Tun và Jane tình cờ đâm phải một người phụ nữ trên đường lái xe trở về nhà sau một bữa tiệc. Trong cơn hoảng loạn, họ quyết định bỏ mặc nạn nhân ở đó. Sau vụ việc, Tun - một nhiếp ảnh gia - bắt đầu phát hiện ra có những bóng lạ xuất hiện trong các bức ảnh anh chụp.

Jane tin rằng hồn ma của người phụ nữ mà họ đâm phải đã đeo bám cặp đôi. Kỳ lạ là khi họ quay trở lại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn, cả hai mới phát hiện ra rằng thực tế họ đã đâm phải một cây cột và không hề có người phụ nữ nào gặp tai nạn ở đó. Lúc này, một câu chuyện từ quá khứ của Tun bắt đầu trở lại…

20 phim Châu Á hay nhất khiến Hollywood phải choáng ngợp (II) - 4

“Yogen” (“Điềm báo”, đạo diễn Norio Tsuruta, phim Nhật, 2004)

Làm lại: “Premonition” (“Dự cảm thần bí”, đạo diễn Mennan Yapo, 2007)

Giáo viên trung học Hideki Satomi cùng vợ và con gái nhỏ đang trên đường quay trở lại Tokyo sau một kỳ nghỉ ở miền quê. Trên đường về, Hideki dừng xe ở một bốt điện thoại để gửi email.

Tình cờ Hideki liếc qua một tờ báo, trong đó có một bài báo khẳng định rằng sẽ có một vụ tai nạn xảy ra sau ít phút nữa chính tại nơi anh đang đậu xe. Chưa kịp phản ứng gì thì Hideki đã phải chứng kiến tai nạn cướp đi sinh mạng của con gái, cuộc đời anh thay đổi từ đây. Ba năm sau, câu chuyện lại tái diễn…

20 phim Châu Á hay nhất khiến Hollywood phải choáng ngợp (II) - 5

“Addicted” (“Say mê”, đạo diễn Park Young-hoon, phim Hàn, 2002)

Làm lại: “Possession” (“Quyền sở hữu”, đạo diễn Joel Bergvall - Simon Sandquist, 2008)

Trong phim gốc, hai anh em Dae-jin và Ho-jin sống trong cùng một ngôi nhà, trong nhà còn có vợ của Ho-jin là Eun-soo. Một ngày, hai anh em cùng gặp tai nạn xe hơi và cùng nằm hôn mê trong bệnh viện. Một năm sau, Dae-jin tỉnh dậy và khăng khăng rằng mình là Ho-jin và thậm chí còn đem lòng yêu Eun-soo…

Đạo diễn Park Young-hoon đã thực hiện một bộ phim với tiết tấu chậm để dần đưa người xem đến với một kết thúc choáng váng.

20 phim Châu Á hay nhất khiến Hollywood phải choáng ngợp (II) - 6

“The Eye” (“Con mắt âm dương”, đạo diễn Bành Phát - Bành Thuận, phim Hồng Kông, 2002)

Làm lại: “The Eye” (“Con mắt âm dương”, đạo diễn David Moreau, 2008)

Cô gái 20 tuổi tên Mun vốn là một nghệ sĩ vĩ cầm sống ở Hồng Kông. Cô bị mất thị lực từ năm lên 2. Sau khi được cấy ghép giác mạc, Mun bắt đầu nhìn thấy những thực thể kỳ lạ và dường như có khả năng tiên đoán cái chết.

Cô quyết định kể hết cho bác sĩ điều trị những gì cô nhìn thấy. Không tin Mun, bác sĩ đề nghị cô đi khám ở khoa… tâm thần. Bác sĩ tâm thần thoạt tiên cũng nghi ngờ Mun, nhưng rồi anh quyết định sẽ cùng cô tới Thái Lan để lần tìm tung tích của người hiến tặng giác mạc. Tại đây, họ đã phát hiện ra rằng người hiến tặng giác mạc cũng từng sở hữu những năng lực thần bí.

20 phim Châu Á hay nhất khiến Hollywood phải choáng ngợp (II) - 7

“Dark Water” (“Bóng ma trong nước”, đạo diễn Hideo Nakata, phim Nhật, 2002)

Làm lại: “Dark Water” (“Ma nước”, đạo diễn Walter Salles, 2005)

Đạo diễn Hideo Nakata đã tiếp nối thành công của “Ringu” (Vòng tròn oan nghiệt - 1998) để chuyển thể một tiểu thuyết khác của nhà văn Koji Suzuki. Hiện tại, Hideo Nakata được xem là đạo diễn phim kinh dị thành công nhất của điện ảnh Nhật.

Chuyện phim “Dark Water” xoay quanh Yoshimi - một phụ nữ đã ly hôn, đang một mình nuôi con gái nhỏ. Yoshimi quyết định thuê một căn hộ cũ kỹ rẻ tiền và cho con gái đi học ở một nhà trẻ gần đó, trong khi cô làm công việc của một người đọc và sửa bản in thử.

Dần dần, Yoshimi nhận ra rằng căn hộ mà mình đang thuê ẩn chứa nhiều bí mật. Gia đình sống ở tầng trên từng có một cô con gái nhỏ biến mất bí ẩn cách đó một năm. Cặp vợ chồng này đã chuyển đi, nhưng cô bé với mái tóc dài và chiếc cặp sách màu đỏ thì dường như vẫn còn ở lại.

Nếu trong “Ringu”, đạo diễn Hideo Nakata đưa vào nỗi sợ đối với công nghệ thì trong “Dark Water”, ông đưa vào nỗi sợ đối với nước. Nỗi kinh hoàng về mặt tâm linh cùng vẻ u buồn ma mị mà những phim kinh dị Nhật chứa đựng không dễ gì tái hiện, vì vậy, với bộ phim làm lại của đạo diễn Walter Salles, mức độ hấp dẫn khó lòng so được với nguyên bản.

20 phim Châu Á hay nhất khiến Hollywood phải choáng ngợp (II) - 8

“Ju-On: The Grudge” (“Lời nguyền”, đạo diễn Takashi Shimizu, phim Nhật, 2002)

Làm lại: “The Grudge” (“Lời nguyền”, đạo diễn Takashi Shimizu, 2004)

Theo quan niệm dân gian Nhật Bản, khi một ai đó chết đi trong tình trạng giận dữ tột cùng thì một lời nguyền sẽ sinh ra và quấy nhiều những người sống ở nơi mà linh hồn giận dữ còn đang vương vấn. Trong bộ phim gốc “Lời nguyền” của Nhật, một người đàn ông đã ra tay sát hại vợ sau khi phát hiện ra vợ mình ngoại tình.

Vụ việc dần dần chìm vào quên lãng cho tới khi gia đình Tokunaga chuyển tới sống trong ngôi nhà nơi vụ việc từng xảy ra. Lời nguyền lúc này bắt đầu quấy nhiễu gia đình mới chuyển tới.

Bộ phim được thực hiện với phong cách phi tuyến tính thời gian, khiến sự kinh hãi, hoảng loạn càng trở nên đậm nét. Một điểm đáng chú ý là những cảnh phim đáng sợ nhất lại được dàn dựng trong ánh sáng ban ngày.

Trong bộ phim làm lại, bối cảnh vẫn đặt ở Nhật, nhưng chuyện phim xoay quanh Karen, một cô gái người Mỹ chuyển tới sống ở Tokyo. Khi có thời gian rảnh, Karen thường tình nguyện chăm sóc cho một cụ già người Mỹ. Người chăm sóc cho bà cụ trước đây đã biến mất bí ẩn.

Điểm mạnh của phim kinh dị Nhật chính là không khí rùng rợn bao trùm cả bộ phim, khi Hollywood làm lại những phim kinh dị hay nhất của điện ảnh Nhật, họ thường không thể tái hiện được không khí đượm vẻ u buồn, rùng rợn đó, vì vậy, yếu tố âm thanh và hình ảnh rùng rợn, đột ngột thường được đưa vào để “lấp liếm”.

Dù cả phim gốc và phim làm lại đều do cùng một bàn tay đạo diễn dàn dựng nhưng khi môi trường sản xuất thay đổi, chất lượng phim cũng bị tác động.

20 phim Châu Á hay nhất khiến Hollywood phải choáng ngợp (II) - 9

“Shall We Dance?” (“Bạn nhảy”, đạo diễn Masayuki Suo, phim Nhật, 1996)

Làm lại: “Shall We Dance” (“Bạn nhảy”, đạo diễn Peter Chelsom, 2004)

Trong phim gốc, Shohei là người đàn ông đã có gia đình, làm nghề kế toán. Cuộc sống của anh đầy đủ nhưng Shohei cảm thấy nhàm tẻ. Một ngày, anh tình cờ bị thu hút bởi Mai - một vũ công. Shohei quyết định ghi danh học khiêu vũ và có mặt ở trường của Mai vào mỗi tối thứ 4 hàng tuần. Vợ của Shohei nghĩ rằng anh đang ngoại tình và liền thuê thám tử theo dõi…

Đạo diễn Masayuki Suo đã dàn dựng một bộ phim kết hợp cả câu chuyện đời sống xã hội và đời sống tâm lý cá nhân với một phong cách nhẹ nhàng, giải trí nhưng vẫn khơi gợi suy ngẫm. Đây là một phim đáng chú ý hiếm có của điện ảnh Nhật đương đại không thuộc thể loại kinh dị.

20 phim Châu Á hay nhất khiến Hollywood phải choáng ngợp (II) - 10

“Antarctica” (“Châu Nam Cực”, đạo diễn Koreyoshi Kurahara, phim Nhật, 1983)

Làm lại: “Eight Below” (“Âm 8 độ”, đạo diễn Frank Marshall, 2006)

Chuyện phim dựa trên câu chuyện có thật về một đoàn thám hiểm người Nhật lên tới Nam Cực hồi năm 1958, bộ phim gốc xoay quanh đàn chó kéo xe bị đoàn thám hiểm bỏ lại trên Nam Cực.

Đạo diễn Koreyoshi Kurahara đã phải dành ra ba năm để quay bộ phim này với mục đích thể hiện chân thực nhất những hình thái thời tiết khắc nghiệt của Nam Cực. Kết quả là một bộ phim với những cảnh quay thuyết phục về Nam Cực đã ra đời. Hai chú chó kéo xe Taro và Jiro là hai nhân vật chính của phim.

Trong “Âm 8 độ”, đạo diễn Frank Marshall đã trung thành với bộ phim gốc và đi sâu vào khắc họa đàn chó kéo xe bị bỏ lại ở Nam Cực. Trong bộ phim làm lại, diễn xuất của những chú chó cũng đáng kinh ngạc y như trong phim gốc của Nhật.

Bích Ngọc
Theo Taste of Cinema