Thừa Thiên - Huế:
2 di tích Chăm Pa cấp quốc gia đang xuống cấp trầm trọng
(Dân trí) - Dù đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia thế nhưng hai di tích đại diện cho văn hóa Chăm Pa tại Huế là Tháp Đôi Liễu Cốc và Thành Lồi đang xuống cấp trầm trọng do thời tiết và không được tu bổ.
Nằm tại cuối xóm Tháp, làng Liễu Cốc Thượng (Phường Hương Xuân, Thị xã Hương Trà) Tháp Đôi Liễu Cốc bị vùi lấp bởi cây cối um tùm và nghĩa địa của người dân địa phương. Tháp là minh chứng cho một nền văn hóa Chăm Pa cổ thịnh vượng tại miền Trung nói chung và Huế nói riêng. Tháng 9/1997, di tích Tháp Đôi Liễu Cốc được bộ Văn Hóa Thông Tin (nay là bộ VHTT&DL) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, từ đó đến nay di tích này dần trôi vào quên lãng, ít có người lui tới và sắp trở thành phế tích.
Để đến được với vị trí của Tháp thì cần phải có người dân bản địa dẫn đường. Theo chân một em nhỏ tại Xóm Tháp, chúng tôi phải băng qua một đoạn đường dài đầy cỏ dại cỏ gai và nhiều mộ mả của người dân địa phương, có khi đoạn đường bị cắt ngang bởi một ngôi mộ xây chen lấn đường vào Tháp. Mặc dù là di tích lịch sử quốc gia mà không có một tấm bảng chỉ dẫn.
Tháp Đôi Liễu Cốc giờ chỉ là hai đống gạch đổ nát.
Theo quan sát ban đầu, Tháp Đôi Liễu Cốc gồm 2 ngôi tháp lớn nhỏ khác nhau được xây dựng bằng gạch, tuy nhiên hiện trạng của 2 ngôi tháp này giờ chỉ là đống gạch vụn, các loại dây leo, cây cối đã mọc đầy bao quanh từ thân đến đỉnh tháp, nếu không dùng tay vạch lớp dây leo ra thì không thể nào nhìn rõ được bờ gạch đã bị bao phủ.
Dưới chân tháp gạch vụn rơi vãi đầy xung quanh, hai ngôi tháp do sự tàn phá của mưa nắng nên tường tháp đã mục, mối mọt và có nguy cơ đổ sập bất cứ khi nào. Hiện nay, Tháp Đôi Liễu Cốc vẫn nằm im rìm trong góc của Xóm Tháp chịu sự tàn phá của mưa nắng thiên nhiên.
Di tích lịch sử quốc gia Thành Lồi thuộc hai phường Thủy Xuân và Thủy Biều (TP Huế), đây là công trình kiến trúc cổ, di tích lịch sử văn hóa Chămpa hiếm hoi còn sót lại của Cố Đô Huế. Thành nằm trên đồi Long Thọ, phía tả ngạn sông Hương, tương tuyền đây là chỗ ở của vua Chiêm Thành và cũng chính là ranh giới phân chia 2 nước Đại Việt và Chiêm Thành ngày trước.
Cùng tình trạng với Tháp Đôi Liễu Cốc, Thành Lồi hiện nay chỉ còn lại một đoạn tường gạch nhỏ cao hơn 1 mét bị cây cối bao phủ. Còn lại là những đống đất đá được gọi là đỉnh thành và lòng thành và cũng không có bảng chỉ dẫn, xung quanh chân thành là rất nhiều mộ của người dân địa phương.
Phải vạch dây leo ra mới nhìn thấy tường Thành Lồi
Muốn đi vào tham quan Thành thì phải đi qua một con đường nhỏ đầy cây cối và một khu vườn ươm giống của một người dân. Trên đỉnh thành hiện nay vương vãi gạch vỡ và đã bị người dân quản lý khu đất đó trồng các loại cây như cây gió và cây sưa.
Trao đổi với PV, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Di sản Văn hóa, Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Hiện nay đối với di tích Tháp Đôi Liễu Cốc này sở đã giao cho Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý. Tuy nhiên mức độ quản lý chỉ mới là khoanh vùng và tạo ranh giới để bảo vệ di tích”.
Giải thích về việc khu di tích Thành Lồi bị cá nhân quản lý, ông Anh cho biết thêm: “Trước khi được công nhận và tiếp nhận từ thành phố thì địa bàn di tích đã có người dân bản địa tới khai phá và ở trước cho nên hiện nay phải chấp nhận việc di tích chịu sự quản lý của cá nhân”.
Hai di tích Tháp Đôi Liễu Cốc và Thành Lồi đều là đại diện cho sự phát triển phồn thịnh của văn hóa Chămpa tại Huế nhưng đáng buồn là dần bị lãng quên và chịu sự tàn phá của thời tiết, vì vậy hiện nay cả 2 di tích đều rất cần sự quan tâm từ các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tại Huế nhằm trùng tu, tôn tạo. Từ đó sẽ tạo thêm được những điểm du lịch hấp dẫn mới cho Huế cũng như bảo tồn được 2 di tích văn hóa tầm cỡ quốc gia nói trên.
Một số hình ảnh cực kỳ hoang phế ghi nhận ở 2 di tích quốc gia trên:
Cây cối mọc ngay trên đỉnh Tháp Đôi Liễu Cốc
Một am nhỏ để thờ cúng dưới chân Tháp
Rất khó để tìm được tới Tháp Đôi Liễu Cốc
Tường Tháp mối mục có thể đổ sập bất cứ khi nào
Đỉnh Thành Lồi hiện giờ bị người dân trồng cây gió, cây sưa
Xung quanh chân Thành Lồi là rất nhiều ngôi mộ của người dân địa phương
Phạm Công – Đại Dương