Oscar 2020 - Phim hay nhất:
“1917”: Phim dài 2 tiếng không cho người xem… “một lần chớp mắt”
(Dân trí) - Điểm đặc biệt phải nhắc tới đầu tiên về bộ phim này, chính là việc sử dụng những cảnh quay dài không cắt, khiến cả bộ phim gây ấn tượng như thể một cảnh quay liền mạch.
“1917” là bộ phim về đề tài chiến tranh của điện ảnh Anh, được đồng biên kịch, dàn dựng và sản xuất bởi đạo diễn Sam Mendes. Chuyện phim dựa trên một câu chuyện mà đạo diễn Mendes từng được ông nội kể cho nghe, xoay quanh hai quân nhân trẻ người Anh tham gia Thế chiến I.
Hai người lính trẻ được lệnh phải đưa thông điệp khẩn tới một vị chỉ huy, yêu cầu hoãn khẩn cấp một kế hoạch tấn công của quân đội Anh, bởi cuộc tấn công này đang rơi vào kế “vườn không nhà trống”, nếu cuộc tấn công diễn ra, họ sẽ mắc bẫy và phải “nướng quân” vô ích.
Nhiệm vụ của hai người lính trẻ là phải nhanh chóng tiếp cận được vị chỉ huy cuộc tấn công, để kịp thời ngừng kế hoạch lại. Nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng với một trong hai người lính trẻ ấy, bởi anh ta có người anh trai cũng đang tham gia cuộc tấn công này.
Điểm đặc biệt phải nhắc tới đầu tiên về bộ phim này, chính là việc sử dụng những cảnh quay dài không cắt, khiến cả bộ phim gây ấn tượng như thể một cảnh quay liền mạch.
“1917” khá thành công về mặt thương mại, phim có kinh phí sản xuất gần 100 triệu USD và đã thu về được hơn 253 triệu USD. Khi ra rạp, phim đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi cho nghệ thuật dàn dựng của đạo diễn Sam Mendes, nghệ thuật diễn xuất, nghệ thuật quay phim, nhạc phim, thiết kế âm thanh, tính chân thực trong từng cảnh phim…
Hiện tại, phim đang nhận được 10 đề cử tại giải Oscar, bao gồm đề cử cho Phim - Đạo diễn - Kịch bản gốc xuất sắc nhất. “1917” là một bộ phim dễ xem xét trên khía cạnh tình tiết.
Đạo diễn không sa đà vào những chi tiết lịch sử, mà chỉ mượn bối cảnh đó để kể một câu chuyện khốc liệt và cảm động về số phận con người trong chiến tranh. Người xem sẽ không cần quá lo lắng về lượng thông tin “ngồn ngộn” được đề cập trong phim. “1917” được thực hiện chặt chẽ và cẩn trọng, gọn gàng và mạch lạc.
Chuyện phim rất đơn giản, xoay quanh hai quân nhân trẻ tuổi - Thomas Blake (nam diễn viên Dean-Charles Chapman) và William Schofield (nam diễn viên George MacKay). Họ phải bằng mọi cách đưa lệnh ngừng cuộc tấn công tới một vị chỉ huy.
Hai người lính truyền tin này gánh trên vai sức nặng sinh mệnh của rất nhiều con người, nếu tin được đưa đến kịp thời, việc tấn công sẽ được ngừng lại kịp lúc. Nhưng trên chặng hành trình đưa tin ấy, hai người lính trẻ cũng có thể mất mạng bất cứ lúc nào, bởi họ đang ở nơi trận tuyến ác liệt.
Bộ phim hành động lấy bối cảnh chiến tranh được khởi động theo cách khá quen thuộc: một sứ mệnh được đặt ra, những nguy nan chất chồng, những người hùng sẵn sàng đảm nhận sứ mệnh. Chờ đón họ là những thử thách nhìn thấy trước và cả những mối nguy chưa kịp định hình.
Thomas Blake nhận nhiệm vụ một cách đầy quyết tâm, bởi người anh trai của cậu ta hiện đang tham gia vào kế hoạch tấn công bị gài bẫy, nếu tin đến kịp thời, người anh trai của cậu sẽ có thêm khả năng sống sót trở về quê nhà khi chiến tranh kết thúc.
Người cùng thực hiện sứ mệnh đưa tin với Blake là Schofield, anh ta lớn tuổi hơn và vì thế mà cũng từ tốn, chắc chắn hơn. Schofield đã sống sót vượt qua nhiều trận chiến. Sự khác biệt trong thái độ giữa Blake và Schofield đến từ tuổi tác và sự trải nghiệm.
Chi tiết nghệ thuật đẳng cấp nhất trong bộ phim này chính là những cảnh quay kéo dài, để tạo nên cảm tưởng như thể toàn bộ bộ phim là một cảnh quay liền mạch duy nhất. Để tạo ra được cảm nhận ấy, nghệ thuật quay phim và biên tập hình ảnh rất quan trọng, bởi các cảnh quay đòi hỏi phải thật “nuột nà”, liền mạch, góc độ giữ nguyên không thay đổi.
Đôi khi, cảnh phim được nhìn từ góc độ của Blake và Schofield, đôi khi lại được nhìn từ góc độ của một nhân vật thứ 3 nào đó.
Góc độ quay này khiến người xem cảm tưởng như có một thành viên thứ 3 đồng hành cùng Blake và Schofield, người đồng hành vô hình này luôn im lặng, nhưng không ngơi nghỉ phút nào, luôn cùng sát cánh bên hai nhân vật chính, lúc chạy lên phía trước, lúc di chuyển bên cạnh, đôi khi tụt lại phía sau trong chặng hành trình nguy nan.
Ý tưởng của cách quay phim này là để đưa người xem vào trong cuộc hành trình của Blake và Schofield, để người xem cùng trải nghiệm những gì mà hai người này đang trải qua.
Diện mạo và phong cách diễn xuất của Chapman (vai Blake) và MacKay (vai Schofield) tạo nên sức hấp dẫn cho cuộc đồng hành của họ. Chapman với gương mặt tròn, đưa lại cảm nhận dễ chịu, ấm áp và thân thiện; trong khi đó MacKay với những đường nét sắc sảo, đưa lại cảm giác căng thẳng, tập trung, đề phòng…
Đạo diễn Mendes đề cao khía cạnh nghệ thuật quay phim, cách dàn dựng bối cảnh, biên tập hình ảnh... trong bộ phim này, hơn là những yếu tố xúc cảm đến từ chuyện phim - điều vốn thường được chú trọng trong những bộ phim chiến tranh.
Xem “1917”, khán giả sẽ không thấy những sắc thái cảm xúc quá mãnh liệt, dữ dội. Những đề tài lớn lao vốn thường được đưa vào trong phim chiến tranh cũng không được khai thác quá sâu trong “1917”. Đó là chủ ý của đạo diễn.
“1917” không đề cập sâu tới những yếu tố lịch sử. Các cảnh quay đưa lại cảm giác rất chân thực, nhưng cũng được sắp đặt rất kỹ lưỡng, chứa đầy sự tỉnh táo trong tư duy đạo diễn. Phim không có bất cứ sự bối rối nào cho thấy xúc cảm của người làm phim lấn át tư duy ý đồ.
Đạo diễn Sam Mendes chia sẻ rằng ông thực hiện bộ phim này với sự tưởng nhớ về ông nội của mình, người đã từng tham gia vào Thế chiến I. Đây được xem là một bộ phim nhiều tham vọng, chứa đựng những ý đồ nghệ thuật của Sam Mendes, trong đó, nghệ thuật quay phim và cách thức dàn dựng đang được nhắc tới nhiều hơn cả.
Bích Ngọc