14 bí mật của những siêu phẩm hội họa
(Dân trí) - Những bức tranh có thể ẩn chứa nhiều bí mật thú vị hơn những gì hiện diện trên bề mặt tranh.
Bức “The Two Fridas” (Hai nàng Frida) do họa sĩ người Mexico - Frida Kahlo thực hiện hồi năm 1939
Nữ họa sĩ Frida Kahlo đã đưa câu chuyện buồn trong đời sống riêng tư vào trong tác phẩm hội họa khắc họa chân dung chính mình.
Đó là hình ảnh Frida Kahlo trong cuộc hôn nhân với họa sĩ người Mexico - Diego Rivera. Phía bên trái là một cô dâu với trái tim đau đớn; còn bên phải là Frida Kahlo trong trang phục truyền thống của phụ nữ Mexico - một Frida Kahlo trong những tháng năm hạnh phúc sống bên họa sĩ Rivera.
Bức “Andolfini Portrait” (Chân dung nhà Andolfini) do họa sĩ người Bỉ Jan Van Eyck vẽ năm 1434
Cặp đôi xuất hiện trong bức tranh này được cho là Giovanni di Nicolao di Arnolfini và người vợ của ông này - bà Costanza Trenta. Họ là những quý tộc Ý giàu có sống ở thành phố Bruges (Bỉ). Bức tranh lạ lẫm để ngỏ nhiều thông tin: Liệu có phải bức tranh này được thực hiện nhân dịp cặp đôi tổ chức hôn lễ hay nhân một sự kiện nào khác?
Liệu có phải người phụ nữ đang mang bầu hay đó chỉ đơn giản là một phong cách thời trang của các quý bà thời bấy giờ? Và những nhân vật bí ẩn xuất hiện trong tấm gương cầu lồi nằm ở hậu cảnh là ai?
Vị trí họa sĩ đặt chữ ký của mình khá lạ lùng - nằm ngay phía trên tấm gương, khiến người ta tin rằng một trong những người đàn ông xuất hiện trong tấm gương chính là chân dung vị họa sĩ.
Bức tranh trên trần nhà nguyện Sistine do danh họa Michelangelo thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1508 đến năm 1512
Đây là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất mọi thời đại, nằm trên trần nhà nguyện Sistine, thực hiện bởi danh họa Michelangelo, ghi lại khoảnh khắc Chúa trao sự sống cho Adam. Tấm áo choàng uốn lượn mềm mại màu nâu đỏ bao quanh Chúa Trời và những thiên thần vây quanh ngài tạo nên hình thù như bộ não con người.
Thậm chí, các nhà khoa học nhận thấy sự khắc họa của những phần cơ bản tạo nên bộ não con người được thể hiện thông qua vị trí của các thiên thần nhỏ.
Có nhiều giả thuyết về hàm ý của Michelangelo khi ông khắc họa hình ảnh ẩn dụ này, có thể hình ảnh bộ não tượng trưng cho việc Chúa trao tri thức quý giá cho Adam, hoặc thể hiện sự hòa quyện giữa những truyền thuyết tôn giáo - tâm linh với những hiểu biết của khoa học tiến bộ.
Bức chân dung thần rượu Bacchus do họa sĩ người Ý Caravaggio thực hiện khoảng năm 1595
Bức chân dung khắc họa vị thần rượu trong thần thoại La Mã - thần Bacchus, tác phẩm do danh họa Caravaggio thực hiện. Trong bức tranh có ẩn giấu một bức chân dung tự họa nhỏ xíu của họa sĩ. Vào năm 1922, khi người ta tiến hành phục chế bức họa, các chuyên gia khi ấy đã phát hiện một bức chân dung nhỏ xíu ẩn bên dưới lớp sơn khắc họa bình rượu ở góc dưới bên trái của bức tranh.
Bức “Primavera” do danh họa người Ý Sandro Botticelli thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1477 đến năm 1482
Danh họa Sandro Botticelli được biết tới nhiều nhất với bức họa “Sự ra đời của thần Vệ Nữ”, ông cũng rất yêu thích việc tìm hiểu về các loài thực vật. Trong bức “Primavera” của Botticelli, có tới 500 loài thực vật được khắc họa trong tranh với mức độ chính xác về mặt khoa học, để những nhà nghiên cứu sau này nhận ra được các loài thực vật đó là gì.
Bức “Café Terrace at Night” (Cà phê vỉa hè trong đêm) do danh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh thực hiện hồi năm 1888
Bức tranh khắc họa quang cảnh quán cafe đầy màu sắc về đêm, dù vậy, bức tranh này có lẽ mang nhiều phép ẩn dụ đa nghĩa hơn là một khắc họa đơn thuần về quán cafe. Có nhiều chuyên gia hội họa cho rằng danh họa Van Gogh đã tái hiện bức “Bữa tối cuối cùng” của danh họa Leonardo Da Vinci theo cách của riêng mình.
Điều này có khả năng rất cao bởi Van Gogh vốn là con người sùng đạo, cha của vị danh họa vốn là một mục sư. Trong bức tranh có 12 người ngồi trong quán, những người này ngồi quanh một nhân vật tóc dài và đang đứng (người phục vụ quán). Nhân vật này đứng cao hơn mọi người và mặc chiếc tạp dề dài màu trắng, nhân vật đứng ngay trước một ô cửa sổ có song cửa hình chữ thập.
Bức “The Last Supper” (Bữa tối cuối cùng) của danh họa Leonardo Da Vinci thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1495-1498
Siêu phẩm hội họa của danh họa Da Vinci - bức “Bữa tối cuối cùng” - dường như có ẩn chứa giai điệu âm nhạc trong đó.
Theo nhà soạn nhạc người Ý Giovanni Maria Pala (hiện 57 tuổi), khi đặt một khuông nhạc trên bức tranh, vị trí bàn tay của các tông đồ cùng những chiếc bánh mì trên bàn đều ứng vào vị trí của các nốt nhạc. Nếu đọc khuông nhạc từ phải sang trái (đây là cách mà danh họa Da Vinci viết lúc sinh thời), những nốt nhạc này tạo nên một giai điệu ngắn khoảng 40 giây.
Bích Ngọc
Theo Bored Panda/Reader’s Digest