11 phim hay nhất của năm 2014

(Dân trí) - Đây là 11 bộ phim được đánh giá cao nhất trong hàng trăm phim mà kinh đô điện ảnh Hollywood đã sản xuất trong năm qua.

Theo truyền thống hằng năm, Viện Phim Mỹ vừa công bố danh sách những phim điện ảnh hay nhất năm 2014. Thay vì lựa chọn top 10 như thường lệ, trong năm nay, Viện Phim Mỹ đã công bố… top 11 bộ phim xuất sắc nhất.

Những lựa chọn của Viện Phim Mỹ thường được coi là tín hiệu đầu tiên cho khả năng được đề cử tại giải Oscar, đặc biệt là ở hạng mục Phim hay nhất. Như năm ngoái, 7/9 phim được đề cử ở hạng mục này đã nằm trong danh sách top 10 của Viện. Năm 2012, 8/9 phim được đề cử cũng xuất hiện trong danh sách này.

Năm nay, ngoài danh sách 11 phim hay nhất sẽ xuất hiện dưới đây, Viện Phim Mỹ còn cân nhắc những phim cũng khá đình đám của năm như “Gone Girl”, “A Most Violent Year”, “The Grand Buddapest Hotel”, “Wild”, “Snowpiercer”. Phim “The Theory of Everything” cũng được đánh giá cao nhưng không được lựa chọn vì nhân sự chủ yếu của đoàn làm phim đến từ Anh.

Danh sách 11 phim hay nhất năm 2014 của Viện Phim Mỹ:

“American Sniper” (Tay súng bắn tỉa người Mỹ)


Đây là bộ phim hành động làm theo phong cách phim tiểu sử của đạo diễn Clint Eastwood. Truyện phim dựa trên câu chuyện có thật của một tay súng bắn tỉa có tên Chris Kyle. Câu chuyện về Chris Kyle đã từng được xuất bản dưới dạng tự truyện. Trong phim, nam diễn viên Bradley Cooper thủ vai chính.

“Tay súng bắn tỉa người Mỹ” khắc họa thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự của quân nhân Chris Kyle ở Iraq, bên cạnh đó, là những nỗ lực thậm chí những cuộc đấu tranh nội tâm của Chris trong vai trò một người chồng, người cha của gia đình, bất kể những gì mà anh đã chứng kiến và tiến hành ngoài chiến trường.

“Birdman” (Siêu anh hùng Birdman)


Đây là một bộ phim mang chất “hài đen”, vừa hài hước vừa cay đắng, được biên kịch, đạo diễn và sản xuất bởi Alejandro González Iñárritu, do nam diễn viên Michael Keaton thủ vai chính. Phim xoay quanh nhân vật Riggan Thomson - một nam diễn viên Hollywood đã hết thời.

20 năm sau một thời vàng son trong sự nghiệp, Riggan muốn gây dựng lại tên tuổi bằng cách tự biên kịch, đạo diễn và thủ vai diễn chính trong một vở kịch. Chặng đường tìm lại vinh quang gian nan hơn những gì Riggan có thể tưởng tượng. Để có được hào quang, nhiều khi người ta phải trả giá bằng cả tính mạng.

“Boyhood” (Thời niên thiếu)


“Thời niên thiếu” được biên kịch và đạo diễn bởi Richard Linklater, do nam diễn viên Ellar Coltrane thủ vai chính. Phim được quay ròng rã suốt 11 năm, từ năm 2002-2013, để khắc họa quá trình trưởng thành thật sự ngoài đời của nam diễn viên chính, từ khi còn là một cậu bé cho tới khi đã trở thành một thanh niên.

Với “Thời niên thiếu”, đạo diễn Linklater đã giành được giải Gấu Bạc cho Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Berlin. Đây là bộ phim gây ấn tượng mạnh mẽ đối với nhiều nhà phê bình phim danh tiếng. “Thời niên thiếu” được khen ngợi ở nhiều phương diện, từ đạo diễn, diễn xuất cho tới nội dung, ý nghĩa.

Phim nói về quá trình trưởng thành không yên ả của cậu bé Mason Evans với những rắc rối lớn nhỏ đến từ gia đình, nhà trường và các mối quan hệ khác. Điều đặc biệt là nhân vật Mason Evans có rất nhiều điểm chung với nam diễn viên Ellar Coltrane ngoài đời.

“Foxcatcher” (Người đi săn cáo)


“Người đi săn cáo” là bộ phim tiểu sử được đạo diễn và sản xuất bởi Bennett Miller. Nam diễn viên Steve Carell, Channing Tatum đảm nhiệm vai chính. Phim từng tranh giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes và đem về cho Miller giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Phim cũng vừa giành được 3 đề cử tại giải Quả Cầu Vàng, trong đó có đề cử cho Phim xuất sắc nhất.

Truyện phim kể về nhà vô địch đấu vật Olympic - Mark Schultz và nhà triệu phú bị tâm thần phân liệt - John du Pont. Du Pont chính là người đã giết hại anh trai của Mark Schultz hồi năm 1996, người cũng là một nhà vô địch Olympic ở bộ môn đấu vật - vận động viên Dave Schultz.

“The Imitation Game” (Trò chơi giả mạo)


Bộ phim lịch sử làm về nhà toán học người Anh Alan Turing - người đóng vai trò quan trọng trong việc phá mật mã của quân Đức Quốc xã, góp phần đưa quân Đồng minh đến gần hơn với chiến thắng hồi Thế chiến II. Năm 1952, Alan Turing bị khởi tố vì tội quan hệ đồng tính - một việc bị coi là phạm tội trong xã hội Anh lúc bấy giờ.

Năm 1954, Alan Turing qua đời vì ngộ độc hóa chất ở tuổi 42, trước sự ra đi của ông, cảnh sát cho rằng đây là một vụ tự tử. Trong phim, nam diễn viên Benedict Cumberbatch vào vai Alan Turing, phim được đạo diễn bởi Morten Tyldum.

Câu chuyện về cuộc đời nhà toán học Alan Turing từ trước đến nay vẫn luôn là một trong những câu chuyện khó dựng thành phim nhất nhưng cũng luôn được trông đợi và kỳ vọng nhiều nhất.

“Interstellar” (Giữa các vì sao)


Bộ phim khoa học viễn tưởng của đạo diễn Christopher Nolan với diễn xuất của Matthew McConaughey, Anne Hathaway, Jessica Chastain… xoay quanh một nhóm những nhà du hành vũ trụ thực hiện sứ mệnh đi tìm ngôi nhà mới cho loài người khi trái đất đã dần trở thành nơi không còn phù hợp cho sự sống.

Anh em nhà Nolan đã cùng viết kịch bản cho bộ phim và mời cả chuyên gia vật lý tới làm giám sát sản xuất phim. Đây là một trong những dự án phim lớn nhất năm với nguồn kinh phí đầu tư đến từ 3 hãng phim tên tuổi.

Được coi là một siêu phẩm điện ảnh mang nhiều tham vọng của Christopher Nolan, “Interstellar” tiếp tục là màn trình diễn đẳng cấp của những kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực quay phim điện ảnh.

“Into the Woods” (Vào rừng)


Bộ phim ca nhạc được đạo diễn bởi Rob Marshall, chuyển thể từ vở nhạc kịch Broadway cùng tên. Nữ diễn viên Meryl Streep đảm nhiệm vai diễn chính. Lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm như “Cô bé quàng khăn đỏ”, “Cô bé Lọ Lem”, “Công chúa tóc mây”…, phim là một câu chuyện hư cấu xoay quanh cặp vợ chồng vô sinh quyết định sẽ chấm dứt lời nguyền độc địa mà mụ phù thủy đã giáng lên họ.

“Nightcrawler” (Kẻ săn tin đen)


Bộ phim xoay quanh đề tài tội phạm được biên kịch và đạo diễn bởi Dan Gilroy. Đây là bộ phim đầu tay của Gilroy trong vai trò đạo diễn. Jake Gyllenhaal đảm nhiệm vai chính Louis Bloom - một thanh niên đầy tham vọng, từng kiếm sống bằng nghề ăn cắp sau đó chuyển sang quay phim những vụ tai nạn, cướp của, giết người… xảy ra ở thành phố Los Angeles. Những đoạn phim gây sốc của Bloom được các kênh tin tức mua lại như món hàng “đặc sản”.

“Selma”


Bộ phim lịch sử được đạo diễn bởi Ava DuVernay, dựa trên những cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi diễn ra hồi năm 1965, kéo dài từ thành phố Selma tới Montgomery, bang Alabama, Mỹ. Những cuộc biểu tình rầm rộ này được dẫn đầu bởi những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng thời bấy giờ, trong đó có Martin Luther King.

Trong phim, nam diễn viên David Oyelowo vào vai Martin Luther King. “Selma” hiện đã giành được 4 đề cử tại giải Quả Cầu Vàng trong đó có đề cử cho Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.

“Unbroken” (Không khuất phục)


Bộ phim làm về đề tài chiến tranh được đạo diễn và sản xuất bởi Angelina Jolie, dựa trên câu chuyện có thật về một quân nhân người Mỹ từng là vận động viên điền kinh Olympic - Louis Zamperini. Ông Zamperini từng chiến đấu trong Thế chiến II. Những trải nghiệm của ông đã được viết thành sách xuất bản hồi năm 2010.

Trong phim, Jack O’Connell vào vai quân nhân Zamperini - người đã sống sót sau một vụ rơi máy bay ở Thái Bình Dương, sống lênh đênh suốt 47 ngày trên một mảng bè và sau đó phải trải qua hơn hai năm rưỡi sống trong những nhà tù chiến tranh của quân đội Nhật.

“Whiplash” (Yêu cho roi cho vọt)


Bộ phim được biên kịch và đạo diễn bởi Damien Chazelle. Nam diễn viên Miles Teller vào vai tay trống trẻ tuổi Andrew Neiman - người may mắn được nhận vào một trong những trường nhạc tốt nhất nước Mỹ.

Tại đây, cậu đã gặp phải người thầy giáo kinh hoàng, người luôn khiến cho những học sinh của mình cảm thấy căng thẳng, sợ hãi. Cậu nam sinh Miles Teller đã gặp nhiều rắc rối với người thầy khét tiếng đáng sợ này.

Bích Ngọc
Tổng hợp