Cannes 2019:
10 phim đoạt Cành Cọ Vàng nhất định phải xem trong đời
(Dân trí) - Dưới đây là 10 bộ phim kinh điển từng đoạt giải thưởng danh giá nhất của LHP Cannes - giải Cành Cọ Vàng.
Trong vòng 72 năm qua, LHP Cannes đã là nơi công chiếu những bộ phim điện ảnh kinh điển. Là LHP danh tiếng nhất thế giới với lịch sử hình thành từ năm 1946, LHP Cannes kể từ đó đến nay đã trao Cành Cọ Vàng cho những phim xuất sắc nhất từng được giới điện ảnh thực hiện.
Có nhiều phim đã nhận được đánh giá cao của ban giám khảo tại liên hoan và sau đó có được chỗ đứng bền vững trong lịch sử điện ảnh, trở thành những phim kinh điển nhất định phải xem, được công chúng nhiều thế hệ biết đến, tiếp tục yêu thích và nhắc nhớ.
Hãy cùng nhìn lại những phim điện ảnh trứ danh từng nhận được giải Cành Cọ Vàng của LHP Cannes.
Taxi Driver (Tài xế taxi 1 - 1976) - Đạo diễn Martin Scorsese
Bộ phim kinh điển của đạo diễn Martin Scorsese chứng kiến nam diễn viên Robert De Niro hóa thân vào vai một cựu binh, khi trở về với cuộc sống bình thường, anh ta đã phải chịu đựng những di chứng tâm lý, khiến cho nhân vật này thường xuyên bị khủng hoảng, mất cân bằng và mất ngủ.
Bệnh mất ngủ kinh niên đã khiến nhân vật nhận làm tài xế taxi về đêm. Vai diễn này đã trở thành một màn hóa thân làm nên tên tuổi cho nam diễn viên Robert De Niro.
Bộ phim tâm lý giật gân có cách khắc họa táo bạo về quá trình một con người dần dần bị nhấn chìm trong điên loạn, khi anh ta càng lúc càng trở nên kinh hoàng trước những điều xấu xa tệ hại lộ diện trong thế giới quanh mình.
Nhân vật của Robert De Niro đơn độc và bị ám ảnh bởi cái chết, bởi sự tàn bạo trong chiến tranh, cuộc sống của anh ta đang ngập sâu trong những ám ảnh thì một cô gái bất ngờ xuất hiện, khơi dậy những xúc cảm sống động. Anh ta bắt đầu tìm diệt những kẻ tội phạm, sau cùng, anh ta quyết định giải cứu một cô gái bán hoa trẻ tuổi.
Apocalypse Now (Ngày tận thế - 1979) - Đạo diễn Francis Ford Coppola
Với màn diễn xuất ấn tượng của Marlon Brando, bộ phim “Apocalypse Now” của đạo diễn Coppola khai thác thuyết phục đề tài về chiến tranh và sự điên loạn. Bộ phim được thực hiện một phần dựa trên tiểu thuyết “Heart of Darkness” (Trái tim đen tối - 1899) của tác giả Joseph Conrad.
Quá trình thực hiện bộ phim đã gặp phải rất nhiều vấn đề, nhưng sau cùng, vượt lên tất cả những khó khăn trắc trở, bộ phim đã được hoàn tất, đoạt Cành Cọ Vàng, được đề cử ở 8 hạng mục tại giải Oscar và giờ đây được xem là một trong những phim hay nhất từng được thực hiện về đề tài chiến tranh.
“Apocalypse Now” thuộc dòng phim phản chiến, được xem là một tác phẩm xuất sắc hàng đầu trong sự nghiệp của đạo diễn Coppola. Chuyện phim kể về một đại úy trẻ được lệnh phải truy đuổi một đại tá dày dặn kinh nghiệm nhưng đang dần trở nên điên loạn.
Pulp Fiction (Chuyện tào lao - 1994) - Đạo diễn Quentin Tarantino
Bộ phim thứ hai trong sự nghiệp của đạo diễn Tarantino kể câu chuyện về những nhân vật bí ẩn đáng ngờ, cuộc sống của những nhân vật này dần dần giao thoa, bện chặt vào nhau.
“Pulp Fiction” nhận được những lời khen ngợi hào phóng ngay từ khi ra mắt. Pha trộn giữa chất hài và những cảnh bạo lực, “Pulp Fiction” giờ đây được xem như một chuẩn mực vàng của điện ảnh hiện đại.
Những câu chuyện tưởng chừng tầm phào nhưng lại làm nên một bộ phim điện ảnh mang cá tính riêng độc đáo của Tarantino, với các góc máy đề cao tính chân thực, không trau chuốt. Những cảnh bạo lực cũng đều rất thực, thậm chí được quay cận cảnh. Bộ phim khoác lên mình một vẻ cũ kỹ, không bóng bẩy, sắc nét như nhiều phim cùng thời khác.
The Pianist (Nghệ sĩ dương cầm - 2002) - Roman Polanski
Bộ phim của đạo diễn Roman Polanski theo chân nghệ sĩ người Ba Lan gốc Do Thái - Wladyslaw Szpilman (nam diễn viên Adrien Brody) - trong thời kỳ diễn ra Thế chiến II.
Gia đình người nghệ sĩ bị bắt vào sống trong trại tập trung, riêng anh may mắn trốn thoát nhưng phải lẩn trốn không ngừng trước sự truy lùng ráo riết của quân lính. Tuy sống một cuộc sống tù túng, chui lủi, trong anh vẫn đầy nhiệt huyết, đam mê cháy bỏng với âm nhạc.
Chuyện phim được thực hiện dựa trên cuối hồi ký của một nhân vật có thật đã sống sót trải qua nạn diệt chủng người Do Thái. “The Pianist” sau đó đã giành được nhiều giải thưởng tại các sự kiện điện ảnh danh tiếng, trong đó, có giải Oscar dành cho Nam chính xuất sắc (nam diễn viên Adrien Brody).
The Third Man (Người thứ ba - 1949) - Đạo diễn Carol Reed
Bộ phim được quay hoàn toàn bằng những khuôn hình đen trắng, lấy bối cảnh thành phố Vienna (Áo) thời kỳ hậu chiến, chuyện phim xoay quanh người đàn ông Mỹ có tên Holly Martins. Anh này tới nước Áo sau khi một người bạn sống tha hương, ẩn dật đề nghị anh tới và sẽ dành cho anh một công việc tốt.
Nhưng khi Martins vừa tới nơi thì phát hiện ra người bạn của mình - một kẻ buôn bán thuốc ở chợ đen - đã vừa chết một cách bí ẩn, Martins bắt đầu tìm hiểu về sự việc và phát hiện ra chân tướng thực sự của người bạn.
“The Third Man” từng được bình chọn là bộ phim Anh xuất sắc nhất mọi thời đại bởi Viện Phim Anh hồi năm 1999. Ngoài ra, bộ phim cũng thường xuất hiện trong danh sách những phim điện ảnh hay nhất cần phải xem.
The Piano (Dương cầm - 1993) - Đạo diễn Jane Campion
Chiến thắng của Jane Campion tại LHP Cannes 1993 cho tới giờ vẫn là lần đầu tiên và duy nhất một nữ đạo diễn từng giành được giải Cành Cọ Vàng.
Nữ diễn viên Holly Hunter vào vai Ada McGrath, một phụ nữ bị câm, có biệt tài chơi dương cầm, cô bị gả bán bởi chính người cha của mình cho một người đàn ông già nua, giàu có. Chuyện phim lấy bối cảnh thế kỷ 19 ở New Zealand. Ada được gửi tới nhà chồng cùng với người con gái nhỏ - kết quả từ một cuộc tình bất hạnh.
Đón nhận cô bước vào cuộc sống mới là người chồng già nua, lạnh lùng, độc ác. Những tình huống xô đẩy đã khiến cô bước vào một cuộc tình với một người đàn ông khác, tất cả sự việc diễn ra xung quanh món đồ vật quan trọng nhất trong cuộc đời Ada - cây đàn dương cầm. Bộ phim giành được ba giải Oscar dành cho Kịch bản/Nữ chính/Nữ phụ xuất sắc.
La Dolce Vita (Cuộc sống ngọt ngào - 1960) - Đạo diễn Federico Fellini
Anh chàng nhà báo Marcello Rubini đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng, vỡ mộng, anh thấy cuộc sống thật chán chường và đang cố gắng tìm kiếm lại “La Dolce Vita” - một cuộc sống ngọt ngào, ý nghĩa.
Được kể lại thông qua một loạt những sự việc diễn tiến trong vòng bảy ngày, “La Dolce Vita” là một bộ phim khai thác tâm lý nhân vật đầy thú vị, khi nhân vật Rubini ưa tán tỉnh vừa thể hiện khía cạnh phóng túng vừa có những phút giây trầm lắng sâu sắc.
Bộ phim từng được đề cử ở bốn hạng mục tại giải Oscar và được xem là một trong những phim hay nhất của điện ảnh Châu Âu.
Sex, Lies and Videotape (Tình dục, dối trá và băng video - 1989) - Đạo diễn Steven Soderbergh
Giờ đây, đạo diễn Soderbergh đã là một nhân vật được biết tới trong giới làm phim với những bộ phim như “Magic Mike” (Vũ điệu trai nhảy - 2012) hay “Ocean’s Eleven” (Mười một tên cướp thế kỷ - 2001), nhưng hồi năm 1989, Soderbergh từng là đạo diễn trẻ tuổi nhất giành được giải Cành Cọ Vàng, khi ấy, ông mới 26 tuổi.
“Sex, Lies and Videotape” được xem là bộ phim góp phần làm thay đổi diện mạo dòng phim độc lập hồi đầu thập niên 1990. Trong phim, những chủ đề về tình dục, tâm thần, những mối quan hệ tréo ngoe được khai thác ấn tượng. Nhân vật Graham Dalton (nam diễn viên James Spader) có sở thích ghi lại những cuộc trò chuyện với phụ nữ xoay quanh những khát khao dục vọng của họ.
Bạn của Graham - luật sư John Mullany - là một người đàn ông tham vọng, ích kỷ, sẵn sàng bất chấp những nguyên tắc đạo đức. Anh ta có một người vợ xinh đẹp nhưng họ sống không hạnh phúc, đặc biệt trong quan hệ vợ chồng. Người vợ hoàn toàn không có hứng thú với chồng mình, còn người chồng đi tìm hứng thú ở bên ngoài.
Bất ngờ cuộc sống của John và Graham kết nối trở lại sau nhiều năm không liên lạc. Từ đây bắt đầu nảy sinh những tình huống làm hiện rõ và khắc sâu những rạn nứt trong cuộc hôn nhân của John và vợ mình, khi Graham với sở thích quái gở của anh ta bắt đầu ảnh hưởng tới cuộc sống lứa đôi buồn tẻ nhưng êm đềm của gia đình họ trước đây.
Paris, Texas (1984) - Đạo diễn Wim Wenders
Bộ phim kể câu chuyện về người đàn ông bị mắc chứng quên - Travis Henderson. Anh bất ngờ xuất hiện trở lại sau bốn năm lang thang ở sa mạc miền tây bang Texas (Mỹ). Sau khi đoàn tụ với họ hàng, người thân, Travis cố gắng gắn kết lại với người con trai của mình, trước khi thực hiện một cuộc hành trình xuyên nước Mỹ để tìm lại người vợ cũng đang gần như mất tích.
Bộ phim được khen ngợi về nghệ thuật quay phim và phong cách dàn dựng của đạo diễn Wim Wenders. Phim được xem như một tác phẩm đầy cảm xúc dành để nói về một câu chuyện lạ lùng nhưng cũng rất chân thực gần gũi với xúc cảm, nói về sự đơn độc, sự đoàn tụ và cách chuộc lỗi.
The Leopard (1963) - Đạo diễn Luchino Visconti
Đây là một trong những phim hiếm hoi nhận được 100% bình chọn tích cực trên trang chấm điểm cho phim - Rotten Romatoes. Bộ phim xoay quanh những đổi thay mà các gia đình ở Ý từng trải qua trước những đổi thay của đời sống xã hội hồi giữa thế kỷ 19.
Dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Ý Giuseppe Tomasi di Lampedusa, chuyện phim kể về nhà quý tộc ở đảo Sicily - ngài Don Frabrizio và những nỗ lực để giữ cho gia đình và đẳng cấp của mình được bảo toàn trước những đổi thay của đời sống văn hóa - xã hội trong thời kỳ bấy giờ.
Bích Ngọc
Theo Evening Standard/Hollywood Reporter