Bạn có cần chụp X-quang tuyến vú?
(Dân trí) - Chụp X-quang vú được coi là một công cụ sàng lọc giúp phát hiện sớm ung thư vú ở những phụ nữ không triệu chứng bất thường nhưng có nguy cơ cao mắc bệnh. Vậy ai là những người cần chụp X-quang tuyến vú?
Chụp X-quang vú là gì?
Chụp X quang tuyến vú (Mammography) là thủ thuật sử dụng chùm tia X cường độ thấp chiếu vào các mô tuyến vú để thu lại các hình ảnh tại tuyến vú. Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường, khối u ở giai đoạn sớm ngay cả khi bệnh nhân chưa sờ và cảm nhận thấy. Với ung thư vú, điều này rất có ý nghĩa vì càng phát hiện sớm, cơ hội điều trị bệnh thành công càng cao.
Chụp X-quang vú đã được chứng minh có hiệu quả trong phát hiện sớm ung thư vú, đặc biệt là loại carcinôm ống tuyến vú tại chỗ, nghĩa là chưa xâm lấn. Với giai đoạn này khả năng trị khỏi hoàn toàn là rất cao và trong đa số trường hợp có thể phẫu thuật bảo tồn tuyến vú cho người bệnh.
Trước khi chụp, khách hàng sẽ được giải thích về khả năng bị đau nhẹ khi chụp các tư thế (vú bị ép giữa 2 mặt phẳng) giúp khách hàng an tâm và hợp tác tốt. Sau đó:
• Khách hàng cởi bỏ đồ trang sức và đồ lót, chỉ mặc áo choàng của bệnh viện. Lưu ý: không xịt chất khử mùi hoặc đánh phấn trước khi chụp.
• Đặt một bên vú lên một mặt phẳng, sau đó sẽ có một tấm plastic phẳng đè lên bên trên để ép chặt vú giữa hai mặt phẳng này. Làm như vậy để có hình ảnh rõ nét về mô tuyến vú. Chụp nhũ ảnh thường được thực hiện từng bên vú.
Sau đó, các bác sĩ phụ trách sẽ đọc kết quả và phân tích tình trạng bệnh.
Ai nên chụp X-quang vú?
Theo các bác sĩ Khoa Ung bướu - Bệnh viện Thu Cúc, nữ giới trẻ tuổi nên có thói quen tự khám vú tại nhà, và siêu âm vú định kỳ tại bệnh viện để phát hiện sớm ung thư vú.
Đối với nhóm phụ nữ dưới đây, bác sĩ khuyến cáo nên chụp X-quang tuyến vú:
• Từ 40 tuổi trở lên: theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, từ 40 tuổi trở lên nên chụp X-quang vú định kỳ. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ ở độ tuổi 40 và 50 nhờ chụp X- quang tuyến vú làm giảm tử vong do ung thư vú từ 15 đến 29%.
• Dưới 40 tuổi nhưng có nguy cơ cao mắc bệnh (mang gen đột biến BRCA1, BRCA2, trong gia đình có người bị ung thư vú, phụ nữ béo phì, tiểu đường, không sinh con, không cho con bú): nên chụp X-quang vú sớm hơn 5 năm so với khuyến cáo.
• Người có tuyến vú dày, nhiều mỡ, siêu âm và lâm sàng không phát hiện được các tổn thương nhỏ hoặc siêu âm không phát hiện được tổn thương rõ ràng.
• Có triệu chứng đau hay bất đối xứng của 2 vú, chảy dịch ở đầu vú, bất thường về màu da, quầng vú, kích thước giữa 2 vú…
Lưu ý: kết quả chụp X-quang vú bất thường không có nghĩa chắc chắn là bệnh nhân bị ung thư vú. Để kết luận ung thư vú, cần thực hiện chọc hút kim nhỏ hay làm sinh thiết. Các bác sĩ cũng chỉ định các xét nghiệm khác như: xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT, chụp MRI… trước khi đưa ra phác đồ điều trị.
Ở phụ nữ chưa mãn kinh chụp X-quang vú nên được hiện vào thời điểm 1 tuần sau khi sạch kinh. Vào thời điểm này nồng độ estrogen trong máu giảm xuống, tuyến vú bớt giữ nước và bớt căng hơn, do đó dễ quan sát hơn.
Chụp X-quang vú có gây ung thư không?
Chụp X-quang vú chỉ sử dụng một lượng nhỏ tia X, không thể gây ung thư. Đây là phương pháp an toàn, hầu như không gây tác hại cho cơ thể người bình thường.
Tuy nhiên, chống chỉ định chụp X-quang vú đối với phụ nữ có thai quý đầu, trường hợp thai hai quý sau nếu cần thiết phải chụp cần có sự hội chẩn bác sĩ chẩn đoán hình ảnh với bác sĩ lâm sàng. Cần thận trọng với các trường hợp đặt túi ngực, áp xe vú…