Trẻ sinh non, mẹ nuôi trẻ thế nào cho đúng?

Người ta nhận thấy, một ngày sinh non, trẻ thiệt thòi ngang bằng cả tuần trong bụng mẹ.

Nói cách khác, cứ mỗi ngày trẻ được ở trong bụng mẹ đợi đến ngày ra đời, trẻ phát triển bằng cả tuần nếu phải “tự lập” sớm hơn dự định mà không có được sự trợ giúp về chuyên khoa thích hợp.

Khi nào thì trẻ bị gọi là “sinh non”?

Trẻ sinh non khi lọt lòng mẹ ở thời điểm tuổi thai chưa đến 37 tuần (tính từ ngày người mẹ có kinh lần cuối), thường cân nặng của trẻ sinh non nặng dưới 2,5kg. Khi trẻ có trọng lượng lúc sinh nhỏ hơn 1,5kg, chúng được gọi là “trẻ rất nhẹ cân”. Các trẻ này có thể là trẻ non tháng hoặc là trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai; hoặc có thể là cả hai, nghĩa là trẻ vừa non tháng, vừa suy dinh dưỡng mà hậu quả trên sự phát triển trí tuệ là rất lớn trong những năm về sau này.

Trẻ sinh non, mẹ nuôi trẻ thế nào cho đúng? - 1

Trẻ sinh non có khác biệt gì so với trẻ đủ tháng?

Mối nguy hiểm chung của trẻ sanh non nhẹ cân là sự non nớt chưa hoàn thiện của các chức năng trong cơ thể. Phổi non khiến trẻ thở khó khăn, mạch máu mỏng manh nên dễ bị chảy máu trong não; tim có khi chưa phát triển đầy đủ nên có thể bị bệnh tim bẩm sinh; dạ dày, ruột, các dịch tiêu hóa không đủ nên khó bú, khó bài tiết phân, nước tiểu…Hệ miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm trùng. Trẻ càng non tháng càng không có các chất dự trữ quan trọng như đường, chất béo (DHA, ARA), canxi, sắt vì dự trữ chỉ có ngày càng nhiều trong ba tháng cuối của thai kỳ.

Nuôi dưỡng các trẻ nầy rất khó vì trẻ cần nhiều chất dinh dưỡng, nhu cầu về chất đạm, vitamin và khoáng chất cao mà khả năng ăn vào lại hạn chế do kích thước dạ dày không đủ lớn, khả năng tiêu hóa các chất dinh dưỡng cũng thấp thơn do thiếu các men tiêu hoá rất ít. Trẻ khó tăng cân, dễ bị trào ngược dạ dày thực quản, dễ ọc sữa tím tái. Trẻ hay bị chướng bụng, khó đi tiêu, phải xoa bụng giúp bé mới có thể đi tiêu được mỗi ngày. Do thiếu men tiêu hóa và niêm mạc ruột dễ bị tổn thương nên trẻ dễ bị viêm ruột. Vào khoảng được trên 15 ngày tuổi trở đi trẻ dễ bị thiếu máu.

Dinh dưỡng thế nào cho đúng để giúp trẻ sinh non vượt qua thử thách?

Sữa mẹ là dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ sinh đủ tháng và có thể rất thích hợp cho một số trẻ sinh non bởi thành phần dưỡng chất rất dễ tiêu hoá, hấp thu và chứa nhiều yếu tố miễn dịch giúp trẻ chống chọi với các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, hàm lượng các chất thiết yếu như đạm, chất béo, các vitamin và muối khoáng trong sữa mẹ không đủ để đáp ứng nhu cầu cho tốc độ phát triển “bắt kịp” của trẻ sinh non như điều kiện trẻ còn nằm trong bào thai. Tương tự, sự nuôi ăn bằng các sữa công thức dành cho trẻ nhỏ thông thường cũng không đáp ứng được sự phát triển và tăng trưởng của các trẻ sinh non.

Vì vậy, các tổ chức y tế thế giới khuyến cáo sữa mẹ và đặc biệt sữa mẹ được làm giàu dưỡng chất (Fortified Human Milk) là lựa chọn tốt nhất cho trẻ sinh non. Nếu không có sữa mẹ, các bà mẹ nên dùng sữa dành cho trẻ non tháng. Các sữa này phải đảm bảo giàu năng lượng, giàu đạm nhưng dễ tiêu hoá để giúp đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của trẻ non tháng. Do trẻ sinh non có nguy cơ bị viêm ruột cao, thành ruột dễ tổn thương nếu thành phần dưỡng chất có áp lực thẩm thấu cao nên việc giảm hàm lượng đường lactose là cần thiết và thay vào đó là thành phần đường maltodextrin giúp giảm áp lực thẩm thấu lên thành ruột. Do cơ thể trẻ sinh non nghèo dự trữ chất béo DHA và ARA trong khi nhu cầu về hai chất này lại cao cho phát triển thị giác và trí não, việc bổ sung DHA và ARA trong sữa công thức cho trẻ sinh non là rất quan trọng. Ngoài ra, sự có mặt của các vitamin và khoáng chất, ví dụ như sắt là rất cần thiết cho trẻ.

Một trẻ non tháng hồng hào, bú mạnh, đi tiêu, tiểu tốt, ngủ yên là dấu hiệu được nuôi dưỡng đầy đủ, đúng cách và phát triển theo chiều hướng an toàn, có cơ hội rất tốt để phát triển bình thường như các trẻ sinh đủ tháng khoẻ mạnh. Ngược lại, nếu không được chăm sóc, điều trị và dinh dưỡng phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về thể trạng và trí tuệ của trẻ sau này.

Trẻ sinh non, mẹ nuôi trẻ thế nào cho đúng? - 2

BS Nguyễn thị Thanh Bình
Cố vấn Khoa sơ sinh – BV Từ Dũ