Thanh Hóa chi gần 11,5 tỷ đồng xây, sửa nhà vệ sinh

(Dân trí) - Nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách tại các xã, phường xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh đạt chuẩn của Bộ Y tế..., tỉnh Thanh Hóa quyết định chi gần 11,5 tỷ đồng thực hiện Đề án hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở các xã ven biển tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, đối tượng của Đề án nêu trên là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách tại 50 xã, phường thuộc 6 huyện, thành phố ven biển tỉnh Thanh Hóa, gồm: Huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và thành phố Sầm Sơn.

Vệ sinh môi trường tại các địa phương ven biển đang là vấn đề nhức nhối
Vệ sinh môi trường tại các địa phương ven biển đang là vấn đề nhức nhối

Mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ chính sách tại các xã, phường ven biển xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh đạt chuẩn của Bộ Y tế, giảm ô nhiễm môi trường và các bệnh lây nhiễm qua nguồn nước.

Đồng thời, nhằm góp phần chuyển biến về nhận thức và thay đổi thói quen vệ sinh, đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở 50 xã, phường của 6 huyện, thành phố ven biển nêu trên; thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, đến năm 2020, sẽ hoàn thành xây dựng 10.000 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách; 100% tuyên truyền viên, thợ xây được tập huấn nâng cao năng lực, trang bị kiến thức về nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT), các mẫu nhà vệ sinh, kỹ thuật xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn; 100% hộ dân tham gia xây dựng nhà vệ sinh được truyền thông kiến thức về nước sạch VSMT...

Các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức khảo sát hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh hoặc đã có nhưng chưa hợp vệ sinh. Tiến hành phân loại nhóm hộ theo tình hình tài chính của hộ gia đình để hỗ trợ hộ tiếp cận các nguồn tài chính từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức kinh tế, các nhà tài trợ và các nguồn huy động xã hội hóa hợp pháp khác để triển khai thực hiện Đề án.

Đồng thời, lồng ghép việc thực hiện Đề án với việc triển khai các chương trình, dự án, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo Đề án thì trong năm 2018 sẽ xây dựng 4.000 nhà tiêu hợp vệ sinh tại các đơn vị thực hiện Đề án. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật xây dựng nhà tiêu tự hoại/hai ngăn sinh thái cho đội thợ xây địa phương nhằm xây dựng đội ngũ thợ xây lành nghề nhằm giảm chi phí cho hộ dân.

Các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách tại 50 xã, phường trong Đề án được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh
Các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách tại 50 xã, phường trong Đề án được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh

Bên cạnh đó, tổ chức 50 lớp tập huấn kiến thức về nước sạch VSMT; kiến thức xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh giá rẻ cho hộ dân có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh tại 50 xã thực hiện Đề án.

Năm 2019, sẽ xây dựng 3,000 nhà tiêu hợp vệ sinh và đến năm 2020, sẽ xây dựng tiếp 3.000 nhà tiêu hợp vệ sinh tại các đơn vị thực hiện Đề án.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án trên là gần 11,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020 và các nguồn xã hội hóa.

Trần Lê