Tăng cường công tác phòng chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC

Vào ngày 22/8 tới, Hội nghị Đối thoại chính sách về “Tăng cường công tác phòng chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC” sẽ chính thức diễn ra ở TPHCM. Hội nghị sẽ chia sẻ các bằng chứng khoa học và thực tiễn mang tính chiến lược làm tiền đề cho tiến trình kết thúc bệnh lao.

Bên cạnh đó, cũng chia sẻ thách thức và cơ hội của các giải pháp khoa học công nghệ trong kiểm soát lao và lao kháng thuốc hiện nay; Đồng thuận về cam kết chính trị, chính sách xã hội, khung hợp tác và trách nhiệm giải trình đa ngành của các nền kinh tế cho kết thúc bệnh lao trong khu vực APEC.

Hội nghị dự kiến có khoảng 150 đại biểu tham dự Hội nghị, bao gồm đại diện WHO, Liên Minh Phòng chống Lao Toàn cầu (STP), Đại diện mạng lưới nghị sỹ phòng chống lao, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, đại diện các nền kinh tế APEC, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, đại diện cho các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế về kỹ thuật và quản lý, các viện nghiên cứu, khu vực tư nhân và tổ chức cộng đồng, chương trình chống lao quốc gia.

Tăng cường công tác phòng chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC - 1

Căn bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe toàn cầu với 10,4 triệu người mới mắc và 1,8 triệu người chết do lao năm 2015. Trong đó 58% bệnh nhân lao thuộc khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương; Indonesia và Trung Quốc là 2 quốc gia trong khu vực APEC thuộc top 3 quốc gia có số bệnh nhân lao cao nhất, chiếm 20% tổng số bệnh nhân lao toàn cầu.

Vấn đề lao kháng thuốc được coi là vấn đề đe dọa an ninh y tế toàn cầu (Global health security). Hiện nay có đến 3,9% số bệnh nhân lao mới phát hiện và 21% số bệnh nhân lao đã từng điều trị mắc lao đa kháng với số tuyệt đối được ước tính là 580.000 người, riêng Trung Quốc đã có 70.000. Hiện nay mới chỉ có 1/5 bệnh nhân lao kháng thuốc được tiếp cận với điều trị, còn lại hoặc tử vong hoặc tiếp tục là nguồn lây lan ra cộng đồng.

Trong khi đó, chúng ta đã có các kỹ thuật chẩn đoán, các thuốc và phác đồ điều trị hiệu quả, ngay cả lao đa kháng, thậm chí là lao siêu kháng thuốc. Để bệnh lao tiếp tục gia tăng với số người chết cao như vậy là điều khó chấp nhận.

Tháng 5 năm 2014, Đại hội đồng Y tế Thế giới đã phê duyệt Chiến lược kết thúc bệnh lao trên toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đã đặt ra chỉ tiêu kết thúc bệnh lao và không để ai bị bỏ lại phía sau được phê duyệt của Liên hiệp quốc năm 2015 cho thấy rõ chúng ta không chấp nhận tình hình bệnh lao như hiện nay.

Vấn đề áp dụng các công cụ đang có vào kiểm soát bệnh lao ở mỗi quốc gia, phụ thuộc vào 4 yếu tố đó là cam kết chính trị, đổi mới công nghệ, tiếp cận hợp lý và đầu tư thỏa đáng. Trong đó cam kết chính trị là yếu tố quan trọng nhất.

Để có cam kết chính trị ở mỗi quốc gia, nhận thức của các nhà hoạch định chính sách, người đứng đầu Chính phủ, các Bộ ngành, đoàn thể là vô cùng quan trọng.

Diễn đàn APEC là một cơ hội tốt nhất để vận động các nhà hoạch định chính sách, những người đứng đầu Chính phủ, Bộ ngành Y tế quan tâm sâu sắc tới vấn đề hết sức nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, có nguy cơ tử vong cao và lây lan nguy hiểm.

Các vấn đề Hội nghị này có thể giải quyết và lợi ích tiềm năng:

Trong tiến trình thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) đến năm 2015, các nước thuộc 21 nền kinh tế APEC là khu vực có nhiều thành tựu phòng chống lao tốt, đặc biệt khu vực Tây Thái Bình Dương là khu vực đạt được mục tiêu MDG cao nhất thế giới trên phương diện cắt giảm 50% số mắc, số chết do lao, ngay cả so với tình hình bệnh lao vào năm 2000.

Những bài học kinh nghiệm này sẽ là tiền đề minh họa cho thực hiện chiến lược kết thúc bệnh lao nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững SDG của Liên hiệp quốc - không bỏ ai lại phía sau. Báo cáo tiến độ thực hiện chiến lược đến năm 2017 sẽ được chia sẻ.

Liên minh phòng chống lao toàn cầu (Stop TB Partnership - STP) đã xây dựng một kế hoạch Kế hoạch toàn cầu kết thúc bệnh lao 2016-2020 cần được cụ thể hóa trong kế hoạch của mỗi Quốc gia.

Việt Nam là một trong 9 nước trên thế giới đạt mục tiêu MDG ở cả 3 chỉ số hiện mắc, mới mắc và tử vong do lao và được Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 từ tháng 3 năm 2014. Những thành tựu cũng như bài học sẽ được trình bày như một ví dụ về áp dụng chiến lược toàn cầu vào mỗi quốc gia.

Hơn nữa, năm 2017 WHO chuẩn bị tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng tại Matxcơva, khung trách nhiệm giải trình đa ngành (Multisectorial Accountability Framework) trong triển khai chiến lược kết thúc bệnh lao sẽ được đưa ra nhằm vận động cam kết của cả hệ thống chính trị của mỗi quốc gia, khu vực cũng như trên toàn cầu cho việc đầu tư, ủng hộ cho công tác phòng chống lao.

Những bài học thực tiễn được chia sẻ sẽ làm tiền đề cho việc thảo luận tìm ra các giải pháp hữu hiệu, phù hợp với từng quốc gia và vùng lãnh thổ. Những mô hình can thiệp có hiệu quả cho thấy đầu tư vào kiểm soát bệnh lao mang lại hiệu quả kinh tế cao, 1 đồng có thể thu về 30 đồng.

Bên cạnh những nền kinh tế đang phát triển, APEC còn có nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada, Australia, Nhật là những nền kinh tế đã đầu tư với tỷ lệ cao cho Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các quốc gia thuộc APEC thảo luận về các cơ hội hợp tác và hội nhập, làm tiền đề cho cam kết chính trị để áp dụng mở rộng công nghệ mới bằng các tiếp cận hợp lý hiệu quả với cơ hội được đầu tư thỏa đáng.

Tổ chức hội nghị với tiêu đề “Thúc đẩy hành động phòng chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC” sẽ mang lại lợi ích to lớn, gây được sự chú ý của các nhà lãnh đạo nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cho các quốc gia thành viên.

Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà tổ chức APEC, đồng thời Chương trình Chống lao Quốc gia được WHO đánh giá là một chương trình mạnh, vì vậy Bộ Y tế giao cho Chương trình Chống lao Quốc gia - Bệnh viện Phổi Trung ương là đơn vị đầu mối tổ chức sự kiện quan trọng này.

Thời gian: Từ 13:30 đến 18h ngày 22 tháng 8 năm 2017

Đia điểm: Khách sạn Sheraton Saigon Hotel & Tower, 88 Đồng Khởi, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Chủ trì Hội nghị: Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chủ tịch Nhóm Công tác về Y tế (HWG) của APEC.

Mọi thông tin về Hội nghị sẽ được cập nhật trên fanpage của Chương trình Chống lao Quốc gia và website Bệnh viện Phổi Trung ương.

PV