PGS. Trần Văn Ngọc: “Sử dụng kháng sinh hợp lý là vấn đề chung”

PGS. TS. BS. Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM đã có những chia sẻ về tình hình đề kháng kháng sinh tại Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp (NKHH) mắc phải trong cộng đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Văn Ngọc – Chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Văn Ngọc – Chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM

Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc NKHH mắc phải cộng đồng chiếm bao nhiêu % tại Việt Nam? Đây có phải là bệnh phổ biến nhất hiện nay?

Tại Việt Nam, hiện tại chúng ta chưa có những nghiên cứu dịch tễ học toàn quốc về tỷ lệ NKHH ở cộng đồng là bao nhiêu. Tuy nhiên, đây là căn bệnh phổ biến nhất trong những bệnh nhiễm khuẩn và là bệnh lý gây ra tử vong nhiều, đặc biệt ở trẻ em và người lớn tuổi. Do đó, vấn đề phát hiện sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng để giảm đi tỷ lệ tử vong và rút ngắn thời gian điều trị trong NKHH mắc phải cộng đồng.

Thưa Bác sĩ, có phải tất cả các bệnh NKHH mắc phải cộng đồng đều phải dùng kháng sinh trong điều trị?

Có những bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp ở mức độ nhẹ có thể tự khỏi như nhiễm khuẩn do vi khuẩn không điển hình như viêm họng hay viêm phế quản do mycoplasma gây ra. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, điều trị theo cách dùng kháng sinh sẽ có lợi đối với những bệnh nhân có tiến triển bệnh ngày càng nặng, ban đầu ở mức độ trung bình hoặc nặng, hoặc nhiễm khuẩn trên cơ địa của những người lớn tuổi hay có bệnh đi kèm mà chúng ta không thể tiên lượng được tiến triển của bệnh.

Khi có triệu chứng về NK hô hấp, ví dụ như ho khạc đàm có đổi màu như đàm mủ hoặc sốt thì nên đi khám. Đặc biệt là ở trẻ em, người lớn tuổi hoặc ở những người có bệnh đi kèm như xơ gan, tiểu đường, nghiện rượu. Những đối tượng này có thể ban đầu có triệu chứng nhẹ nhưng có khả năng tiến triển nặng. Do đó, vấn đề quyết định có điều trị kháng sinh hay không còn tùy thuộc vào đánh giá của bác sĩ khám bệnh, không phải theo cảm nhận của bệnh nhân.

Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về tình trạng đề kháng kháng sinh ở Việt Nam trong việc điều trị NKHH mắc phải cộng đồng?

Kháng sinh là tài sản của nhân loại, cũng như tài sản của mỗi người bác sĩ. Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ tài sản đó để chúng tiếp tục duy trì hiệu quả và điều trị hữu hiệu cho bệnh nhân. Từ một bác sĩ mới ra trường cũng như tất cả bác sĩ hiện nay còn hành nghề tại Việt Nam, chúng ta đều phải đối mặt với thách thức lớn về vấn đề đề kháng kháng sinh gia tăng rất nhanh chóng ở trên thế giới cũng như tại Việt Nam, ở ngoài cộng đồng và đặc biệt ở trong bệnh viện.

Tình trạng dùng thuốc kháng sinh không đúng chỉ định, không hợp lý gây ra vấn đề đề kháng kháng sinh, đặc biệt là những tác nhân vi khuẩn thường gặp ở ngoài cộng đồng như phế cầu. Vi khuẩn đề kháng với ampicilin hay amoxicillin chiếm khoảng 50%. Phế cầu kháng với bactrim, chloramphenicol, tetracyclin hay macrolid với tỷ lệ khá cao, từ 70 – 80%. Đây là những điểm quan trọng cần lưu ý về những tác nhân vi khuẩn ngoài cộng đồng đề kháng với thuốc kháng sinh.

Việc tăng tỷ lệ đề kháng với một số loại kháng sinh khá phổ biến trước đây gây khó khăn như thế nào cho các bác sĩ trong việc điều trị?

Tất nhiên là sẽ rất khó khăn khi điều trị. Những kháng sinh đã bị đề kháng, thông thường sẽ làm tình trạng đề kháng kháng sinh gia tăng lên nữa. Và quan trọng là những kháng sinh chúng ta dùng không còn tác dụng và làm bệnh nặng lên, và khi đã nặng lên thì sẽ làm cho việc điều trị kháng sinh tiếp theo có thể không đáp ứng tốt bằng kháng sinh điều trị ban đầu.

Như vậy, chúng ta sẽ phải dùng đến các kháng sinh phổ rộng hơn hoặc phải phối hợp nhiều kháng sinh khác nhau để điều trị cho bệnh nhân mặc dù đôi khi đó chỉ là nhiễm khuẩn ở ngoài cộng đồng và không nặng lắm.

Theo ý kiến của Bác sĩ, như thế nào là sử dụng kháng sinh hợp lý về phía bệnh nhân, về phía bác sĩ và dược sĩ?

Việc sử dụng kháng sinh hợp lý là vấn đề chung, không phải riêng bệnh nhân hay bác sĩ, dược sĩ. Nghĩa là tiêu chí sử dụng kháng sinh hợp lý phải được thống nhất và hiểu rõ giữa dược sĩ, bác sĩ và bệnh nhân.

Đối với bác sĩ, cần phải dựa vào tình trạng bệnh nhân, tác nhân vi khuẩn gây bệnh và tình hình vi khuẩn đề kháng thuốc tại địa phương như thế nào thì bác sĩ mới chọn lựa được cách điều trị kháng sinh tốt nhất cho bệnh nhân.

Còn dược sĩ là người hiểu rõ hơn về dược động học và dược lực học của từng thuốc kháng sinh, đóng vai trò hỗ trợ và tư vấn cho các bác sĩ lâm sàng lựa chọn và điều trị kháng sinh hợp lý.

Đa số bệnh nhân không hiểu được sử dụng kháng sinh hợp lý là như thế nào, điều quan trọng là các bạn chỉ cần chú ý tuân thủ chỉ định điều trị kháng sinh của bác sĩ. Ví dụ như khi được bác sĩ chỉ định kháng sinh uống 5 ngày thì phải tuân thủ điều trị liên tục trong 5 ngày, hoặc bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh 7 ngày thì phải điều trị đúng 7 ngày, dùng thuốc nào, liều lượng bao nhiêu, mỗi ngày uống mấy lần và tuyệt đối không được bỏ thuốc nửa chừng dù các triệu chứng bệnh đã cải thiện. Đó là những nguyên tắc sử dụng kháng sinh hợp lý.

Cảm ơn Bác sĩ.

VPĐD GSK Pte Ltd tại Tp.HCM phối hợp cùng Hội Hô hấp TP.HCM thực hiện hội thảo trực tuyến Diễn đàn Nghiên cứu SOAR Toàn Cầu 2016 với chủ đề “Đề kháng kháng sinh - Vấn đề toàn cầu” với sự tham gia của 38 quốc gia như Singapore, Việt Nam, Nga, Ukraine…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm