Người bệnh đột quỵ đang gây áp lực lên cấp cứu ngoại viện

(Dân trí) - Mỗi phút trôi qua bệnh nhân bị đột quỵ mất đi 2 triệu tế bào thần kinh, tăng nguy cơ tử vong. Cấp cứu ngoại viện không chỉ phải chạy đua với thời gian mà còn chịu áp lực lớn từ sự gia tăng số người đột quỵ trong cộng đồng.

Ngày 4/12, trong buổi ra mắt Trạm vệ tinh thứ 26 thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 tại Bệnh viện Quốc tế City, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM cho biết: “Mỗi năm trên cả nước có khoảng 200 nghìn ca đột quỵ được ghi nhận, khoảng 50% trong số đó tử vong. Sài Gòn là một trong những điểm nóng với sự gia tăng nhanh của căn bệnh này. Cùng với tình hình đau bệnh đột xuất, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đột quỵ đang gây ra nhiều áp lực cho cấp cứu ngoại viện”.

Bệnh nhân đột quỵ gia tăng trong cộng đồng tạo nhiều áp lực lên cấp cứu ngoại viện
Bệnh nhân đột quỵ gia tăng trong cộng đồng tạo nhiều áp lực lên cấp cứu ngoại viện

Ước tính, mỗi năm các bệnh viện trên địa bàn thành phố tiếp nhận, điều trị cho khoảng 60 nghìn ca bệnh đột quỵ. TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Thần kinh và Can thiệp Mạch máu, TPHCM cho biết: Cứ mỗi phút trôi qua, người bệnh đột quỵ sẽ mất đi 2 triệu tế bào thần kinh. Thời gian vàng để cứu chữa, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân sau đột quỵ chỉ giới hạn trong 4 đến 5 giờ. Tuy nhiên, rất nhiều người bị đột quỵ do phát hiện bệnh, chuyển viện trễ nên đã qua thời gian vàng, cơ hội sống trở nên mong manh. Nếu qua được nguy kịch bệnh nhân cũng phải đối mặt với những di chứng nặng nề về thần kinh, vận động…

Với quy mô khoảng 13 triệu người nhưng điều kiện giao thông không phát triển đồng bộ với sự gia tăng số dân đang khiến Sài Gòn đối mặt với tình trạng kẹt xe. Trong bán kính khoảng 10km phương tiện cấp cứu có thể phải mất nhiều giờ mới tiếp cận được hiện trường thực hiện sơ cứu tại chỗ và chuyển viện. Cấp cứu ngoại viện lâu nay đã trở thành bài toán khó khiến ngành y tế “đau đầu” tìm lời giải.

Hơn 2 năm qua, Sở Y tế thành phố đã chủ động triển khai các Trạm Cấp cứu vệ tinh thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 với mục tiêu bao phủ hệ thống cấp cứu ngoại viện trên toàn thành. Hiện, thành phố đã có 26 trạm cấp cứu trang bị phương tiện cấp cứu chuyên dụng với sự đồng hành của các y bác sĩ cả hệ thống bệnh viện công lập và tư nhân. Ngoài ra, Sở Y tế đang thí điểm loại hình cấp cứu bằng xe gắn máy 2 bánh để có thể di chuyển nhanh trên những cung đường thường xuyên ùn tắc, len lỏi vào những con hẽm nhỏ, tiếp cận nhanh với người bệnh.

Thành phố đã triển khai được 26 trạm cấp cứu vệ tinh tại tất cả các quận huyện
Thành phố đã triển khai được 26 trạm cấp cứu vệ tinh tại tất cả các quận huyện

Theo đánh giá của PGS Tăng Chí Thượng, cấp cứu ngoại viện đang từng bước khắc phục được những nhược điểm, tiếp cận nhanh với hiện trường nhờ hệ thống các trạm vệ tinh. Thay vì tự chuyển bệnh như trước, người dân bắt đầu tin tưởng vào cấp cứu 115 qua thực tế số cuộc gọi cấp cứu đang tăng nhanh thời gian gần đây. Nếu mô hình cấp cứu bằng xe gắn máy mang lại hiệu quả khả quan, thành phố sẽ nhân rộng ra nhiều bệnh viện khác trên những địa bàn trọng điểm hay xảy ra kẹt xe, ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, Sở Y tế chủ trương kết hợp với các bệnh viện chuyên khoa sâu để đáp ứng điều trị cho những ca bệnh nặng, bệnh nhân đột quỵ. Trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại Bệnh viện Quốc tế City – nơi đã triển khai khoa can thiệp tim mạch được Sở Y tế kỳ vọng sẽ tăng khả năng tiếp nhận, xử trí những trường hợp đột quỵ, nhồi máu não cấp, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim… tận dụng thời gian vàng cứu chữa người bệnh.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm