“Mẹo” chọn sữa cho trẻ

Một số bà mẹ khi chọn sữa cho con lại thường chỉ để ý đến một vài yếu tố như quảng cáo, giá cả... mà quên đi rằng một loại sữa được xem là an toàn và chất lượng cần phải bắt nguồn từ một công thức tốt.

Một bà mẹ trẻ hỏi tôi, cô ấy vừa sinh cháu đầu lòng và đang băn khoăn chưa biết lựa chọn sản phẩm nào tốt nhất cho bé khi phải trở lại công việc sau 4 tháng sinh con. Theo cô ấy, trên thị trường có một loại sản phẩm sữa có chứa đến 54 thành phần dưỡng chất (sữa XO), như vậy có thực sự tốt cho trẻ hay không? Đây cũng là thắc mắc chung của nhiều bà mẹ trẻ.

Để khẳng định một loại sữa có thực sự tốt cho trẻ hay không thì chúng ta nên lấy sữa mẹ làm căn cứ quy chuẩn. Trong sữa mẹ có chứa rất nhiều thành phần dưỡng chất. Có thể tạm phân các thành phần trong sữa mẹ theo tác dụng sinh học thành 2 nhóm chính như sau: các thành phần dinh dưỡng và các thành phần giúp tăng sức đề kháng, trí tuệ... Khi chọn sữa cho bé phải chú ý đến cả 2 nhóm này:

- Nhóm thứ nhất gồm có các dưỡng chất cung cấp năng lượng chuyển hóa (chất béo, chất đạm, chất bột đường), nước, khoáng chất, yếu tố vi lượng, vitamin... Hầu hết các loại sữa bột hiện nay đều chế tạo từ sữa bò và đều có nhóm dưỡng chất này, nhưng để phù hợp với khả năng tiêu hóa của bé, nên chọn sữa có thành phần dinh dưỡng được điều chỉnh càng gần với tiêu chuẩn sữa mẹ càng tốt, chẳng hạn như: chất đạm (1,1g/100ml, tỷ lệ đạm whey:casein là 60:40, đạm sữa được thủy phân thành những chuỗi ngắn); chất béo (4,2g/100ml, các acid béo chuỗi dài không no chiếm khoảng 14%); nhiều gốc đường cao phân tử (0,5g/100ml, đặc biệt chú ý đến GOS – loại oligosaccharide chỉ có trong sữa mẹ);... các thành phần dinh dưỡng cơ bản này nếu cao hơn chuẩn thì khó hấp thụ, thấp hơn chuẩn thì không đảm bảo nhu cầu cho trẻ.

- Nhóm thứ hai đóng vai trò vô cùng ý nghĩa đối với sự phát triển trí não, hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa, cơ xương,... của trẻ. Có thể kể đến một số dưỡng chất đã khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như: DHA, ARA, omega 3, omega 6, taurin, cholin, nucleotides... Trong sữa mẹ, bên cạnh những thành phần kể trên, còn có các yếu tố hỗ trợ chức năng não bộ: sphingomyelin (SM), phosphatidylserin (PS)... yếu tố tăng cường miễn dịch chống nhiễm khuẩn: lactoferrin, ganglioside, lactadherin, GOS, lactulose, galactosyllactose... yếu tố tăng cường chuyển hóa acid béo chuỗi dài (L-carnitin), yếu tố tăng cường hấp thụ chuyển tải canxi, giúp xương chắc khỏe như: caseinphosphopeptid (CPP), alpha-lactalbumin,... Hiện nay, sữa bột chứa nhóm thứ hai chưa có nhiều ở thị trường Việt Nam.

Chỉ khi kết hợp đầy đủ và hài hòa giữa 2 nhóm dưỡng chất này mới có thể tạo thành một công thức sữa tối ưu.

PGS. TS Nguyễn Thị Lâm
(Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia)