Lời giải cho “bài toán khó” ngành gây mê hồi sức

(Dân trí) - Cách đây 20 năm, theo thống kê quốc tế, tỉ lệ biến chứng của GMHS (GMHS) là 1/ 10.000 ca gây mê nhưng hiện đã giảm tới 20 lần. Như vậy tỉ lệ 1/20.000 ca là cực kỳ an toàn ở nước ngoài.

Trong khi đó, ở Việt Nam, hiện chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo các chuyên gia đầu ngành, tỉ lệ này có giảm nhưng chưa đạt mức an toàn.

Quá ít bác sĩ theo đuổi ngành GMHS

Nhân lực y tế chuyên môn cao trong lĩnh vực GMHS tại Việt Nam đang thực sự là 1 thách thức khi số lượng đang ít hơn so với các nước trong khu vực tới 3-4 lần.

Cụ thể, theo số liệu của Hội GMHS Việt Nam, số lượng bác sĩ gây mê trên toàn quốc ước tính là 1.000 người, chiếm tỷ lệ trên dân số là 1/96.491.Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Singapore (1/24.748) và Phillipines (1/28.118).

Chỉ tính riêng tại bệnh viện Việt Đức, với 50 phòng mổ nhưng chỉ có 40 bác sĩ GMHS. “Như vậy là rất ít”, GS.TS. Nguyễn Quốc Kính - Phó chủ tịch Hội GMHS Việt Nam đánh giá.

Thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của tình trạng “hụt” số lượng này, GS.TS. Quốc Kính cho biết: “Cản trở thứ nhất đó là động lực để người ta xin vào khoa GMHS. GMHS rất khó, học rất lâu (10-11 năm) và những động lực khác cũng không có nhiều bằng những chuyên khoa khác”. Trong khi ở nước ngoài, GMHS là một ngành được rất nhiều người ưa chuộng gần như là hàng đầu.

Chất lượng đào tạo cần được chú trọng hơn

Có 3 lý do tạo nên sự thành công ngoạn mục của ngành GMHS thế giới trong 20 năm qua. Đó là tiến bộ về dược phẩm, thuốc men; 2 là về phương tiện, công cụ, máy móc tốt; 3 là tạo ra hành lang pháp lý tốt và chất lượng đào tạo.

Tại Việt Nam, các bác sĩ đánh giá dược phẩm của chúng ta như nước ngoài, trang thiết bị một số bệnh viện cũng rất tốt. Vậy vấn đề còn lại là tổ chức luật, đào tạo trong đó có thời gian đào tạo và thực hành lâm sàng.

Ví như, về thời gian đào tạo, nếu trên quốc tế, để trở thành 1 bác sĩ GMHS sẽ mất khoảng 10-11 năm học tập thì ở Việt Nam, chỉ cần 9 năm hoặc thậm chí 7 năm là có thể đảm nhiệm công việc này. Cùng với đó là khoảng trống trong việc cung cấp môi trường chăm sóc, điều trị y tế mô phỏng – nơi sẽ hỗ trợ các sinh viên, bác sĩ có thể học kiến thức, kỹ năng cá nhân và làm việc nhóm để giải quyết các tình huống lâm sàng giả định một cách thành thục, tránh tối đa các sai sót khi điều trị thực tế trên bệnh nhân.

các bác sĩ thao tác trên máy tính

Phòng huấn luyện mô phỏng Gây mê Hồi sức đặt tại Khoa Gây mê Hồi Sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Trên thực tế, năm 2016, Phòng thực hành tiền lâm sàng mô phỏng trong GMHS đầu tiên đã được thành lập đặt tại bệnh viện Việt Đức năm 2016 và mới đây nhất (29/5) Phòng huấn luyện mô phỏng Gây mê Hồi sức đặt tại Khoa Gây mê Hồi Sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM do GE Healthcare cùng VietMedical và Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh hợp tác thành lập.

Cam kết hỗ trợ bệnh viện trong công tác đào tạo GMHS, GE Healthcare sẽ hỗ trợ chuyên gia nhằm giúp xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức các khoá đào tạo đạt chuẩn thực hành quốc tế trong GMHS. Ngoài ra, mỗi quý GE Healthcare cũng sẽ đưa 2 cán bộ nòng cốt sang học tập ở Singapore nhằm hình thành đội ngũ “huấn luyện viên” cho phòng huấn luyện.


Ông Nilesh Shah, Tổng Giám đốc ngành hàng thiết bị điều trị, GE Healthcare khu vực Châu Phi, Đông Nam Á và Nam Á, GE Healthcare

Ông Nilesh Shah, Tổng Giám đốc ngành hàng thiết bị điều trị, GE Healthcare khu vực Châu Phi, Đông Nam Á và Nam Á, GE Healthcare

“Với kì vọng đóng góp cho ngành y tế Việt Nam thông qua đào tạo nguồn nhân lực, chúng tôi mong muốn xây dựng Phòng huấn luyện mô phỏng Gây mê Hồi sức trở thành nơi không chỉ các bác sĩ trong nước mà cả ở khu vực có thể đến nghiên cứu, trao đổi và thực hành”, ông Nilesh Shah, Tổng Giám đốc ngành hàng thiết bị điều trị, GE Healthcare khu vực Châu Phi, Đông Nam Á và Nam Á, GE Healthcare cho biết.

Về phía VietMedical, công ty phân phối thiết bị y tế chính thức của GE Healthcare, tài trợ gói trang thiết bị bao gồm hệ máy gây mê, máy theo dõi bệnh nhân và hệ thống theo dõi trung tâm, máy thở, máy điện tim và hệ thống thiết bị mô phỏng cao cấp. Đây là hệ thống các thiết bị hiện đại bậc nhất hiện nay.

Có thể thấy việc hướng tới đào tạo mô phỏng theo chuẩn thực hành quốc tế là đòi hỏi tất yếu đối với các trung tâm đào tạo lớn tại Việt Nam, góp phần giảm thiểu các tai biến do gây mê trong thời gian qua.

Ngân Hà