Hiểu và xử trí khi thai phụ bị viêm gan siêu vi B

Một số bà mẹ hiện khá hoang mang không biết nếu nhiễm viêm gan siêu vi B (VGSV B) thì có nên sinh con hoặc có thể lây sang thai nhi không…? BS Đặng Thị Đông Phương, Chuyên khoa Nội tiêu hóa gan mật, PK chuyên khoa gan Á Châu sẽ giải đáp về vấn đề này

Hiểu và xử trí khi thai phụ bị viêm gan siêu vi B

Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết những nguy cơ tiềm tàng đối với phụ nữ mang thai khi nhiễm viêm gan siêu vi B?

Khi mang thai thì sức đề kháng của phụ nữ rất thấp do đó khi bị nhiễm bệnh sẽ dễ dẫn đến bệnh nặng hơn và tử vong cao hơn do suy gan cấp hoặc tối cấp và nếu hồi phục thì cũng dễ diễn tiến mạn tính hơn người thường. Chưa kể là rất nguy hiểm cho bào thai (dể sẩy thai, dọa sinh non hoặc thai chết lưu) khi đang trong đợt viêm gan cấp.

Phụ nữ có nên xét nghiệm viêm gan loại B nếu có thai hay không?

Phụ nữ có thai nên được xét nghiệm VGSV B để phát hiện sớm các trường hợp mẹ bị nhiễm virus viêm gan B mạn tính. Ngày nay nhờ tiêm ngừa sớm các mũi vaccine thụ động và chủ động mà hơn 90% trường hợp trẻ sinh ra có mẹ bị VGSV B được bảo vệ hoàn toàn khỏi virus.

Khi phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B có ảnh hưởng đến thai hay không?

Lây nhiễm VGSV B từ mẹ sang con đa số xảy ra trong thới kỳ chu sinh hoặc những tháng đầu sau sinh. Tỷ lệ lây nhiễm VGSV B từ mẹ truyền sang cho con là từ 10-40% nếu mẹ có HbeAg (-) và 95% nếu mẹ có HbeAg (+). Gần đây, nồng độ HBV DNA cao trong máu mẹ được coi là yếu tố nguy cơ lây nhiễm chu sinh mặc dù đã được dự phòng đầy đủ. Trẻ bị nhiễm bệnh từ bé thì 70- 90% sẽ diễn tiến sang dạng mang virus mạn tính và nguy cơ xơ gan và ung thư gan sẽ rất cao và xảy ra sớm hơn

Hiểu và xử trí khi thai phụ bị viêm gan siêu vi B
 
Hiểu và xử trí khi thai phụ bị viêm gan siêu vi B

Người vợ bị viêm gan siêu vi B nếu sau này lập gia đình mà chồng có tiêm phòng bệnh, vậy đứa bé sinh ra có bị không?

Vợ bị bệnh VGSV B, chồng đã có tiêm ngừaVGSV B rồi thì sẽ không bị lây bệnh. Nhưng con cái sẽ vẫn có nguy cơ lây bệnh từ mẹ chúng. Ngược lại, nếu chồng bệnh, vợ đã được tiêm ngừa thì vợ sẽ không bị lây bệnh và con cái sẽ không bị lây bệnh từ mẹ chúng

Nếu bị viêm gan loại B, làm thế nào để bảo vệ cho trẻ sơ sinh?

Nếu mẹ không may bị nhiễm VGSV B, thì tùy vào giai đoạn bệnh và nồng độ virus mà sẽ có hướng cụ thể để bảo vệ cho bé như dùng thuốc diệt virus vào 3 tháng cuối thai kỳ, tiêm ngừa 2 mũi thụ động và chủ động cho bé ngay lúc sinh ra, không cho bú mẹ…

Tại sao trẻ sơ sinh cần được chủng ngừa ngay trong phòng sinh?

Trẻ sơ sinh cần được chủng ngừa ngay trong phòng sinh nhằm trung hòa (tiêu diệt) lượng virus từ mẹ xâm nhập vào con lúc sinh. Mũi tiêm ngừa này là mũi tiêm ngừa thụ động cần tiêm càng sớm càng tốt ngay sau sinh để bảo vệ cho bé khỏi bị virus tấn công. Mũi thứ 2 là mũi chủ động nhằm giúp bé tự tạo kháng thể chống lại virus thì có thể tiêm trể hơn. Sau đó bạn phải cho bé đi chích ngừa các mũi còn lại theo chương trình quốc gia.

Hiểu và xử trí khi thai phụ bị viêm gan siêu vi B

Có viruts viêm gan B trong người khi sinh con nên mổ hay tự sinh?

Không có sự khác biệt về tỷ lệ lây nhiễm giữa bà mẹ bị viêm gan B sinh mổ và sinh thường. Do đó bà mẹ VGSV B vẫn có thể sinh thường như những bà mẹ khác

Người mẹ bị viêm gan B có thể cho con bú không?

Mẹ bị VGSV B vẫn có thể cho con bú nếu như mẹ mang virus không hoạt động

Thưa bác sĩ việc điều trị viêm gan B khi mang thai như thế nào?

Phụ nữ đang điều trị VGSV B mà có thai thì tùy tình trạng sẽ có hướng giải quyết cụ thể. Thông thường thì sẽ ngưng thuốc vào những tháng đầu thai kỳ, theo dõi sát và dùng lại thuốc vào các tháng cuối để giảm tối đa lượng virus xâm nhập vào bé khi sinh

Lời khuyên của bác sĩ dành cho các chị em khi chuẩn bị mang thai?

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên tiêm ngừa VGSV A, B, Rubela trước khi mang thai nhằm đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở an toàn để mẹ tròn con vuông.

Chân thành cám ơn bác sĩ đã những chia sẽ hữu ích.

Độc giả có nhu cầu được tư vấn trực tiếp có thể liên hệ bác sĩ  Đông Phương theo địa chỉ:

Phòng khám chuyên khoa Gan Á Châu , 201 Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Cư Trinh, Q1, Tp. HCM. Điện thoại:  (08) 3925 9771  - 3925 9772