Hải Phòng: Nỗi niềm những thầy thuốc nhiều năm bám đảo tiền tiêu

(Dân trí) - Họ đến với đảo, chấp nhận mọi khổ cực, vất vả, thiếu thốn… nơi đầu sóng ngọn gió vì hơn bao giờ hết họ biết người bệnh đang rất cần họ. Và chính từ những ngày tháng gian khó ấy, một tình yêu đặc biệt với hòn đảo này đã nảy sinh trong họ, đó cũng chính là động lực để họ tiếp tục kiên cường bám đảo.

So với lượng bệnh nhân đến khám và cứu chữa thì Trung tâm YTQDY còn quá chật chội
So với lượng bệnh nhân đến khám và cứu chữa thì Trung tâm YTQDY còn quá chật chội

Anh quân y gần 20 năm gắn bó với đảo

Tốt nghiệp trường Trung cấp quân y 1 với chuyên ngành dược vào năm 1997, Dược sĩ quân y Đỗ Văn Thức khi ấy với cấp bậc chuẩn úy được cấp trên điều động về công tác tại Bệnh xá thuộc Trung đoàn E 952, đóng tại đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ.

Hăm hở vác ba lô lên đường vì đối với một Dược sĩ quân y còn trai trẻ, chưa vướng bận gia đình thì quyết định của cấp trên vừa là sự động viên để phát huy những gì được đào tạo trong trường và đồng thời cũng là một mệnh lệnh.

Thiếu phòng nên bác sĩ, y sĩ...của Trung tâm phải ở ghép
Thiếu phòng nên bác sĩ, y sĩ...của Trung tâm phải ở ghép

Hăm hở là thế, tư tưởng cũng xác định rất rõ ràng nhưng khi rời tàu bước xuống đảo Dược sĩ Thức vẫn ngỡ ngàng bởi đảo lúc này cư dân rất thưa thớt, chủ yếu là có bộ đội và thanh niên xung phong. Dược sĩ Thức kể, lính mới, những ngày đầu chưa quen nhớ nhà, nhớ đất liền nên ai cũng buồn, nhất là những lúc chiều tà. Nhưng rồi khi nhận nhiệm vụ khá vất vả, một mình phụ trách toàn bộ việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, cấp phát thuốc… của Trung đoàn khiến Dược sĩ Thức chẳng có thời gian mà buồn chán. “Rồi thời gian trôi đi, niềm vui từ công việc, sự quan tâm từ cấp trên, đồng đội, sự đùm bọc của bà con là cư dân đảo khiến trong tôi nảy sinh một tình cảm với hòn đảo này đặc biệt hơn ở đất liền”, Dược sĩ Thức nói.

Và cũng chính bằng tình yêu đảo đặc biệt ấy, năm 2.000 sau khi xây dựng gia đình, Dược sĩ Thức tiếp tục trở lại đảo, bám đảo, để lại đất liền người vợ trẻ vì lý do phải chăm sóc mẹ già nên không thể ra đảo cùng chồng. Và rồi ngay cả khi vợ có bầu cho đến lúc sinh con Dược sĩ Thức cũng không có mặt bên cạnh được.

Dược sĩ Thức chia sẻ thêm, năm 2016, khi Trung tâm y tế Quân dân y (Trung tâm YTQDY) ra đời trên cơ sở kết hợp toàn diện giữa Bệnh xá Quân y và Bệnh viện Đa khoa huyện Bạch Long Vĩ, Dược sĩ Thức vẫn là người phụ trách toàn bộ mảng dược tại Trung tâm, số lượng bệnh nhân lúc này đông hơn, công việc cũng bận bịu nên khoảng 6 tháng anh mới về thăm nhà một lần. Và đến hôm nay đã gần 20 năm anh bám đảo.

Mặc dù con thiếu thốn trăm bề nhưng tập thể y, bác sĩ tại Trung tâm luôn nỗ lực giành lại sự sống cho bệnh nhân
Mặc dù con thiếu thốn trăm bề nhưng tập thể y, bác sĩ tại Trung tâm luôn nỗ lực giành lại sự sống cho bệnh nhân

Trò chuyện với chúng tôi bên hành lang Trung tâm YTQDY trước lúc đi cấp phát thuốc vào sáng nay (10/2), Dược sĩ Thức bây giờ đã cấp bậc Đại úy trải lòng, để có được những gì hôm này cả huyện đảo đã cùng vào cuộc, cùng nỗ lực cố gắng để vượt qua mọi khó khăn. Tuy nhiên hiện tại Trung tâm vẫn còn thiếu thốn nhiều, cơ sở hạ tầng chật chội, bác sĩ, điều dưỡng… vẫn phải ở ghép; trang thiết bị cũng cần phải đầu tư, phương tiện đi lại khó khăn…

Cô điều dưỡng nhiều năm tình nguyện trực để đồng nghiệp về đất liền ăn tết

So với Dược sĩ Thức thì thâm niên bám đảo của chị Nguyễn Thị Bích, điều dưỡng tại Trung tâm YTQDY mới chỉ hơn 5 năm. Thế nhưng chị lại được các y sĩ, bác sĩ trong trung tâm cảm mến bởi đức tính cần mẫn, tận tình chăm sóc bệnh nhân và luôn vì đồng nghiệp.

Từ trái sang là bác sĩ Nguyễn Đức Quân (phụ trách Trung tâm), Dược sĩ Thức và Điều dường Bích, nhưng người một lòng bám đảo
Từ trái sang là bác sĩ Nguyễn Đức Quân (phụ trách Trung tâm), Dược sĩ Thức và Điều dường Bích, nhưng người một lòng bám đảo

Chúng tôi gặp chị Bích khi chị đang chăm sóc cho một ngư dân vừa vào viện và phải thuyết phục mãi chị mới chịu kể câu chuyện vì tình yêu với người lính đảo mà chị kết hôn rồi theo chồng ra đảo. Chị kể, ngày biết chị yêu anh, một người lính đóng quân trên đảo Bạch Long Vĩ, gia đình, bạn bè chị đều tỏ ra e ngại, sợ chị khổ. Rồi chính chị cũng thấm nỗi buồn khi nhiều bạn bè chị cuối tuần có người yêu đưa đón, ốm đau có người yêu chia sẻ, ngày lễ có người yêu tặng hoa…trong khi người lính đảo của chị, một năm may ra được về nhà nhiều là 2 lần. Thế nhưng tình yêu đã vượt lên tất cả, sau 3 năm yêu nhau, năm 2011 anh cùng chị đã quyết định về chung một nhà và ngay sau ngày cưới không lâu, chị đã gói gém hành trang mạnh dạn theo chồng ra đảo.

“Ra đảo mình về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Bạch Long Vĩ nay là Trung tâm YTQDY, những ngày đầu khá khó khăn, phần nhớ nhà, phần đặc thù công việc ở đảo cũng khác. Nhất là khi sinh con, tủi thân vô cùng vì không có người thân hai bên gia đình ở bên cạnh. Thế nhưng nhờ sự tận tâm, đùm bọc của đồng nghiệp và nhờ sự động viên của chồng, mình đã vượt qua tất cả. Mong ước lớn nhất của mình bây giờ là bệnh viện có thêm nhân lực, có thêm các bác sĩ chuyên khoa...để kịp thời cứu chữa những ca bệnh hiểm nghèo. Đảm bảo tính mạng cho người bệnh.”, chị Bích chia sẻ.

Khi được hỏi về chuyện chị nhiều năm trực để anh em trong Trung tâm về ăn tết trong đất liền chị Bích cười rất hiền và nói, có gì to tát đâu, mình chia sẻ với anh em cũng là thường tình, chỉ là động viên nhau để có thêm tinh thần cùng bám đảo.

Bác sĩ Nguyễn Đức Quân, giám đốc TTYTQDY cũng chia sẻ, dù còn muôn vàn khó khăn, thiếu thống nhưng tập thể y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm…vẫn luôn động viên, sát cánh cùng nhau để nỗ lực khám chữa bệnh, cấp cứu kịp thời và trên thực tế đã phẫu thuật thành công cho rất nhiều ca hiểm nghèo, cứu sống nhiều người bệnh đã cận kề cửa tử.

Hải Sâm