GS Tôn Thị Kim Thanh: “Bác sỹ phải là người “thày” thuốc, chứ không phải “thợ” thuốc”
Là người tiên phong trong việc mở phòng khám dịch vụ tại miền Bắc, GS Tôn Thị Kim Thanh đã gặp rất nhiều khó khăn.
Cuộc đời và sự nghiệp – Con đường trở thành Người thày thuốc Nhân dân
GS có thể chia sẻ những khó khăn ban đầu trên con đường trở thành Người thày thuốc Nhân dân của mình không ạ?
Thời chúng tôi bước vào đại học y là giai đoạn chiến tranh, trường phải sơ tán lên Bắc Thái. Tuy vậy nhà trường vẫn tạo điều kiện được thực tập đầy đủ. Chúng tôi thực tập ở các bệnh viện huyện, tiếp xúc với những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa hết sức khó khăn, đang giai đoạn học nhưng nhiều bác sĩ đã tốt nghiệp sớm để vào miền Nam chiến đấu, nhiều bạn học của chúng tôi đã hi sinh ở chiến trường miền Nam.
Khi ra trường được công tác tại bệnh viện Mắt TW và viện cũng phải sơ tán tới nhiều cơ sở. Chúng tôi thành lập những đội đi mổ mộng, mổ quặm phòng chống bệnh mắt hột với trang thiết bị hết sức thiếu thốn. Nhưng bù lại, chúng tôi được nhân dân hết sức tin yêu. Đội đi đến xã nào nhân dân cũng chờ đợi, có khi phải mổ đến 9- 10h đêm và dùng đèn măng-xông để mổ.
Chắc hẳn trong cuộc đời bác sỹ của mình, bà đã có được những kỷ niệm không thể quên?
Tôi cảm thấy mình may mắn bởi từ khi trở thành bác sỹ y khoa, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm gắn liền vào sự nghiệp phát triển chuyên môn.
Năm 1972, khi sơ tán tại Phúc Thọ, tôi được phân công mổ một ca đục thủy tinh thể cho một bà cụ 68 tuổi. Ca mổ thành công.
Sáng hôm sau đi thay băng, tôi thấy bà cụ khóc nức nở, hỏi ra thì biết rằng bà cụ đã bị mù 3 năm tưởng không chữa được. Sáng nay bà mở “trộm” băng ra và đã nhìn thấy con cháu nên quá vui sướng. Điều này làm cho tôi thêm yêu nghề và luôn muốn được học hỏi để làm tốt hơn cho bệnh nhân.
Được biết, GS là người đi tiên phong trong việc mở dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu vào đầu những năm 90. Những khó khăn GS đã gặp phải trong việc mở dịch vụ này?
Khi mới lên làm viện trưởng được 1 năm (1996) thì bắt đầu có chế độ thu viện phí. Khi đó Viện bắt đầu đông bệnh nhân dần lên và nhu cầu khám chữa bệnh tăng thêm. Viện bắt đầu tổ chức các phòng khám ngoài giờ được bệnh nhân rất hoan nghênh, sau đó phát triển thêm dịch vụ theo yêu cầu (kể cả phẫu thuật) vừa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân, vừa tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên.
Cái khó lớn nhất là nhu cầu bệnh nhân ngày càng tăng nên việc tổ chức các hoạt động dịch vụ là điều cần thiết như do tình hình nhân lực phải biết sắp xếp hợp lý và động viên để mọi người đồng lòng mới làm được.
Tất cả các quyết định phải bắt nguồn từ thực tế nhu cầu của bệnh nhân. Thí dụ nếu thấy 5 bàn khám mà bệnh nhân phải chờ đợi lâu thì nhanh chóng mở 6, 7 bàn. Nếu đến 19h còn bệnh nhân thì phải kéo dài thời gian khám đến 20 giờ, 21 giờ…
Sự ra đời của phòng khám chữa bệnh như thế này có khiến các bệnh nhân nghèo mặc cảm không?
Các dịch vụ khám chữa bệnh khi mở ra đều để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và trên thực tế nếu so sánh về mức giá cả thì sự chênh lệch không nhiều, chỉ là phòng khám ngoài giờ hành chính, tiện lợi hơn cho người dân. Vì vậy mọi người đều có thể đến khám chữa bệnh, vấn đề là chất lượng phục vụ sẽ nâng cao uy tín của từng phòng khám.
Tình hình các bệnh về mắt tại Việt Nam
Theo Giáo sư, tình hình các bệnh về mắt tại Việt Nam hiện nay như thế nào? Và nguyên nhân của các bệnh này là gì?
Theo số liệu gần đây nhất của Bệnh viện Mắt TW thì tỷ lệ mù lòa của Việt Nam hiện nay là 0,47%. Nguyên nhân hàng đầu là do đục thủy tinh thể, sau đó đến glocom, các bệnh đáy mắt, các bệnh nhiễm trùng….
Một số bệnh nhân do không được tư vấn đầy đủ nên việc giữ gìn vệ sinh lao động còn kém dẫn đến chấn thương mắt, viêm loét giác mạc,… Đôi khi, bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn nên việc điều trị rất khó khăn. Lạm dụng thuốc (ví dụ như cortison kéo dài) cũng là một nguyên nhân cần được lưu ý.
Ngoài ra, hiện nay, rất nhiều người, đặc biệt là các em học sinh – sinh viên, do phụ thuộc nhiều vào công nghệ như xem tivi, máy tính, điện thoại, … nên bị mắc các tật khúc xạ về mắt (cận, loạn thị).
Vậy làm sao để cải thiện tình hình trên?
Tôi nghĩ, ngành nhãn khoa nên tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hơn nữa để mọi người quan tâm đến việc chăm sóc mắt.
Với các bạn học sinh sinh viên, nếu bị cận, loạn thị nhẹ thì có thể làm giảm nhẹ độ bằng cách thay đổi thói quen học tập và làm việc. Ngoài ra, các bạn cũng có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật lasik (bào mòn giác mạn bằng laser) để có thể chữa khỏi các tật này.
Tuy nhiên, cho dù là khám chữa hay phải phẫu thuật thì các bạn cũng cần chú ý lựa chọn những phòng khám hay bệnh viện có uy tín.
GS có kế hoạch cá nhân hay liên quan đến sự nghiệp trong thời gian sắp tới không?
Dù đã nghỉ hưu, nhưng vì còn “nặng duyên” nên tôi vẫn tiếp tục theo nghề. Tôi cũng không có kế hoạch gì quá to lớn cả, mà chỉ mong được khỏe mạnh, để có thể cống hiến hết sức mình, cứu chữa cho các bệnh nhân không may mắn mà thôi.
Sự nghiệp của GS Tôn Thị Kim Thanh – Người thày thuốc Nhân dân - Năm 1971 tốt nghiệp đại học y Hà Nội (khóa 1965 – 1971) Công tác tại bệnh viện Mắt TW - 1981 – 1985: Nghiên cứu sinh viện hàn lâm y học Bungary (xophia) - 1986: Trưởng khoa mắt trẻ em, trưởng phòng đào tạo nghiên cứu khoa học. - 1992: Phó viện trưởng bệnh viện mắt TW - 1995: Viện trưởng viện mắt TW, trưởng bộ môn mắt đại học Y Hà Nội - 10/2007: Nghỉ hưu - 2009: Thành lập bệnh viện mắt Ánh Sáng, giám đốc Bệnh viện Mắt Ánh Sáng |