Điều trị yếu kém, bệnh nhân ung thư "cầm chắc" cái chết
(Dân trí) - Môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm chứa hóa chất độc hại, lối sống thiếu lành mạnh đang tạo điều kiện cho căn bệnh ung thư hủy diệt sự sống của con người. Bị ung thư đã khổ nhưng điều trị bệnh càng khổ hơn vì dịch vụ y tế chưa đủ sức đáp ứng.
Bệnh ung thư hiện đang là mối lo ngại lớn với sức khỏe cộng đồng ở các nước đang phát triển trong thế kỷ 21. Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 11 triệu trường hợp mắc mới và khoảng 6 triệu người chết do ung thư. Ung thư hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai sau bệnh tim mạch.
Tại Việt Nam, “bóng ma” ung thư đang trở thành thảm họa đối với cộng đồng. Hiện tỷ lệ mắc mới các loại ung thư gan, phổi, vú, cổ tử cung, trực tràng, dạ dày… đang tăng nhanh. Thống kê của ngành y tế cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 150.000 ca mắc mới, 75.000 bệnh nhân tử vong do ung thư, xuất độ chung của tất cả các loại ung thư ở cả 2 giới Nam và Nữ tăng trung bình 5,4% mỗi năm.
Ước tính năm 2020 trên cả nước sẽ có khoảng 190.000 ca ung thư mắc mới. Nguyên gia tăng căn bệnh nguy hiểm xác định là do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thực phẩm không an toàn và ô nhiễm môi trường, lối sống thiếu lành mạnh và đời sống kinh tế của nhiều gia đình còn gặp khó khăn.
Căn bệnh ung thư không chỉ gây ra gánh nặng lớn cho gia đình người bệnh mà còn là gánh nặng đối với các bệnh viện có chuyên khoa ung bướu. Xét riêng tại TPHCM hiện nay tình trạng quá tải tại bệnh viện Ung Bướu ngày càng trở nên trầm trọng, bệnh nhân phải nằm dưới gầm giường, tràn ra hành lang nhưng vẫn không đủ chỗ.
Để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng lớn của người bệnh, từ năm 2015 Trung tâm Ung bướu bệnh viện Chợ Rẫy đã đi vào hoạt động với khả năng đáp ứng cho 800 đến 1.000 bệnh nhân khám, điều trị mỗi ngày. Hơn 2 năm đi vào hoạt động, trung tâm hiện cũng đang trong tình trạng quá tải.
Phân tích của PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy chỉ ra: tình trạng quá tải bệnh nhân ung thư là do, phần lớn bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở chỉ đạt khoảng 40% ở nữ và 33% ở nam.
Theo quy chế công tác khoa ung bướu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành năm 2003, một khoa ung bướu hoàn chỉnh phải bao gồm 4 đơn vị: Phẫu thuật, Xạ trị, Hóa trị, Chống đau và chăm sóc triệu chứng. Tuy nhiên, trên thực tế số khoa ung bướu trong hệ thống y tế đạt quy chế này rất ít (dưới 10%).
Quan trọng hơn, vấn đề năng lực của hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư cả về số lượng cũng như về chất lượng. Đặc biệt, hệ thống hóa trị, xạ trị của một số cơ sở điều trị ung bướu hiện đã cũ, lạc hậu nên thường xuyên phải bảo trì, bảo dưỡng trong khiến người bệnh có chỉ định điều trị phải xếp hàng chờ đợi, nhiều người đã vĩnh viễn ra đi khi chưa đến lượt chạy chữa.
Nhằm kéo giảm tình trạng quá tải, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh, nhờ nguồn viện trợ của Chính phủ Áo, ngày 4/4 Trung tâm Ung Bướu bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa vào sử dụng hệ thống máy gia tốc Elekta Versa HD. Đây là hệ thống tiên tiến trên thế giới lần đầu tiên được trang bị tại Việt Nam.
PGS Nguyễn Trường Sơn kỳ vọng, hệ thống máy gia tốc sẽ rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh, tăng số lượt xạ trị bệnh nhân trong ngày. Bên cạnh đó, hệ thống máy gia tốc cũng sẽ tăng khả năng ứng dụng nhiều kỹ thuật xạ phẫu/xạ trị mới hiện chưa được triển khai tại Việt Nam, đồng thời tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ thường có của xạ trị.
Vân Sơn