Đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho trẻ dịp Trung thu

Bánh Trung thu ngập tràn phố phường khiến không ít người tiêu dùng băn khoăn trong việc lựa chọn và cho trẻ nhỏ sử dụng sao cho đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm để tận hưởng một mùa Trung thu trọn vẹn tình thân và an toàn.

Hiểu được sự lo lắng của các ông bố bà mẹ nói riêng và người tiêu dùng nói chung, các chuyên gia dinh dưỡng của Phòng khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh chia sẻ rằng: “Khi lựa chọn bánh trung thu, đặc biệt là bánh cho các em nhỏ, các bậc phụ huynh cần lưu ý đến thành phần các nguyên liệu tạo ra bánh, hạn sử dụng của bánh và đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nhằm đảm bảo độ dinh dưỡng hợp lý và sự an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối cho trẻ nhỏ”.

Khu vực vui chơi của bé tại phòng khám

Khu vực vui chơi của bé tại phòng khám

Thành phần dinh dưỡng của bánh Trung thu có những gì?

Nếu trước đây, thị trường chỉ có bánh nướng và bánh dẻo nhân thập cẩm thì ngày nay các nhãn hiệu bánh Trung thu tung ra vô vàn các loại bánh khác nhau đa dạng từ kiểu dáng đến thành phần bên trong (bánh gà quay, bánh lạp xưởng, bánh bào ngư, bánh vi cá, trứng muối... đến bánh khoai môn, bánh đậu xanh, đậu đỏ, trà xanh, lá dứa…)

Theo các chuyên gia dinh dưỡng của Phòng khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh cho biết, xét về mặt dinh dưỡng, bánh Trung thu không có nhiều giá trị dinh dưỡng đối với trẻ nhỏ do thành phần dinh dưỡng không cân đối. Thành phần chủ yếu của bánh Trung thu là đường, trừ một số loại bánh ăn kiêng, đường ngoài tạo hương vị đặc trưng còn là một biện pháp giúp bảo quản bánh Trung thu được lâu hơn.

Lượng bột đường của một chiếc bánh dẻo trung bình bằng 4 bát cơm, còn bánh nướng bằng 2,5 bát cơm, lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Nếu ăn quá nhiều, ở trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucose có thể gây ra tiểu đường. Còn ở trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, và càng làm trẻ chán ăn, thêm suy dinh dưỡng. Lượng đường quá cao, ở dạng đường mía sucrose cũng là nguy cơ gây sâu răng ở trẻ.

Ngoài ra, trong bánh Trung thu còn chứa chất béo, ngoài trừ chất béo trong hạt dưa, hạt điều, vừng có chứa axit béo không no có lợi cho sức khỏe, còn lại là chất béo no từ thịt mỡ...có thể gây hại cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, lượng chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật nếu bảo quản không tốt dễ gây ra ngộ độc thực phẩm cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Vì vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ càng trong việc lựa chọn bánh Trung thu và sử dụng bánh Trung thu một cách điều độ, phù hợp.

Vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ vô cùng quan trọng

Vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ vô cùng quan trọng

Cách chọn và cho bé ăn bánh Trung thu hợp lý

Trước hết, cần phải lựa chọn loại bánh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chế biến đến vận chuyển và bảo quản. Các bố mẹ nên chọn mua bánh cho bé từ những cửa hàng uy tín, tin cậy, đạt tiêu chuẩn sản xuất tốt, có giấy phép của cơ quan y tế.

Bên cạnh đó, bố mẹ không nên chọn mua những loại bánh nhân mới lạ cho bé mà chỉ nên chọn cho bé bánh Trung thu cơ bản như bánh nhân đậu xanh, bánh nhân đậu đỏ…để bé làm quen dần với hương vị của ngày Tết Trung thu.

Các chuyên gia của Phòng khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh cũng cho biết, do thành phần của bánh Trung thu chứa nhiều đường, chất béo, đạm động vật nên bố mẹ chỉ nên cho bé ăn một miếng góc tám sau khi ăn cơm là đủ. Đối với trẻ nhỏ đang lứa tuổi ăn bột/cháo thì không được ăn bánh Trung thu. Trẻ ngoài 2 tuổi mẹ có thể cho bé tập ăn chút bánh Trung thu vào bữa ăn phụ, sau đó cho uống sữa hay ăn sữa chua, quả chín... Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày và trừ bớt khẩu phần ăn nếu ăn bánh. Nếu ăn ½ bánh dẻo hoặc 1/3 cái bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng 1 chén cơm và lượng thức ăn tương ứng của chén cơm đó, đồng thời tăng lượng rau lá để kéo bớt chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh.

Một số lưu ý về thành phần dinh dưỡng và cách sử dụng bánh Trung thu cho bé trên đây sẽ giúp các bố mẹ và bé đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Trung thu này cho bé.

Nhằm cung cấp đủ kiến thức về dinh dưỡng cho các bậc phụ huynh, nhân dịp Trung thu, Phòng khám dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội tổ chức chương trình “Trung thu cho em– Khám và tư vấn dinh dưỡng miễn phí 100% cho trẻ nhỏ và bà mẹ đang mang thai hoặc cho con bú trong 3 ngày 14/9, 15/9 và 16/9/2013. Đồng thời, Phòng khám Dinh dưỡng cũng tổ chức chương trình từ thiện, vui trung thu“Đượm tình trăng rằm Tràn Antại Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ Khuyết tật và Mồ côi Tràng An, Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội. Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ số điện thoại 0432595938 để được giải đáp.