Đái tháo đường: Mối quan ngại về sức khỏe và kinh tế

Đái tháo đường (“ĐTĐ”) hay tiểu đường là bệnh mạn tính, gây ra những biến chứng nặng nề và là gánh nặng khủng khiếp về chi phí điều trị của người bệnh. Hiện nay, Việt Nam được xem là quốc gia có tỷ lệ gia tăng người mắc bệnh ĐTĐ nhanh nhất trên thế giới.

Tỷ lệ mắc bệnh gia tăng nhanh

Tỷ lệ mắc bệnh gia tăng nhanh

Theo thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, năm 2002 cả nước chỉ có 2,7% người dân mắc bệnh ĐTĐ thì 10 năm sau tức năm 2012 con số này tăng lên 5,7%, tỷ lệ Tiền ĐTĐ (giai đoạn ủ bệnh của ĐTĐ) là 27%. Đáng lo ngại hơn, có tới 60% số người mắc bệnh chưa được chẩn đoán, không được điều trị nên dễ gây ra biến chứng nặng nề.

PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện ĐTĐ và Rối loạn chuyển hóa, cho biết, chế độ ăn uống không hợp lý và thói quen ít vận động là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng và đáng báo động tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ (cũng như nhiều bệnh mạn tính khác). Nhiều người bị ĐTĐ thường không hay biết họ mắc bệnh cho đến lúc bệnh đã trở nặng và gây ra biến chứng. Biến chứng do bệnh ĐTĐ gây ra rất nguy hiểm và nguy cơ tử vong cao. Các biến chứng thường gặp ở căn bệnh ĐTĐ là mù lòa, tổn thương thần kinh dẫn đến nhiễm trùng và phải cắt cụt chi cùng các các bệnh lý tim mạch như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim đe dọa thường trực tính mạng bệnh nhân.

Gánh nặng về điều trị

ĐTĐ đang là mối quan ngại lớn về y tế, sức khoẻ cộng đồng và y tế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh ĐTĐ sẽ gây ra gánh nặng điều trị không chỉ cho bệnh nhân mà còn cho cả xã hội, tạo áp lực quá tải đối với các bệnh viện.

Mỗi năm, nước ta chi khoảng 3- 6% ngân sách của ngành Y tế để dành cho việc chữa trị các biến chứng của bệnh ĐTĐ như tim mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hoại tử chi v.v... Theo PGS.TS Tạ Văn Bình: Chi phí cho “quản lý” sức khỏe của người mắc ĐTĐ gấp 2-4 lần người không mắc bệnh này, bao gồm các xét nghiệm cận lâm sàng, chi phí thường xuyên đi khám bệnh, và chi phí cho thuốc men điều trị.

Không chỉ lên quan đến chi phí, vấn đề thuốc men còn mang đến những “gánh nặng” khác cho bệnh nhân ĐTĐ. Bởi lẽ, hiện nay, một số loại thuốc điều trị bệnh ĐTĐ trên thị trường đã thuộc thế hệ cũ, khi bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân thường xuyên điều chỉnh tăng liều và phác độ điều trị đòi hỏi bệnh nhân uống nhiều loại thuốc khiến chi phí đội lên rất nhiều. Không những thế, các loại thuốc điều trị bệnh ĐTĐ thông thường có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như hạ đường huyết không ổn định, tăng cân, ảnh hưởng xấu tới chất lượng sống của bệnh nhân.

Trước tình hình đó, công nghiệp dược phẩm đã có bước tiến đột phá, mang đến một giải pháp mới trong việc sản xuất thuốc điều trị bệnh ĐTĐ khi cho ra đời loại thuốc phối hợp trong 1 viên (1 lần uống 1 viên duy nhất). Việc phối hợp sẵn nhiều hoạt chất trong 1 loại thuốc giúp bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi, sử dụng tiện lợi và dễ dàng hơn trong việc tuân thủ điều trị, đồng thời giúp người bệnh kiểm soát tốt được đường huyết, đưa về mức chuẩn, hạn chế tăng cân và chủ động hơn trong suốt quá trình điều trị. Theo đánh giá của các bác sĩ, các thế hệ thuốc mới này cũng giúp họ kê toa nhanh chóng và chính xác hơn; nhân viên khoa Dược và các nhà thuốc quản lý, phân phát thuốc đơn giản hơn và tránh được tối đa các sai sót hay nhầm lẫn thuốc.

Cô Phạm Thu H, 53 tuổi (ngụ tại Quận 1, TP.HCM) bị ĐTĐ cho biết, hơn 3 tháng qua cô đã được bác sĩ chỉ định dùng loại thuốc mới. Loại thuốc này không những giúp hạ đường huyết nhanh mà còn giúp ổn định đường huyết lâu dài, cô H. còn cho biết mình đã không còn gặp tình trạng quên hay lấy thiếu 1 loại thuốc như phác đồ trước đây phải dùng nhiều loại nữa.

Với sự phát triển của khoa học, việc ra đời loại thuốc phối hợp nhiều hoạt chất trong 1 viên trong việc điều trị ĐTĐ sẽ góp phần rất lớn vào việc kiểm soát tình trạng ĐTĐ cũng như hạn chế những biến chứng nguy hiểm, giảm thiểu gánh nặng của căn bệnh này đối với toàn xã hội.

Nga Nguyễn