Cơ hội đổi đời cho người nông dân
Một trong những bất cập của ngành dược hiện nay là chưa tận dụng được nguồn dược liệu trong nước, chủ yếu vẫn sử dụng nguyên liệu nhập khẩu (đến 90%). Luật Dược sửa đổi được cho là có một số điểm mới tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khai thác được các ưu thế từ nguồn dược liệu trong nước vốn được đánh giá là phong phú, đa dạng và chất lượng tốt.
Điểm mới đáng chú ý trong Luật Dược (sửa đổi) vừa được chính thức thông qua ngày 6/4 là các quy định giúp tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dược tăng sức cạnh tranh. Điểm 3 Điều 7 Luật Dược (sửa đổi) quy định: “Ưu đãi đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc thiết yếu, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, vắc-xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc hiếm; ưu đãi nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới”.
Đánh giá về Luật dược sửa đổi, ông Nguyễn Minh Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Ladophar cho rằng các quy định này là đúng hướng. Theo Hiệp định TPP đã được ký kết, dược phẩm sẽ giảm thuế từ mức hiện tại khoảng 2,5% về 0%. Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước có thể lớn mạnh đủ sức cạnh tranh khi thuế nhập khẩu giảm xuống, tuy nhiên các Bộ, ngành chức năng cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, cơ chế thực thi, để luật thật sự đi vào cuộc sống.
Ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Công ty Traphaco
Đồng quan điểm, ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Công ty Traphaco nhận định nếu không khẩn trương tạo dựng được đội ngũ doanh nghiệp sản xuất và phân phối dược đủ mạnh thì không chỉ danh nghiệp nội gặp khó mà chính những người sử dụng cũng chịu thiệt thòi vì thị trường lọt vào tay các hãng dược ngoại.
Hiện tại, để chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập, một số công ty dược đã chủ động tìm kiếm các giải pháp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Câu chuyện của Traphaco đang được nhiều doanh nghiệp dược tham khảo như một mô hình đúng hướng, tận dụng được các chính sách của Luật Dược sửa đổi. Cụ thể, Traphaco đã ký hợp đồng trực tiếp với hơn 200 hộ dân, phát triển vùng trồng trên 28 ha cây Đinh lăng theo chuẩn GACP-WHO để sản xuất thuốc Hoạt huyết dưỡng não - Cebraton từ chính các dược liệu trong nước. Nhờ có vùng dược liệu cung cấp nguyên liệu ổn định, Công ty Traphaco đã tăng năng suất hoạt động tối đa cho hệ thống dây chuyền sản xuất đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường.
Song song với đó, Traphaco còn tập trung ứng dụng công nghệ trong phân phối thuốc để giảm các khâu trung gian, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội được tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm của Traphaco. Cụ thể, Traphaco đã áp dụng công nghệ cao trong quản trị hệ thống phân phối (DMS), trang bị máy tính bảng cho nhân viên kinh doanh. Qua đó hàng ngày, hàng giờ cập nhật và phân tích chính xác dữ liệu bán hàng. Đồng thời, quản lý thông tin khách hàng, dữ liệu chi tiết từng khách hàng, giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định chính xác khi cần phân tích các số liệu của từng nhà thuốc mà không cần hệ thống báo cáo của nhân viên bán hàng. Mặt khác, giám sát được được nhân viên bán hàng như: lộ trình, chất lượng viếng thăm, doanh số chi tiết… Chính sách quản lý này khiến nhân viên bán hàng của Traphaco trở nên chuyên nghiệp hơn, khách hàng được phục vụ chu đáo hơn. Nhờ vậy, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với thông tin minh bạch và cơ hội sử dụng sản phẩm chất lượng cao.
Chị Bùi Hà My (Nghĩa Hưng, Nam Định) cho biết người dân ở đây biết rõ sản phẩm Hoạt huyết dưỡng não - Cebraton của Traphaco được làm từ cây Đinh lăng cho họ trồng theo hướng dẫn của công ty nên rất tin tưởng tìm mua thuốc của Traphaco.
Nhờ đầu tư đúng hướng, doanh thu của Traphaco từ kênh Nhà thuốc năm 2015 tăng 41% so với năm 2014.
Ngoài việc xây dựng vùng trồng đinh lăng theo chuẩn GACP – WHO, đến nay, Traphaco đã có 05 loại dược liệu là Đinh lăng, Rau đắng đất, Actiso, Bìm bìm biếc và Chè dây có vùng trồng được Bộ Y tế cấp Chứng nhận đạt chuẩn GACP - WHO.
Với 180 doanh nghiệp Dược hiện có, chỉ cần ½ trong số này chuyển định hướng sang sử dụng dược liệu trong nước với quy hoạch vùng dược liệu rõ ràng, người nông dân ở nhiều địa phương sẽ có cơ hội thâm canh các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, tạo thêm thu nhập cho người nông dân bên cạnh cây lúa truyền thống. Không những thế, các doanh nghiệp này cũng sẽ tạo được hướng đi riêng trong thị trường mà doanh nghiệp ngoại đang lấn át.
Ông Đỗ Văn Đông, Cục phó Cục Quản lý dược chia sẻ quá trình ký kết Hiệp định TPP, ngành dược là một trong những lĩnh vực tương đối phức tạp và mất nhiều thời gian đàm phán để đến được sự thống nhất “luật chơi chung”. Vì vậy, doanh nghiệp dược cần nhanh chóng tìm hướng đi phù hợp để nắm bắt thời cơ.
Hồng Linh