Chỉ số nào cho chất lượng sữa?

Nhu cầu về sữa của Việt Nam hàng năm vẫn lên tới hàng triệu lít các loại. Và trẻ em, người già, người ốm bệnh hàng ngày vẫn phải uống sữa. Chính vì thế vấn đề chất lượng sữa đặc biệt được coi trọng.

Tuy nhiên, thức tế cho thấy, việc hiểu chưa chính xác về các chỉ số chất lượng đã tạo nên những hoang mang không cần thiết cho người tiêu dùng và gây ra bất ổn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng. Đã đến lúc cần phải có ý kiến từ các nhà khoa học, đại diện cơ quan chức năng sẽ giúp người tiêu yên tâm khi chọn và sử dụng sản phẩm.

Chỉ số nào cho chất lượng sữa? - 1

Hàm lượng dưỡng chất phải nằm trong tiêu chuẩn sản phẩm đã được phê duyệt

Trao đổi với báo giới tại buổi tọa đàm “Tìm hiểu chỉ số chất lượng trong sản phẩm sữa”, ông Hoàng Thủy Tiến, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y Tế, nêu rõ, tiêu chuẩn sản phẩm là phạm vi giới hạn của hàm lượng dưỡng chất được công bố với Cục VSATTP (Bộ Y Tế). Khi được phê duyệt, sản phẩm sau đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn như đã công bố và được phép lưu thông tại thị trường Việt Nam. Tất cả các hàm lượng dưỡng chất trong sản phẩm bắt buộc phải nằm trong tiêu chuẩn sản phẩm đã được công bố. Đặc biệt, khi hàm lượng dưỡng chất được hậu kiểm, các sản phẩm đạt chất lượng sẽ cho kết quả nằm trong tiêu chuẩn sản phẩm đã được công bố và phê duyệt.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hoàng Thủy Tiến, hiện tại vẫn không có quy định cụ thể về sự dao động cho phép của các hàm lượng dưỡng chất trong tiêu chuẩn sản phẩm. Thực tế, do nguồn nguyên liệu, quy trình, công nghệ khác nhau, nên các sản phẩm có hàm lượng các dưỡng chất không tuyệt đối giống nhau. Vì vậy nhà sản xuất (NSX) căn cứ vào mức tối thiểu và mức tối đa hàm lượng dưỡng chất mà sản phẩm đạt được, độ ổn định của các dưỡng chất này để công bố khoảng dao động của các dưỡng chất trong tiêu chuẩn sản phẩm. Điều đó có nghĩa chỉ số hàm lượng dưỡng chất công bố trên bao bì có thể nằm trong biên độ dao động cho phép.

Yếu tố cần trong kiểm nghiệm hàm lượng dưỡng chất

Theo Tiến sỹ Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia, nhu cầu tự đến đề nghị kiểm nghiệm sản phẩm sữa của NTD hiện nay không phải ít, song “mẫu mà NTD tự mang đến phần lớn không có kết quả về giá trị kiểm nghiệm. Thông thường để cho ra một kết quả tin cậy nhất thì mẫu phải được các tổ chức, các đoàn thanh tra có kiến thức trong việc lấy mẫu thu thập và đem đến. Các mẫu này phải còn nguyên niêm phong; nguyên đai, nguyên kiện, chưa từng mở nắp hoặc nếu có khuyết tật đáng kể thì phải có biên bản xác nhận. Quan trọng hơn, mẫu thử phải có tính đại diện cho lô hàng và có đủ mẫu về số lượng để kiểm nghiệm và lưu giữ”.

Song song đó, Tiến sỹ Hồng Hảo cũng nhấn mạnh, mỗi kết quả kiểm nghiệm đều có một sai số nhất định. Ở các chỉ tiêu, đối tượng mẫu, nồng độ và điều kiện thử nghiệm khác nhau thì mức độ sai số có thể khác nhau.