Cận cảnh bệnh loãng xương

Ước tính tới năm 2050, thế giới tốn khoảng 131,5 tỉ USD để chữa trị những chấn thương liên quan đến loãng xương. Chi phí điều trị bệnh loãng xương tương đương với chi phí điều trị bệnh ung thư vú và ung thư cổ tử cung cộng lại.

Loãng xương là gì?

Loãng xương là một rối loạn chuyển hóa của xương làm tổn thương sức mạnh của xương đưa đến nguy cơ gãy xương cho con người. Có nhiều nguyên nhân gây ra loãng xương như do tuổi tác, mãn kinh, mất cân bằng tạo xương, rối loạn nội tiết, sử dụng thuốc ảnh hưởng đến sự tạo xương như hormone tuyến giáp, corticosteroid… Loãng xương liên quan đến sự thiếu hụt estrogen, thường gặp ở phụ nữ từ 50 – 60 tuổi. Chủ yếu là mất khoáng ở xương xốp (xương bè), xương đặc, biểu hiện bằng sự gãy lún các đốt sống xuất hiện sau mãn kinh.

Thực tế, có hai quá trình xảy ra song song bên trong cơ thể là tiêu hủy và tái tạo xương. Ở người trẻ tuổi, phần xương bị mất đi sẽ được bù đắp dễ dàng. Còn người lớn tuổi, lượng xương được tạo ra ít hơn so với lượng xương mất đi, do đó dẫn đến tình trạng loãng xương.

Dấu hiệu và biến chứng của loãng xương

Bệnh loãng xương tiến triển âm thầm, không có triệu chứng, không gây đau đớn khiến người bệnh không hay biết để phòng tránh và chữa trị. Do đó khi xuất hiện biến chứng như gãy xương ở cột sống, gãy đầu dưới xương quay, gãy khớp háng, gù, giảm chiều cao, đau lưng… thì hậu quả đã khá nặng nề. Các biến chứng của loãng xương thường khiến 20% bệnh nhân tử vong và 50% bị thương tật vĩnh viễn, tàn phế.

Cận cảnh bệnh loãng xương - 1

Biến chứng dễ xảy ra nhất của loãng xương là gãy xương. Việc điều trị gãy xương do loãng xương khá khó khăn và phức tạp. Tùy theo vị trí xương, loại xương bị gãy sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Biến chứng của loãng xương không chỉ nằm ở xương mà tác động tới toàn bộ cơ thể, làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ tử vong. PGS.TS.BS Lê Anh Thư, chủ tịch Hội loãng xương Tp.HCM cho biết, gãy xương do loãng xương là nguyên nhân chính gây tàn phế và giảm tuổi thọ cho người có tuổi (thống kê ở các nước phát triển có đến 20% người có tuổi bị gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đến 1 năm đầu vì các biến chứng do nằm lâu).

Những quan niệm sai lầm

Tổng kết mới đây tại TP.HCM và bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, có 85% - 95% người cao tuổi gãy xương do loãng xương. Phổ biến nhất là xẹp cột sống, gãy cổ xương đùi và đầu dưới xương quay. Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, giám đốc bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, thực tế có rất nhiều quan niệm chưa đúng trong việc nhận thức về bệnh loãng xương cũng như việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh. Trong đó, có những quan niệm sai lầm nhiều đến mức phổ biến. Ví dụ như là việc cho rằng loãng xương chỉ xảy ra ở người già, là bệnh của phụ nữ… Thậm chí khi bị đau nhức hoặc té gãy xương thì cho rằng do lớn tuổi. Nhiều người tự “chữa” loãng xương bằng cách ăn nhiều tôm cua hoặc uống sữa để bổ sung can xi. Thực ra, ăn uống đủ chất với thực phẩm bổ sung can xi chỉ là điều kiện cần để phòng ngừa loãng xương. Điều kiện đủ phải là vận động, vì qua vận động, can-xi mới có thể được đưa vào xương. Ngoài ra, mật độ xương còn phụ thuộc vào một số thành phần khác như: phốt-pho, hormone, vitamin D… Việc “ăn” can-xi cũng có nguy cơ mắc bệnh loãng xương nếu không được thực hiện đều đặn hàng ngày.

Phòng và điều trị bệnh loãng xương

Theo BS. Hồ Phạm Thục Lan, trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115, loãng xương với hệ quả gãy xương là một quá trình diễn tiến nặng dần theo thời gian và tuổi tác. Do đó, ngay từ lúc trẻ, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để đạt mức độ đỉnh tối đa của mật độ xương. Bởi, nếu khối lượng xương đỉnh lúc trưởng thành tăng 10% sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương do loãng xương trong suốt cuộc đời. Khi về già cũng cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và vận động thể lực vừa phải để tránh bị mất xương. Trong dinh dưỡng, nên chú trọng đến các thành tố có ích cho sức khoẻ xương. Chú ý đến thức ăn có nhiều can-xi (tôm, cá, trứng, sữa…) và cần tận dụng nguồn ánh nắng mặt trời để tổng hợp vitamin D cho cơ thể. Ngoài ra, một lối sống khỏe mạnh, năng vận động, hạn chế thuốc lá, cà phê, rượu đã là những biện pháp thiết thực, có thể ngăn ngừa được nguy cơ loãng xương và giảm được hậu quả gãy xương. Tóm lại, chúng ta cần chủ động phòng bệnh để chất lượng cuộc sống được đảm bảo.

Hiện nay, những tiến bộ ngoạn mục trong thời gian 20 năm qua đã cho ra đời hàng loạt thuốc có hiệu quả giảm nguy cơ gãy xương, có thể chia làm 2 nhóm chính: nhóm ức chế tế bào hủy xương bisphosphonates (như alendronate, risedronate, zoledronate), SERM (raloxfene), calcitonin… và nhóm kích thích tế bào tạo xương (như strontium ranelate và teriparatide).  Tất cả đều đã được thử nghiệm và có hiệu quả giảm nguy cơ gãy xương từ 30% đến 50%.  Tuy nhiên, chỉ có zoledronate được chứng minh là có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân sau khi bị gãy xương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm