Bảo vệ bé khỏi bệnh do vi khuẩn phế cầu

Streptococcus pneumoniae (S.pneumoniae) là tên khoa học của vi khuẩn phế cầu, tác nhân gây ra các bệnh nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết ở trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng dễ bị vi khuẩn phế cầu tấn công nhất.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh gây ra bới vi khuẩn phế cầu trên thế giới (1).

 

Bảo vệ bé khỏi bệnh do vi khuẩn phế cầu - 1

Các bệnh do vi khuẩn phế cầu ảnh hưởng đến tương lai của trẻ

Viêm phổi là một bệnh nguy hiểm, ước tính có khoảng 1.2 triệu ca tử vong năm 2011ở trẻ dưới 5 tuổi (2). Việt Nam nằm trong danh sách 15 quốc gia có số ca mắc viêm phổi hàng năm cao trên toàn thế giới (3). Triệu chứng bệnh bao gồm ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi và một cơn ho ra đờm; là những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên dễ bị các bậc phụ huynh xem nhẹ.

Viêm màng não do phế cầu là bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là trên trẻ nhỏ dưới 2 tuổi1. Hậu quả có thể dẫn tới nhiều di chứng lâu dài như điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, teo vỏ não. Các triệu chứng có thể nhận biết viêm màng não bao gồm trẻ sốt cao, đau đầu, cứng cổ, khóc khi thay đổi tư thế, thóp phồng ở trẻ sơ sinh, khóc thét, giảm trương lực cơ (4,5).

Viêm tai giữa tuy ít nghiêm trọng hơn nhưng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Có ít nhất 75% trẻ dưới 3 tuổi bị nhiễm viêm tai giữa và 1/3 trong số đó bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần (6). Tại Mỹ, có đến 80% trẻ em dưới 3 tuổi bị viêm tai giữa ít nhất một lần, nhiều nhất từ 6 đến 18 tháng tuổi (6). Các triệu chứng bao gồm đau nhức vùng xoang, nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt cao, chảy mủ tai hoặc mất thính giác làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ và gây khó khăn trong học tập.

Chăm sóc và phòng ngừa vi khuẩn phế cầu

Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm vi khuẩn phế cầu và phải gánh chịu những hậu quả từ các bệnh do phế cầu gây ra. Điều đáng quan tâm là kháng sinh thường được dùng để điều trị ban đầu khi chưa thật sự cần thiết, điều này dẫn đến tình trạng gia tăng đề kháng kháng sinh, gây khó khăn trong công tác điều trị sau này. Theo các nghiên cứu của Mạng lưới giám sát các căn nguyên kháng thuốc châu Á (ANSORP), các quốc gia như Việt nam, Trung Quốc, Đài Loan được ghi nhận là điểm nóng của sự gia tăng vi khuẩn phế cầu đề kháng với thuốc kháng sinh (7).

Do đó, những biện pháp phòng ngừa các bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra là vô cùng cần thiết. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm chủng được xem là biện pháp chủ động, tiết kiệm và hiệu quả giúp giảm số ca bệnh mắc mới do nhiễm vi khuẩn phế cầu, và việc chủng ngừa cho trẻ từ sớm sẽ giúp giảm thiểu tác hại của các căn bệnh do phế cầu gây ra.

 

Chủng ngừa cho trẻ từ sớm sẽ giúp giảm thiểu tác hại của các căn bệnh do phế cầu gây ra
Chủng ngừa cho trẻ từ sớm sẽ giúp giảm thiểu tác hại của các căn bệnh do phế cầu gây ra

 

Hiện nay tại Việt Nam đã có vắc-xin giúp phòng ngừa hiệu quả vi khuẩn phế cầu cho trẻ nhỏ. Các bà mẹ có con nhỏ dưới 5 tuổi hãy hỏi bác sĩ về chủng ngừa phòng các bệnh do phế cầu.

 

Tư vấn bác sỹ tại các bệnh viện sản, nhi, các trung tâm y tế dự phòng về chủng ngừa và truy cập website http://www.tiemngua.com/ để biết thêm thông tin và cách phòng ngừa các bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra.

 

*Chương trình giáo dục sức khỏe phối hợp thực hiện bởi Hội Y học Dự phòng và VPĐD GSK Pte Ltd tại TP Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo:

1 WHO Position paper – Wkly Epidemiol Rec 2012;87(14):129-144

2 Childhood pneumonia in developing countries; Lancet Respir Med 2013;1: 574–84

3 Epidemiology and etiology of childhood pneumonia. Bulletin of the World Health Organization 2008;86:408–416.

4 O’Brien. Lancet 2009; 374:893-902.

5 Medscape article: Meningitis. http://emedicine.medscape.com/article/232915-overview#aw2aab6b2b6

6 Allan W C, Bacterial otitis media: a vaccine preventable disease,Vaccine 23 (2005) 2304–2310.

7 Kim SH, Antimicrob Agents Chemother. 2012 Mar;56(3):1418-26.