Nỗ lực giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị

Thanh Tùng

(Dân trí) - Sau 3 năm triển khai các chương trình thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số làm lãnh đạo trên địa bàn huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) có nhiều chuyển biến.

Thường Xuân là huyện miền núi phía tây của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 60km. Đây là một trong 74 huyện nghèo trong cả nước giai đoạn 2021-2025. Toàn huyện có 13.323 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua thực trạng bình đẳng giới trên địa bàn huyện Thường Xuân đã có những cải thiện tích cực.

Nỗ lực giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị - 1

Huyện Thường Xuân tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn thực hiện công tác bình đẳng giới vùng dân tộc và miền núi (Ảnh: Tùng Xuân).

Theo đó, UBND huyện Thường Xuân ban hành kế hoạch nhằm xóa bỏ tư tưởng định kiến về giới, bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ; tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia các hoạt động xã hội, giữ vị trí và chức vụ quản lý, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, góp phần vào sự phát triển bền vững của huyện Thường Xuân.

Hàng năm, các cấp, ngành, cơ sở trên địa bàn huyện Thường Xuân thường xuyên chú trọng đến các hoạt động nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Phòng Dân tộc huyện Thường Xuân thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn triển khai dự án đào tạo nghề ở nông thôn, để phụ nữ ở nông thôn đủ điều kiện làm việc tại các nhà máy, công ty, hợp tác xã ở trong huyện và ngoài huyện.

Ngoài ra, các hộ dân ở nông thôn, đặc biệt là vùng dân tộc và miền núi được tiếp cận vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình.

Thực hiện tuyên truyền đi làm việc ở nước ngoài theo chủ trương, chính sách của nhà nước, từ đó làm giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp. Đồng thời lồng ghép với việc triển khai các chương trình tuyên truyền bình đẳng giới trong gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Nỗ lực giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị - 2

Các địa phương từ cấp thôn, bản tích cực lồng ghép triển khai các chương trình tuyên truyền bình đẳng giới trong gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (Ảnh: Tùng Xuân).

Tập huấn tuyên truyền đến cán bộ xã, thôn bản, bà mẹ trẻ em về cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và tổ chức các mô hình can thiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Sau thời gian triển khai, hiện nay tỷ lệ phụ nữ đóng vai trò trụ cột gia đình gia tăng, tình trạng bạo lực phụ nữ và trẻ em trên địa bàn không còn. Bên cạnh đó, đa phần phụ nữ, trẻ em đã được tiếp cận các cơ sở y tế để chăm lo khám sức khỏe, được tiếp cận với các thông tin văn hóa, truyền thông.

Đặc biệt, phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn làm lãnh đạo các đơn vị từ cấp thôn, bản đến xã, huyện có nhiều chuyển biến. Điển hình như tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương trên địa bàn tăng cao.

Nỗ lực giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị - 3

Các đại biểu nữ trên địa bàn huyện Thường Xuân tham dự hội nghị do Hội liên hiệp phụ nữ tổ chức (Ảnh: Lê Hà).

Theo thống kê của UBND huyện Thường Xuân, hiện nay trên địa bàn huyện có 1.238 giáo viên nữ trong tổng số 1.687 giáo viên (chiếm tỷ lệ 73,38%). Trong đó, giáo viên nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số 324 người (chiếm 26,17% so với tổng số giáo viên nữ).

Tại một số cơ quan cấp huyện có 116 cán bộ, trong đó có 36 cán bộ nữ (chiếm tỷ lệ 31,3%), cán bộ nữ làm quản lý có 10 người (chiếm tỷ lệ 27,78% so với tổng số cán bộ nữ).

Đối với cán bộ cấp xã, thị trấn có 98 cán bộ nữ (chiếm tỷ lệ 30,72%), trong đó có nữ làm lãnh đạo là 36 người (chiếm tỷ lệ 36,37%).  

Xác định chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, thời gian tới huyện Thường Xuân tiếp tục phối hợp các phòng, ban chức năng, các đơn vị, các xã, thị trấn, thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án để tổ chức triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới vùng dân tộc và miền núi.