Thử nghiệm loại máy trợ thở khẩn cấp có thể dùng cho bệnh nhân Covid-19
(Dân trí) - Đại học Huế đang tiến hành thử nghiệm loại máy trợ thở khẩn cấp. Loại máy này đã dùng cho ngành thú y hiệu quả sẽ được chuyển đổi công năng sang người, đặc biệt là bệnh nhân nhiễm Covid-19 thể nặng.
Theo đó tại Khoa Chăn nuôi Thú y, trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế đang tiến hành công việc do TS.BS thú y Vũ Văn Hải, giảng viên khoa làm nòng cốt. Có mặt tại Bệnh viện thú y OKADA PET đường Nguyễn Hoàng, phường Kim Long, TP Huế sáng 2/4, một nhóm các nhà khoa học của Đại học Huế đang chứng kiến loại máy trợ thở khẩn cấp hoạt động và cho nhiều ý kiến trao đổi.
Theo TS. Hải, cách đây 2 năm, trong quá trình phẫu thuật cho chó mèo đã thấy nhiều cá thể thú bị ngưng thở khi gây mê, nhiều con vật đã bị chết. Từ thực tế đó, TS. Hải đã tìm tòi và chế tạo thành công máy trợ thở cho chính phòng khám thú y của mình.
Máy thở này có nguyên lý hoạt động là dùng mô tơ gạt nước ô tô hoặc tương đương có tốc độ chậm gắn với bộ điều tốc và bộ cơ để kéo cánh tay đòn. Cánh tay đòn này sẽ trực tiếp ép quả bóng bóp trợ thở thay cho lực bóp bàn tay con người. Tốc độ bóp có thể được điều chỉnh sao cho phù hợp với tần số hô hấp của loài và chỉ số oxy SpO2 và CO2 trong máu được theo dõi bằng máy theo dõi sự sống vital sign monitor.
Ưu điểm của máy là làm rất đơn giản và từ các vật liệu sẵn có, rẻ tiền, mô tơ hoạt động bền bỉ và có thể sử dụng ắc quy thay cho điện AC khi lưới điện bị cúp.
“Đến nay, khi dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây hậu quả trầm trọng, tôi chợt nghĩ máy này có thể được phát triển để phục vụ cứu chữa người bị bệnh, nhất là bệnh nhân thể nặng sống sót qua cơn nguy kịch", TS Hải nói.
TS Hải cũng cho biết, khi đưa bệnh nhân vào bệnh viện từ khâu ban đầu, thay vì phải cần 1 điều dưỡng/y tá để bóp quả bóng trợ thở cho bệnh nhân trong khi chờ đợi máy thở chính thức, kiểm tra các thông số… thì máy trợ thở khẩn cấp như máy của chúng tôi sẽ giúp ích được rất nhiều. Cụ thể một kỹ thuật viên/ điều dưỡng có thể điều khiển trên máy 100 máy trợ thở cho 100 bệnh nhân chỉ với các thao tác đơn giản.
TS.Trần Xuân Thịnh, Phó Trưởng Bộ môn Gây mê Hồi sức, Đại học Y Dược, Đại học Huế đánh giá, loại máy này sẽ thay thế công sức cho nhân viên y tế rất nhiều. Sẽ không cần huy động nhiều nhân viên y tế và mất quá nhiều thời gian cho việc bóp tay thủ công, từ đó cũng hạn chế sự nguy hiểm do lây nhiễm chéo quá trình y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Để cải tiến và chỉnh sửa cho phù hợp, theo TS. Phạm Khắc Liệu, Phó Trưởng Ban Khoa học Công nghệ & Quan hệ Quốc tế, Đại học Huế trao đổi, do đã có thời gian vận hành tốt điều trị thú nuôi nên máy cần cải thiện thêm một số yếu tố kỹ thuật như: thay thế tần số hô hấp của động vật bằng tần số hô hấp của con người, hiển thị thông số và khả năng điều chỉnh trên màn hình, tham khảo ý kiến bộ phận công nghệ kỹ thuật và chuyên gia của y khoa, cộng với thử nghiệm trên đối tượng người… là có thể hình thành sản phẩm.
Được biết Khoa Chăn nuôi Thú y đang đề xuất nhiệm vụ này lên Trường Đại học Nông lâm để có ý kiến lên Đại học Huế. Trong thời gian ngắn, Đại học Huế sẽ dùng nguồn quỹ các nhiệm vụ đột xuất để thử nghiệm máy trợ thở khẩn cấp này.
“Hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ phải sử dụng nó cho con người nhưng nếu tình huống xấu xảy ra đại dịch, máy trợ thở này sẽ có thể góp phần cứu mạng sống của nhiều người, tránh bị động như Italia và nhiều nước khác khi dịch đã xảy ra” – TS Vũ Văn Hải cho ý kiến.
Số lượng máy thở của cả nước tính cả nguồn dự trữ theo thống kê chỉ mới có 4.000 máy. Riêng tại Hà Nội với dân số 8 triệu chỉ có 300 máy thở. Tại Huế cũng chỉ có 10 máy thở. Nếu dịch lan rộng và mất kiểm soát, chắc chắn sẽ thiếu máy trợ thở và rất nhiều bệnh nhân có nguy cơ bị tước đi quyền sống khi nhiễm bệnh ở thể nặng mà không có sự hỗ trợ của máy trợ thở...
Đại Dương