Đây là những “tài sản thật sự” cho Việt Nam - chủ tịch Trường ĐH Portland (bang Oregon, Mỹ) Wim Wiewel nhận xét về các sinh viên đến từ Việt Nam theo học tại trường.
24/28 sinh viên Việt Nam vừa tốt nghiệp khóa điện tử và cơ khí theo học bổng IVS tại ĐH Portland State, bang Oregon, Mỹ ngày 13/6/2011. (Ảnh: Melinda Lam)
Theo tiến sĩ khoa học Rengjeng Su, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học máy tính và kỹ thuật Maseeh thuộc ĐH Portland State, bang Oregon, 28 sinh viên của Việt Nam đã có kết quả điểm trung bình là 3.8/4.0, thuộc loại xuất sắc (2.0 là đủ để tốt nghiệp).
Trong số đó, có 5 sinh viên đạt điểm số trung bình 3.9-4.0, tức điểm cao tuyệt đối.
“Tôi cho rằng họ đã rất tập trung và nghiêm túc trong học tập, với sự thông minh vượt trội - ông nói với Tuổi Trẻ - Họ khiến chúng tôi ngạc nhiên, và cảm thấy rất khó khăn khi cho điểm các sinh viên khác, vì điểm của họ quá cao”.
Trong quá trình học tập, các sinh viên Việt Nam và quốc tế đã thực hiện các đồ án giải quyết các vấn đề mà Intel gặp phải nên mang tính ứng dụng rất cao.
Trần Ngọc Anh Đức, 22 tuổi, trước khi sang Mỹ hoàn thành nốt chương trình ĐH đã đang là sinh viên năm 3 của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tốt nghiệp với điểm trung bình thuộc mức được đeo sợi dây màu xanh (điểm trung bình 3.7 đến dưới 3.8), Đức cho biết điều lớn nhất bạn học được từ môi trường ĐH ở Mỹ chính là tinh thần “không sợ phạm sai lầm”, luôn sẵn sàng thay đổi và sẵn sàng mạo hiểm để thành công.
“Có rất nhiều bạn cùng lứa học giỏi hơn tôi, nhưng có thể họ đã không chuẩn bị kỹ như tôi để có thể có học bổng đi du học và bước ra biển lớn” - Đức cho biết.
Đợt sinh viên thứ 2 gồm 24 sinh viên học về điện tử, cơ khí và kinh doanh sẽ tốt nghiệp vào năm 2012, “và họ đã chứng minh tiếp tục lực học vượt trội của mình” - đại diện của Trường Maseeh cho biết.
Sau khi hoàn thành đợt học, các sinh viên này sẽ làm việc cho Intel trong vòng ba năm trước khi họ có thể tùy ý chọn nơi làm việc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Rick Howarth, tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, cho biết hiện nhà máy đặt tại Khu công nghệ cao (quận 9, TP.HCM) đã tuyển dụng được 900 nhân viên làm việc, và mỗi năm trung bình sẽ tuyển dụng thêm 500 nhân viên cho tới khi có đủ nhân lực khoảng 3.000 nhân viên, vận hành được toàn bộ công suất của nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất thế giới của Intel.
“Tùy tình hình, chúng tôi có thể xây thêm nhà máy và tuyển dụng thêm nhân sự Việt Nam” - ông nói.
Cách đây hai năm, sau khi nhận thấy nguồn nhân lực, đặc biệt là các kỹ sư và kỹ thuật viên lành nghề ở Việt Nam chưa đủ đáp ứng yêu cầu hoạt động tại nhà máy được đầu tư 1 tỉ USD ở Việt Nam - vốn là dự án đầu tư lớn nhất của nước ngoài vào Việt Nam từ trước tới nay, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam đã đưa ra kế hoạch đào tạo tổng số 52 kỹ sư, chọn lựa từ những sinh viên năm thứ 3 và 4 tại các trường ĐH kỹ thuật hàng đầu ở Việt Nam, với tổng chi phí khoảng 4 triệu USD trong hai năm. Đây là dự án mà giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Việt Nam khi đó nhận định “là sự đóng góp vô cùng quý báu trong chiến lược đào tạo lớp nhân tài trẻ về khoa học kỹ thuật trong tương lai của Việt Nam”. IVS là chương trình gửi sinh viên của một nước mà Intel đến đầu tư đi học nước ngoài duy nhất mà hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới này thực hiện kể từ khi ra đời năm 1968 tại Mỹ. Đây cũng là một phần trong cam kết của Intel nhằm phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghệ cao của Việt Nam. |
Theo Khổng Loan
Tuổi Trẻ