Tình dục và hành trình tìm kiếm tình yêu

(Dân trí) - Lúc đầu tình dục đầy hào hứng. Sau đó tôi bắt đầu thấy mình nực cười, thấy “đối tác” nực cười. Chúng tôi bắt đầu tranh cãi và xung đột, rồi chia tay. Giờ hai người là kẻ thù - Đây chính là hội chứng “Buổi sáng ngày hôm sau”, TS. Henry Brandt nhận định.

Người mắc phải “hội chứng” này một sáng thức dậy không còn tìm thấy sự gần gũi với nửa kia của mình. Mối quan hệ thể xác không còn thỏa mãn được họ, và mọi chuyện hóa ra không như mong muốn lúc đầu.  

 

Tất cả những gì còn lại là hai con người có phần ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình và tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân. Không tình yêu đích thực, không thân mật, gần gũi, ai cũng thấy mình mất cân bằng và khao khát được hài hòa trở lại.

 

Trong mỗi con người đều có 5 yếu tố kết hợp với nhau tạo nên cuộc sống cân bằng. Đó là yếu tố thể xác, xúc cảm, tinh thần, xã hội và tâm linh.  

 

Trên hành trình tìm kiếm sự gần gũi, thân thiết, ai cũng muốn có ngay giải pháp, tức là phải thỏa mãn tức thời. Chưa đạt được nguyện vọng, họ vớ ngay lấy giải pháp “thay thế tạm”. Và họ tìm ở đâu? Trong yếu tố thể xác, xúc cảm, tinh thần, xã hội hay thần linh? Câu trả lời chính là thể xác.

 

Trong 5 yếu tố kể trên, gần gũi thể xác tỏ ra là dễ dàng hơn cả. Bạn chỉ cần mất 1 giờ, thậm chí nửa giờ để tiến đến gần gũi thể xác với một người, tùy thuộc vào mức độ cấp bách. Nhưng rồi bạn sẽ sớm nhận ra tình dục chỉ là hành vi “xả van” khi ham muốn quá lớn mạnh. Vẫn còn một mong muốn sâu sắc hơn chưa được đáp ứng.

 

Bạn sẽ làm gì khi những hào hứng ban đầu biến mất, càng gần gũi thể xác, bạn càng chán ghét, bản thân thấy tội lỗi và vẫn chưa hài lòng?

 

Cuộc sống bây giờ có những bạn trẻ “thử” với hết người này đến người khác. Cái họ tìm kiếm không đơn thuần là sex, họ tìm một mối giao kết tình cảm thực sự, mỗi lần “thay” là một lần tự nhủ “có lẽ đúng người rồi”. Thật quá ngây thơ.  

 

Giao kết thực sự

 

Hay còn gọi là sự thân mật, gần gũi. Ngày nay người ta gán cho nó sắc thái của tình dục, song thực ra từ này rộng hơn thế, bao gồm nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, cả thể chất, tâm hồn, yếu tố xã hội và tâm linh. Nó nên được hiểu là “cùng chia sẻ toàn bộ cuộc đời”.

 

Marshall Hodge trong cuốn “Sợ hãi trước tình yêu” đã viết: “Chúng ta tìm kiếm những khoảnh khắc của tình yêu, sự gần gũi, dịu dàng, song lại thường rụt cổ lại khi đứng trước nó… Càng đến gần ai đó, khả năng tổn thương càng lớn”. Chính nỗi lo sợ đau khổ ngăn cách chúng ta đến với tình yêu, sự gần gũi thật sự.

 

Chẳng có tình yêu nào không chất chứa nỗi đau. Ai từng yêu cũng từng đau khổ, cái chính là ta đối mặt và giải quyết nó như thế nào.

 

Để giấu đi nỗi đau, nhiều người chọn giải pháp lẩn trốn. “Tôi muốn anh đến với tôi, tôi muốn yêu và được yêu… nhưng đợi chút, tôi từng đau khổ rồi. Tôi không muốn nói đến tình yêu nữa, tôi cũng không muốn nghe đâu…”.

 

Chúng ta tự xây tường cách ly mình với thế giới bên ngoài để khỏi tổn thương. Nhưng cũng bức tường “bảo vệ” ấy đang giam hãm ta. Nơi cô đơn ngự trị không bao giờ có chỗ cho sự gần gũi, thân thiết của tình yêu thực sự.

 

T.H

Theo IN