Suýt ra tòa ly hôn vì con rể bị "bắt" phải nuôi em vợ

Không phải là chị Thanh Tâm mà một hôm, tôi cùng ông xã nhận được cuộc điện thoại bất ngờ vào lúc 5h sáng.

Lúc đầu, cô cháu bên chồng (đang ở châu Âu) ngần ngại nhắn cho tôi hỏi ông bà đã dậy chưa. Khi biết vợ chồng tôi đã dậy và đang về quê, cô lập tức bấm máy gọi.

Suýt ra tòa ly hôn vì con rể bị bắt phải nuôi em vợ - 1

Ảnh minh họa

Vừa nhấc máy, chúng tôi đã nghe tiếng nức nở của cô cháu từ trời Âu, nhờ chúng tôi đến giải quyết ngay việc con gái, con rể đang cãi lộn, thậm chí là choảng nhau. Vì tình thế không thể đảo ngược, tôi đành khuyên cô cháu bình tĩnh vì có bình tĩnh mới có thể nhìn nhận được vấn đề và mới có cách giải quyết rốt ráo được.

Sau một hồi trấn tĩnh, cô mới kể lại sự tình. Vì hoàn cảnh, chồng mới mất, một mình cô không thể xoay xỏa được ở trời Âu với việc nuôi và gửi nhà trẻ con trai út mới 3 tuổi. Vì vậy, cô gửi con về giao cho con gái lớn trông em. Nhưng đến khi con gái lấy chồng, thay vì nhờ anh chị em chăm con hộ thì cô lại giao thẳng việc nuôi em vợ cho con rể và coi đây là trách nhiệm của con rể.

Lúc đầu, mọi việc có vẻ suôn sẻ, không có mâu thuẫn gì lớn. Nhưng đến khi con gái, con rể sinh con, cũng là con trai và khi đửa trẻ lớn thêm thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng, đặc biệt là vấn đề dạy dỗ bắt đầu nảy sinh. Hai đứa trẻ thường xuyên tranh giành, nghịch ngợm, bướng bỉnh, khóc lóc, ăn vạ… khiến cuộc sống, sinh hoạt của vợ chồng con gái cô đảo lộn.

Việc phân xử giữa con và em càng trở nên khó khăn hơn khi hễ con rể cô trách phạt em là con gái lại "gầm" lên bênh em, cho rằng anh rể "khác máu tanh lòng", không thương em. Đồng thời, cô ngay lập tức gọi cho mẹ, khóc lóc, kể lể và đổ lỗi cho chồng.

Chưa nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, thương con mất bố, không có điều kiện chăm sóc, cô cháu tôi nổi giận đùng đùng, gọi điện về cho con rể trách móc, chửi bới và yêu cầu con gái ngay lập tức xách va ly ôm con và em về quê. 

Khi biết con rể ngăn cản vợ thì cô cháu nói với con rể sẽ gọi người thân là đàn ông, con trai đến xử lý con rể. Đồng thời, cô gọi điện cho ông bà thông gia trách cứ ông bà thông gia không biết cách dạy con thông cảm với hoàn cảnh của mình. Cô nói, trước khi giao con cho con gái, con rể thì cô đã có lời với ông bà thông gia và ông bà đã đồng ý để cho con cô sống cùng. Vậy mà giờ ông bà lại "nuốt lời".

Người con rể lúc đó bực quá nói với vợ nếu vợ bỏ về quê thì sẽ giữ con lại, không cho vợ mang con theo. Nghe thấy thế, cô vợ liền to tiếng, thách đố. Cả hai không kìm nén được xông vào cãi vã, "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với nhau, thậm chí cô vợ còn tuyên bố làm đơn ra tòa ly hôn.

Buổi tối hôm đó, chúng tôi không đến "ba mặt một lời", xách giùm va ly như cô cháu nhờ mà gọi con gái, con rể của cô cháu đến nói chuyện, chia sẻ, tìm hiểu rõ nguyên nhân. Chúng tôi hiểu rằng trong sự việc không mong muốn đó có phần lỗi lớn của cô cháu. Cô không chỉ giao trách nhiệm nuôi con của mình cho con rể mà còn can thiệp quá sâu vào quyết định của con gái. Cô không biết rằng để nuôi dạy một đứa trẻ thì không chỉ đơn thuần là vấn đề vật chất mà còn rất nhiều nỗi lo khác.

Số tiền cô gửi về hàng tháng cũng chỉ đủ nuôi con và dư một chút cho con gái, con rể nhưng với bất kỳ ai tiếp xúc, cô cũng nói rằng, cô đã "bao" trọn gói cả gia đình con gái và có để cho con rể thiệt đâu mà con rể lại sống không biết điều. Bản thân con gái cô mỗi khi "có chuyện" cũng thường lên giọng với chồng: "Nếu không có tiền tài trợ của mẹ thì chồng nuôi thân cũng chẳng đủ". 

Theo Cẩm Hà

Phụ Nữ Việt Nam