Rắc rối chuyện "ăn riêng"

Sau hai tháng để đôi vợ chồng trẻ ổn định, mẹ chồng H. Thương ra “sắc lệnh” ăn riêng với lý do: “khác khẩu vị” và “phải để bọn trẻ tự lập”...

Hai gian bếp lạnh

 

Hơn 2 năm qua, lần nào nhắc đến chuyện cưới hỏi, H. Thương và K. Dũng cũng chỉ trả lời theo một công thức duy nhất: “Chưa đủ tiền mua nhà”.

 

Dành dụm mãi, tiền tiết kiệm từ lương công nhân của cả hai không sao đuổi kịp giá nhà, đôi uyên ương này đành phải chấp nhận giải pháp sống chung với gia đình chồng.

 

Tuy không được lòng mẹ chồng nhưng trong căn hộ 60 m2, H. Thương và K. Dũng cũng có một căn phòng xinh xắn. Sau hai tháng để đôi vợ chồng trẻ ổn định, mẹ chồng H. Thương ra “sắc lệnh” ăn riêng với lý do: “khác khẩu vị” và “phải để bọn trẻ tự lập”.

 

Trong gian bếp nhỏ của gia đình chồng, vốn đã có một cái bếp của mẹ chồng, nay lại kê thêm chiếc bếp gas con của vợ chồng H. Thương. Đi làm về, cứ đến giờ nấu cơm chiều là gian bếp lại trở nên chật chội vì có đến hai bà nội trợ cùng làm.

 

Vốn không ưa chị dâu nên sự vụng về của cô gái trẻ trở thành đề tài cho hai cô em chồng trêu ghẹo. “Sống cùng một nhà mà đến bữa cơm vợ chồng phải dọn cơm vào phòng ăn, trong khi ba mẹ và các em ăn cùng nhau, thấy tủi thân lắm!” - H. Thương tâm sự.

 

Những ngày cuối tuần, có nấu món gì ngon, H. Thương đều đem lên mời cha mẹ chồng nhưng đều bị từ chối khéo. Nhìn đĩa thức ăn mình chế biến nguội lạnh trên bàn, nhiều lần cô trốn vào phòng khóc một mình. Cộng với áp lực công việc những ngày cuối năm, H. Thương không còn thiết tha chuyện nấu nướng. K. Dũng lại không thích ăn cơm tiệm, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng trẻ bắt đầu nảy sinh.

 

Chuyện của tiêu hành, tỏi, ớt

 

Không chịu cảnh tủi thân như H. Thương, mâu thuẫn mà T. Châu phải chịu xuất phát từ tính nhỏ nhen của chị dâu.

 

Mẹ chồng ở quê, trao nhà lại cho hai anh em T. Khanh nên khi lập gia đình, hai anh em quyết định chia không gian nhà để tự do sinh hoạt.

 

Là em, lại ở cơ quan nhiều hơn ở nhà nên vợ chồng T. Khanh nhường anh chị ở tầng dưới, gian bếp thì vẫn sử dụng chung. Ban đầu, mọi chuyện diễn ra tốt đẹp nhưng khi thấy mình ít nấu nướng mà muối, đường, gia vị... lại thất thoát quá nhiều, T. Châu bắt đầu để ý.

 

Biết chị dâu hay táy máy nhưng sợ anh chồng nghĩ mình bủn xỉn nên T. Châu bắt đầu nói bóng gió nhưng tình hình không cải thiện được gì. Ấm ức của cô bùng lên khi một chiều, đi làm về, T. Châu thấy hũ đường mới mua đầy của mình vơi hơn phân nửa. T. Châu tức nghẹn không nói được lời nào. Cô bắt đầu chửi chó mắng mèo.

 

Chị dâu T. Châu không vừa, cũng buông những tiếng khó nghe. Lời qua tiếng lại mãi, hai ông chồng cũng không chịu nổi. Không khí trong nhà từ đó trở nên ngột ngạt. Mỗi lần mẹ chồng lên thăm, thấy chị dâu được dịp kể khổ, T. Châu càng khó chịu. Cô bàn với chồng xin phép mẹ bán nhà, lấy vốn ra ở riêng nhưng đề xuất này càng làm hình ảnh T. Châu xấu hơn trong mắt mẹ chồng. Hai bà nội trợ vốn trước nay ít chuyện trò, nay lại càng lạnh lùng với nhau.

 

Mẹ chồng là trên hết

 

Khác với kết cục bi đát của những bà nội trợ trẻ, chị Lilomi, thành viên của diễn đàn web Trẻ Thơ đối mặt với việc chia bếp với gia đình chồng rất khéo léo.

 

 Dù ban đầu, vợ chồng chị phản đối quyết liệt nhưng khi mẹ chồng đã cương quyết, Lilomi quyết định ăn riêng nhưng cơm thì nấu chung nồi với lý do đỡ tốn điện và đỡ công nấu nướng. “Đây chính là sợi dây tình cảm còn lại cho bữa ăn đấy!” - chị chia sẻ.

 

Biết mẹ chồng có “tay nghề” đi chợ, chuyên mua đồ rẻ mà ngon, chị tự nhận mình đi chợ không bằng mẹ, hết lời ca ngợi để mẹ chồng đảm đương việc đi chợ. Mỗi ngày, chị ghi ra giấy các món ăn mình cần để mẹ chồng mua giúp rồi về chế biến. Chi phí điện, nước, gas, mắm muối... và các sinh hoạt phí trong ngày, chị đều “cưa đôi” với mẹ chồng.

 

Vào những ngày cuối tuần, Lilomi lại là người thường xuyên xung phong mua đặc sản thết đãi cả nhà để tăng tình thân mật. Tuy hơi mất thời gian nhưng không khí sinh hoạt của cả nhà đã được cải thiện một cách đáng kể.

 

Chị tiết lộ: “Tuy ăn riêng nhưng vẫn phải quan tâm xem ba mẹ chồng ăn gì hằng ngày để các cụ khỏi buồn, thậm chí có lúc ăn tranh cả canh, cả thức ăn của ông bà để ông bà thấy mình quan trọng trong mắt con cái...”.

 

Với cách thức “mẹ chồng là trên hết” này, không cần phải đến nhà chứng kiến, cũng có thể thấy những mâu thuẫn từ chuyện chung nhà, riêng bếp của những cặp vợ chồng trẻ có thể dễ dàng giải quyết.

 

Tuy nhiên, điều kiện cốt yếu vẫn là sự dung hòa giữa tình cảm của những người trong cùng một gia đình. “Tôi đang cố gắng gây dựng lại tình cảm” - cô gái trẻ H.Thương nói về cách giải quyết mâu thuẫn của mình như thế. Con đường vun vén nếp nhà của cô gái này vướng mãi một ước mơ: “Giá như, mẹ chồng tôi mở lòng một chút”.

 

Theo Mai Hoa

Người Lao Động