Nói ra lại bảo kể xấu chồng

Hàng xóm láng giềng ai cũng bảo chồng là lúc nào cũng tươi cười, “chắc chẳng bao giờ biết cáu với vợ con”, nhưng có lẽ không ai biết được một “bí mật” của chồng mà chỉ có vợ mới thấu hiểu.

 

Nói ra lại bảo kể xấu chồng


 

Nhà mình đang ở giai đoạn cao điểm bận rộn: Cu Ben mới 7 tháng tuổi đã phải gửi nhờ bác hàng xóm trông cho khi vợ chồng mình chưa tìm được người giúp việc. Bà nội thì yếu, bà ngoại cũng vướng cháu nội không lên được. Cu Tũn thì đã vào lớp mẫu giáo nhỡ nhưng thi thoảng lại ho sốt phải nghỉ ở nhà.

 

Hôm nào vợ về đến nhà là cũng gần 6 giờ, mùa hè còn đỡ, mùa đông thì cứ nhọ mặt mới được về với con. Hôm nào tắc đường thì còn muộn hơn. Vợ biết như vậy nên luôn cố gắng thu xếp công việc để có thể về sớm nhất đón con và cơm nước.

 

Cứ hôm nào đi làm về mà thấy cơm nước tinh tươm, là chồng tươi lắm như mấy bác hàng xóm vẫn bảo “thấy mặt là thấy cười rồi”, đỗ xe, thơm con, đi tắm rồi xuống chỉ việc ngồi mâm.

 

Nhưng hôm nào về nhà mà vợ còn bận tắm cho con, cho con ăn bột, cơm nước chưa ra đâu vào đâu là vẻ mặt chồng khác ngay: đôi lông mày nhíu lại, giọng không mấy nhẹ nhàng.

 

Thứ 5 tuần trước, vợ tắc đường về muộn nên khi chồng về, mới chỉ cắm được nồi cơm và nhặt rau, chưa làm được món nem tai như đã bảo với chồng từ sáng. Chồng về, đỗ xe, đi qua bếp mở lồng bàn chỉ thấy đĩa rau và bát nước chấm, chồng bảo, “Thôi nem gì nữa, cho tai lợn vào mà luộc cho nhanh”.

 

Biết được chồng đói, vợ liền giải thích ngay rằng hôm nay tắc đường và phải tranh thủ tắm cho con vì trời đang lất phất mưa, tối sợ con lạnh. Chồng không đáp lại gì, chỉ thở dài một tiếng rồi xuống luộc thịt. “Xoảng”, vợ nghe tiếng chồng để cái vung nồi xuống bàn bếp thật mạnh, có lẽ chồng đang trút sự khó chịu vào cái vung. Rồi cách chồng để bát đũa xuống mâm cũng đủ người lớn, chứ chẳng nói trẻ con cũng phải giật mình, tiếng bước chân chồng ở cầu thang nó cũng khác mọi ngày, nó ầm ố và nặng nhọc…Vợ biết tâm trạng chồng thế nào…

 

Đã hơn 5 năm lấy nhau, vợ hiểu chồng hơn ai hết, hiểu cả cái đặc điểm này của chồng. Nếu chỉ là lần một, lần hai thì vợ sẽ chẳng có gì phải để tâm nhưng điều này đã trở thành một thói quen của chồng.

 

Tầm này năm ngoái khi vợ đang mang bầu cu Ben, hôm đó có ông bà nội lên chơi, đến bữa cơm trưa vợ lại bận chút việc cơ quan phải khởi động máy tính nên cả nhà phải đợi cơm. Thấy vợ ngồi vào bàn khi đến bữa, nét mặt chồng đổi khác, rồi lẩm bẩm “Đến bữa thì lại vác máy ra làm, lắm chuyện quá”. Nếu vợ không biết nhịn là hai vợ chồng chắc hẳn đã to tiếng có phải lại xấu hổ với bố mẹ không.

 

Có hôm cuối tuần chồng bảo thích ăn món nem rán, vợ ủng hộ ngay. Vợ mới chỉ ngâm miến, mộc nhĩ và nấm hương được vài phút, chồng đã giục ầm lên là được rồi và đem ra thái trong khi chúng vẫn chưa kịp nở. Rau sống vợ cũng vừa ngâm muối, chồng đã bỏ ra luôn. Khi vợ bảo thì chồng gắt lên “Sạch vừa thôi, sạch lắm chẳng giải quyết được vấn đề gì. Sạch mà cứ dạ dày dạ mỏng suốt”. Thế rồi y rằng bữa nem hôm đó mất hết cả vị vì mộc nhĩ, nấm hương, miến vẫn dai ngoách. Khi chồng đói là chồng phản ứng như vậy, cái gì cũng chỉ muốn ào ào cho xong.

 

Không ít lần về nhà chồng cáu vô cớ với vợ, có hôm quát, thậm chí phết mông cu Tũn mà con chỉ có bật ti vi hơi to chút. Rồi sau khi ăn được một bát cơm, vẻ mặt chồng “giãn” dần ra, lấy lại thăng bằng, lại tươi cười với vợ con.

 

Vợ đã góp ý với chồng không biết bao nhiêu lần về biểu hiện rất xấu của chồng khi đói (cứ đói là hay nhăn, hay gắt rồi đá thúng đụng nia) mà sao không thấy chồng thay đổi nhiều, có chăng cũng chỉ được vài ba hôm. Nếu chồng đói, chồng có thể ăn tạm cái gì đó, hoặc biết vợ đang bận thì cùng giúp vợ cơm nước, việc nhà. Có nói thì chồng lại bảo, đàn ông ai chẳng thế, rằng “có thực mới vực được đạo. Người ta nói nhưng có để bụng gì đâu”, rồi có hôm lại bảo “Tắc đường về mệt quá nên mới như vậy”.

 

Nhà mình đang lúc cao điểm bận rộn, công việc mới lại nhiều thách thức, vợ luôn cố gắng để chu toàn, nhưng đôi khi chỉ những biểu hiện mà chồng cho là không có gì như vậy cũng đủ gây thêm áp lực cho vợ. Nếu vợ cũng giống chồng, cứ tắc đường, đói về nhà là mặt nặng mày nhẹ thì có phải mỗi lần như vậy nhà mình lại có “chiến tranh” không? Mong chồng hiểu, thông cảm và biết sẻ chia với vợ hơn.

 

N.M