Nền tảng vững chắc của gia đình

(Dân trí) - Phượng và Hoàng tìm hiểu nhau được 5 tháng và quyết định chuẩn bị làm đám cưới. Mọi người đều e ngại trước quyết định vội vàng này. Nhưng cả hai đều rất nóng lòng muốn được sống bên nhau, chăm sóc nhau trong cuộc sống gia đình.

Tình yêu sét đánh đã đến với họ trong lần gặp mặt đầu tiên. Phượng vừa bị bạn trai phản bội, thất tình đến một quán bar để có thể quên cuộc tình đau đớn thì gặp Hoàng cùng một vài người bạn đến bàn công chuyện. Thấy cô gái trẻ một mình trễ nải ngồi uống rượu mạnh như nuốt đắng cay, anh chủ động bước tới khuyên giải.

 

Bao cay đắng âm thầm trong lòng cô gái như đột ngột trào lên, không thể kìm nén: “Mặc tôi, liên quan gì tới anh nào. Đàn ông thật ghê tởm!”. Hoàng lặng lẽ trở về bàn mình.

 

Phượng chưa kịp nở nụ cười cay độc đắc thắng thì anh đã quay lại, mấy người bạn đi cùng anh lắc đầu ái ngại đứng dậy. Anh nhẹ nhàng: “Cho tôi ngồi cùng nhé!”.

 

Từ hôm ấy, anh thường xuyên gửi hoa động viên (dù cô vẫn không biết tên anh, không biết anh là ai, ở đâu).Tuy nhiên Phượng đi đâu, làm gì cũng đều trong tầm theo dõi của anh… Mỗi khi cô gặp chuyện rắc rối đều có anh ra mặt giúp đỡ. Rồi họ cũng biết rõ về nhau.

 

Hai tháng sau buổi tối định mệnh ấy, Hoàng nói thật là anh yêu Phượng, yêu ngay từ ngày đầu nhìn thấy cô trong quán bar. Còn Phượng cũng cảm thấy tình yêu thực sự mà mình tìm kiếm bấy lâu nay - một người đàn ông tử tế, cao thượng và lãng mạn.

 

Nhưng cả hai rất bối rối trước việc phải thuyết phục thế nào để bạn bè và gia đình hiểu nguyện vọng được chung sống với nhau của họ, rằng tình yêu của họ đã chín muồi, đã đủ để làm nên nền tảng vững chắc cho một gia đình.

 

Vấn đề của họ không phải đi xin sự ủng hộ của mọi người mà phải dần dần chứng minh với mọi người: hôn nhân bền vững hay lỏng lẻo không phụ thuộc vào thời gian tìm hiểu nhau dài hay ngắn mà phụ thuộc vào cách sống, thái độ cư xử với nhau giữa vợ và chồng. Và nền tảng để nuôi dưỡng một gia đình hạnh phúc bền vững ngoài tình yêu còn cần:

 

Coi gia đình là số một:

 

Nếu bạn có thái độ trân trọng đối với gia đình, nếu bạn biết chăm lo tới gia đình, đặt lợi ích của những người thân lên số một (trước tất cả mọi thứ khác) thì bạn sẽ có được một gia đình mà bạn muốn có.

 

Gia đình là “chúng mình”:

 

Gia đình là “vợ chồng” chứ không phải tập hợp của hai cá thể, mạnh ai nấy làm. Thuật ngữ dùng trong hạnh phúc là “chúng mình” chứ không phải là “anh” hoặc “em” đơn lẻ.

 

Xưng hô với nhau lịch sự:

 

Các cụ đã dạy: “Phu phụ tương kính như tân” tức “vợ chồng trọng nhau như khách”. Vì vậy bí quyết của những đôi vợ chồng hạnh phúc là không tiếc lời khen, động viên nhau còn những lời chê trách thì chỉ dùng ở dạng nhẹ nhàng, kín đáo, “làm khách” với nhau. Thật là tệ nếu bạn bình thường thì đối xử rất tế nhị, lịch sự với người ngoài nhưng lại không đoái hoài gì đến tâm trạng của người thân.

 

Dân chủ trong gia đình:

 

Tất cả các quyết định trong một gia đình hoà thuận là được cùng nhau thông qua.Tất cả mọi ý kiến đều được chú ý đến, kể cả ý kiến của con cái.

 

Quan tâm lẫn nhau:

 

Muốn gia đình thuận hoà thì mọi người trong nhà phải dành thời gian quan tâm lẫn nhau. Lắng nghe mọi người trong nhà tâm sự và thực sự thương yêu giúp đỡ mọi người giải quyết những vấn đề mà họ mắc phải. Nên nhớ rằng mọi công việc tốt không bao giờ có thể thay thế một gia đình hạnh phúc.

 

Mối quan hệ giữa các thế hệ:

 

Trong gia đình, mối quan hệ giữa các thế hệ càng tốt đẹp bao nhiêu thì gia đình càng bền vững bấy nhiêu. Mọi người trong nhà phải biết hi sinh lợi ích cả nhân cảu mình để giúp người thân cùng tiến bộ. Các thành viên trong nhà phải biết giúp đỡ những người xung quanh cũng như tích cực tham gia các hoạt động xã hội khác.

 

Thái Anh