Mùa dã quỳ

(Dân trí) - Chiếc xe lao nhanh khỏi con đường đất đỏ cuốn bụi mù mịt, hai bên vệ đường hoa dã quỳ nhuốm bụi ngả một màu đỏ quạch, mùi thơm hăng hắc len lỏi vào cửa kính ô tô như gửi lại chút kỷ niệm gì của cao nguyên với những người lữ khách…

Dã quỳ



Hải rút chiếc khăn lạnh lau mặt cho tỉnh táo, chiếc khăn nhuốm màu đỏ anh móc túi lấy chiếc điện thoại mở file picture. Trên màn hình nhỏ xinh xắn Hà đang mỉm cười, sau lưng là rặng dã quỳ ngả màu vàng rực chạy suốt tận chân đồi… Hà vẫn vậy duyên dáng, thùy mị, chỉ có đôi mắt, đôi mắt to đượm buồn giữa chốn hoang vu càng trở nên thăm thẳm.
 
Đã gần mười năm qua kể từ ngày anh rời mảnh đất này, rời cô và xa luôn cái mùi thơm hăng hắc của dã quỳ để chạy theo những thứ không thuộc về mình, chốc nữa thôi, thành phố với những con đường tắc, đông nghịt với những con người xa lạ sẽ đón anh, căn nhà lạnh tanh với một mớ thức ăn sẵn chất đầy tủ lạnh làm anh ngán tận cổ, anh bỗng thấy thèm bát cơm gạo xấu với măng chua đầu cá cay xé họng mà Hà đãi anh sáng nay. Hải cố nén tiếng thở dài, nhắm mắt…
 
Anh và Hà quen nhau trong một chuyến lên thực tập, khi ấy cô đã là giáo viên tiểu học ở một trường vùng cao, còn anh đang mài đũng quần trên ghế giảng đường, ăn lương "u-ta-chi" của mẹ. Chính cái nét dịu dàng, bẽn lẽn của cô đã thu hút anh ngay từ đầu với tình đồng hương càng gắn kết họ với nhau. Tình yêu qua những cánh thư thật xúc động…
 
Hà kể, viết thư xong phải đạp xe gần mười cây số để gửi, những ngày nghỉ lễ cô lại tất tưởi lên thăm, hành lý mang theo bao giờ cũng có một bao gạo, cái thứ gạo rẻ đổ bao nhiêu nước cũng không bị nhão mà Hải vẫn thích ăn và một hũ măng chua, cô bảo nấu ăn vừa rẻ vừa đảm bảo… Tình yêu của Hà thật đẹp và giản dị như chính con người cô vậy, một tình yêu vừa thủy chung vừa phục tùng tuyệt đối.
 
Thấm thoắt bốn năm vất vả nhanh chóng trôi về những ngày cuối cùng, nhìn lũ bạn háo hức hớt hải với tập hồ sơ trên tay Hải sốt ruột với những câu hỏi “ra trường làm gì?...”, “xin việc ở đâu chưa?...”. Không! Nhất quyết phải trụ lại thành phố này, ít ra còn cơ hội chứ về quê hay lên cái xứ “khỉ ho cò gáy”, không điện không nước đó với Hà thì… Chao ôi! Chôn vùi tuổi xuân, còn gì mà mơ với mộng…
 
Ngày Hải bắt xe lên đây cũng một ngày nắng gắt, cũng chính con đường này bụi cuộn lên mù mịt, hai bên đường dã quỳ um tùm, tỏa mùi thơm hăng hắc. Dù không đến được với nhau thì cũng gặp nhau một lần cho đàng hoàng… Hà và mấy cô bạn đón anh trong căn nhà tập thể xập xệ, mái ngói thủng lỗ chỗ, đêm nằm có thể thấy cả sao trời. Hình như Hà linh cảm được điều gì đó, suốt cả ngày mặc cho mấy cô bạn trêu chọc, cô vẫn im lặng, đến lúc anh chuẩn bị lên xe cô mới nắm chặt tay anh, đôi mắt buồn ngân ngấn: “Anh lên chuyến này, em có cảm giác không còn gặp lại anh nữa, anh yên tâm theo đuổi sự nghiệp đi, lúc nào buồn hãy gọi cho em” - chỉ có thế, những cánh thư thưa dần rồi mất hút, không biết từ bao giờ cô trở thành người cũ…
 
Xe xóc mạnh khiến Hải giật mình, anh đưa tay dụi mắt, ánh đèn đường vàng oạch báo hiệu sắp vào thành phố. Không biết giờ này Ngọc có ở nhà hay đang vô tư tám chuyện với mấy cô bạn ở tiệm làm đầu? Từ lâu lắm căn nhà rộng thùng thình mà ông bố vợ tặng cho trở nên vắng ngắt, căn bếp lạnh tanh vì không có người đụng đến, đồ ăn thức uống trong tủ lạnh, thích gì ăn nấy không thì ra tiệm, “cuộc sống hiện đại ngu gì biến mình thành nô lệ việc làm”, thứ triết lý lạnh lùng của kẻ đứng tên chủ hộ khiến anh sởn hết da gà… Những ngày công tác Tây Nguyên là những ngày đáng sống nhất, không biết giờ này Hà ngủ chưa, có nghĩ đến anh không, anh bỗng nhớ con đường đất đầy bụi và những cụm dã quỳ tỏa hương hăng hắc trong làn gió thoảng.

Đình Dũng