Làm mẹ bất đắc dĩ

Làm mẹ là chức năng trời phú cho người phụ nữ, cũng là niềm hạnh phúc lớn lao không gì so sánh được. Tuy nhiên, có những đứa trẻ ra đời trong hoàn cảnh mà người mẹ chưa muốn hoặc chưa thể sinh con. Đó là vấn đề bạn gái nên cân nhắc.

Một bác sĩ Khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Phụ sản TPHCM cho biết, cứ sau những ngày lễ hội khoảng một, hai tháng là số lượng các em gái trong độ tuổi teen đến “giải quyết hậu quả” tăng vọt.

 

Trung bình, mỗi ngày khoa điều trị khoảng 100 trường hợp, 10% trong số đó là vị thành niên. Một số em để thai quá to mới đi giải quyết, điều này rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

 

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cho biết, mỗi năm thực hiện hàng nghìn ca nạo phá thai, trong đó nhiều thiếu nữ còn rất trẻ, 50% ở tuổi 18 - 25, hầu hết là sinh viên. Một buổi sáng có 15 người được tư vấn trước khi nạo thai, thì 9 là sinh viên. Tuổi càng nhỏ thì thai càng lớn đến 4 - 5 tháng, thậm chí 6 - 7 tháng. Có em thắc mắc sao một lần “ấy” cũng chửa, tưởng phải mấy lần? Đó là chưa kể Hà Nội còn có hơn 3.300 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, trong đó có 150 nơi chuyên về phụ khoa mà nơi nào cũng sẵn sàng nạo phá thai, kể cả 7 - 8 tháng tuổi.

 

Nhiều người không có ý thức về những hậu quả do việc nạo phá thai gây ra. Có người bảo con gái trong nhà như quả bom nổ chậm, nhưng bây giờ không lo vì nhỡ có bom thì “tháo kíp” là an toàn.

 

Sự thiếu hiểu biết này rất nguy hiểm, vì có thể gặp một số rủi ro biến chứng, tai biến ngay trong khi thực hiện thủ thuật như băng huyết, rách cổ tử cung. Sau khi nạo, có em còn bị sót nhau dẫn đến nhiễm khuẩn, dính buồng tử cung gây vô kinh, ít kinh, vô sinh. Một số biến chứng trở thành di chứng, đó là bệnh nghẹt ống dẫn trứng (gây vô sinh), có trường hợp phá thai “chui” bị thủng tử cung, nếu không cấp cứu kịp có thể tử vong.

Cho nên để tránh có con ngoài ý muốn, các em cần được giáo dục về sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng tránh, không nên để lỡ có thai rồi không còn con đường nào khác là đi nạo hút.

 

Hiện nay, tình trạng “sống thử” của sinh viên vẫn tăng và hầu như mọi con đường “sống thử” đều dẫn đến bệnh viện phụ sản.

 

Hai người trẻ tuổi đang yêu nhau say đắm mà sống như vợ chồng, khó có thể không làm chuyện đó. Mà làm nhiều lần thì dù có dùng biện pháp phòng tránh thai, cũng không thể an toàn 100%.

 

Cho nên nếu quyết định “sống thử” với ai đó, các bạn nên bàn bạc với nhau tình huống có thai thì xử lý thế nào? Có dám làm dám chịu? Trót có thai thì đẻ ra mà nuôi, khó khăn vất vả chấp nhận vượt qua.

 

Các bậc cha mẹ cũng không nên coi biện pháp nạo phá thai như một giải pháp an toàn và khi biết con gái có thai là nghĩ ngay tới cách đó. Không ít trường hợp rủi ro để ân hận suốt đời.

 

Tôi biết một người cha hơn 50 tuổi, đã mấy hôm nay vợ chồng ông mất ăn mất ngủ vì con gái đang là sinh viên năm thứ ba lỡ có thai. Người yêu của con ông cũng là sinh viên cùng lớp và gia đình cậu ấy đã đến gặp gia đình ông, xin phép cho hai cháu kết hôn. Nỗi lo của ông là cả hai cùng là sinh viên thì chúng nuôi con làm sao, rồi việc học hành dở dang hết cả.

 

Ông khuyên con gái phá thai nhưng cả hai đều không chấp nhận, chúng xin đẻ con ra thì nuôi, vừa đi học vừa làm để nuôi con, dù có phải học chậm lại một năm cũng được và đó là lựa chọn của chúng. Nhưng vợ chồng ông không tán thành đám cưới đó và cố thuyết phục con gái đi nạo phá thai, khiến cho mọi người trong hai gia đình đều lo nghĩ, buồn khổ vô cùng. Thực ra đôi trai gái ấy là những người đã trưởng thành, họ yêu nhau tha thiết và nên để họ tự quyết định vấn đề của họ.

 

Lại có một người mẹ kể rằng: Một buổi sáng con gái chúng tôi đi ra khỏi nhà để đến trường cũng giống như mọi buổi sáng khác. Cô bé sẽ tốt nghiệp trong năm nay và đang nuôi mộng làm cô giáo.

 

Lúc 9 giờ 30, tôi đang làm việc ở nhà thì chuông điện thoại reo. Giọng cô y tá trong trường có vẻ nghiêm trọng: “Con gái bà đang ở trong phòng tôi. Cô bé có điều cần nói với bà”. Cổ họng tôi như bị ai chặn lại khi con gái tôi cầm máy. Giữa những tiếng khóc nức nở của nó, tôi nghe rõ: “Mẹ ơi, con có thai”.

 

Tôi cố kìm lòng để không bật ra tiếng khóc và nói: “Về nhà đi con yêu. Về nhà ngay đi”. Tôi gọi ngay cho chồng tôi lúc đó đang đi trên đường. Vừa khóc, tôi vừa báo tin dữ cho anh. Anh quay xe về nhà ngay.

 

Mấy phút sau tôi nghe tiếng cửa ga - ra mở, chồng tôi đã về. Tôi nhìn ra cửa sổ phòng khách thì thấy bóng chiếc xe máy của con gái cũng đang rẽ vào nhà. Chồng tôi lao ra khỏi ga - ra, mở cửa trước đúng lúc con gái tôi chạy ào lên bậc thềm và lao vào vòng tay giang rộng của cha. Tôi đứng sững đó đầm đìa nước mắt nhìn cảnh hai cha con yên lặng ôm chầm lấy nhau. Tôi thầm nói: “Mẹ yêu con. Mẹ tha thứ cho con...”.

 

Thế rồi con gái chúng tôi tốt nghiệp cùng với cả lớp và hai tháng sau sinh một đứa con kháu khỉnh, đứa cháu ngoại đầu tiên của chúng tôi. Mấy phút sau khi sinh, con gái tôi trao con cho cha là ông ngoại của đứa trẻ và anh giơ thẳng hai tay ra đón cháu. Khi chăm sóc cháu, chúng tôi biết rằng đôi khi điều hạnh phúc lớn lao nhất của chúng ta đến từ những tình huống mà chưa bao giờ chúng ta nghĩ tới. Nhưng chúng ta phải yêu thương vô điều kiện và đón nhận bằng vòng tay rộng mở.

 

Theo Trịnh Trung Hòa

Hạnh phúc Gia đình