Kỷ luật phù hợp với bé tuổi mới biết đi

(Dân trí) - Hãy nghĩ về kỷ luật với con như một hình thức giảng dạy, chứ không phải đòn trừng phạt.

Kỷ luật phù hợp với bé tuổi mới biết đi - 1

Con bạn cần học cách hòa nhập với người khác và giữ an toàn. Mọi đứa trẻ đều háo hức học điều mới, nhưng những bài học quan trọng nhất là biết chia sẻ, kiên nhẫn, hợp tác, thận trọng sẽ mất vài năm để thấm nhuần.

Là người thầy đầu tiên của con, nhiệm vụ của bạn chính là củng cố các bài học cho con với sự nhất quán, kiên nhẫn và lòng bao dung.

Sự nhất quán của cha mẹ đặc biệt quan trọng với trẻ trong giai đoạn này. Nếu ngày hôm qua việc chơi máy tính của mẹ là có giới hạn về thời gian, thì ngày hôm nay cũng phải vậy. Đừng ngại nhắc đi nhắc lại với con, một đứa trẻ luôn cần được nghe đi nghe lại hàng trăm lần trước khi thực sự nhận được thông điệp của người lớn.

Khi con có hành vi chưa ngoan chính là lúc con không cần cha mẹ "lên lớp". Đơn giản bạn hãy đưa ra cho con câu trả lời kiên định "Không", với một lời giải thích nhanh như "nó có thể làm con bị thương" hoặc "đây không phải đồ chơi". Sau đó bạn hướng con đến một hoạt động khác con thích. Trẻ có khả năng tập trung rất ngắn nên chúng sẽ nhanh chóng chuyển sang hoạt động mới.

Time-out (để con lại một mình) là hình phạt có thể khá hữu ích, song trẻ nhỏ hơn 3 tuổi thường không hiểu khái niệm này. Đối với trẻ nhỏ hơn, time-out là hình phạt khiến trẻ bối rối và cảm thấy nặng nề. Nếu con bạn đủ lớn để hiểu được về khoảng thời gian chờ này, bạn có thể áp dụng hạn chế trong ba phút hoặc ít hơn - chỉ cần đủ dài cho con lấy lại khả năng kiểm soát bản thân.

Hãy đưa cho con "một chiếc ghế hư" thay vì bắt con ở một mình trong phòng. Con bạn sẽ ngồi lên chiếc ghế đó, để có thời gian suy ngẫm và lấy lại bình tĩnh. Bạn có thể cân nhắc đến việc ngồi cùng còn, nhờ vậy con sẽ bình tĩnh trở lại nhanh hơn.

Bất kể hành vi của trẻ có "hư" đến mức nào, việc đánh con không bao giờ nên là lựa chọn của cha mẹ. Đánh con chỉ mang đến cho trẻ bài học "sợ cha mẹ". Và dù bạn không bao giờ có ý làm tổn thương con, bạn rất dễ mất kiểm soát khi đang tức giận. Nếu bạn cảm thấy muốn đánh con, hãy dành cho chính mình khoảng thời gian time-out để cảm xúc tiêu cực trôi qua.

Kỷ luật không phải lúc nào cũng nên hiểu theo hướng tiêu cực. Việc bạn ngợi khen con khi bé làm việc tốt như biết chia sẻ đồ chơi hay dọn dẹp một đống lộn xộn cũng là kỷ luật. Con sẽ hiểu được rằng không phải chỉ có hành vi xấu mới thu hút được sự chú ý của người lớn.

Cuối cùng, việc mang lại ý thức kỷ luật cho con cần thực hiện hết sức nhẹ nhàng. Đừng đặt con vào những tình huống con không thể xử lý được. Ví dụ không đưa con đi mua sắm quá lâu nếu con đang đói, không để những đồ vật con không được phép chạm vào ở ngay gần trước mặt con. Hãy mang lại nhiều cơ hội nhất cho con chơi và khám phá, giảm tối đa các cơ hội đẩy con vào rắc rối.

Huyền Anh
Theo Babycenter