Gọi điện cho bố

(Dân trí) - Buổi tối ngồi ăn cơm, chương trình dự báo thời tiết thông báo, miền Bắc đang lạnh, Hà Nội nhiệt độ dưới 20 độ C. Thằng bé ngơ ngác, bần thần: “Con sợ bố bị cảm mẹ ạ”. Chị chạnh lòng bối rối. Nó vẫn nhớ những điều chị đang tập dần quên.

Ăn cơm xong, thằng nhỏ xin phép mẹ gọi điện cho bố.
 
Gọi điện cho bố


 

“Bố ạ, con đây. Con nghe dự báo thời tiết nói trời lạnh. Bố có bị cảm cúm không?... Vâng... dạ... Thế bà thì sao?... Con nhớ bố lắm. Khi nào mẹ có em bé, con sẽ bảo mẹ cho bố em bé đó để bố không phải ở một mình nữa... Không, con không về ở với bố được. Nếu vậy mẹ lại ở có một mình thôi... Con còn học ở đây nữa...”

 

Nó cứ rủ rỉ nói chuyện. Chỉ cần nghe con nói, chị biết bố nó đang bảo những gì.

 

Những cuộc điện thoại như thế cứ thi thoảng lại xoáy lên giữa cuộc sống đã dần bình lặng của hai mẹ con chị. Sự ngây thơ của con trẻ làm nát lòng người lớn. Sau mỗi cuộc điện đàm đầy yêu thương, trìu mến đó, thằng bé luôn đối diện chị với câu hỏi: “Vì sao mẹ con mình không về sống cùng với bố. Con nhớ bố lắm”. Luận điểm “vì bố mẹ không nghĩ giống nhau” của chị không còn thuyết phục được nó nữa. Vì nó còn có lập luận đơn giản hơn thế nữa: “Sao mẹ không nghĩ giống bố đi?” Ừ, giá mà người lớn nghĩ và làm gì cũng giản dị và minh bạch như lý lẽ con trẻ nhỉ!

 

Thằng bé mỗi ngày mỗi lớn. Nó cũng thôi không còn rơm rớm nước mắt mỗi khi ai hỏi chuyện vì sao nó không sống cùng bố. Nhưng không phải nó đã quên nỗi buồn thiếu bố. Ngày qua đi, hình như nó lại phát hiện thêm nhiều khía cạnh khác của sự việc này. Ngồi ăn cơm, sau khi bày bát, so đũa cho hai mẹ con, nó bảo: “Con mời mẹ ăn cơm. Giá như con được mời bố nữa mẹ nhỉ?”. Mặc quần áo, nó thích nhất cái áo phông “cá sấu” màu đen chỉ vì lý do “bố cũng mặc như thế”. Nó hồn nhiên, chị xót xa, day dứt.

 

Đỗ Dương