Đừng biến con thành vũ khí

(Dân trí) - Không chấp nhận thực tế hôn nhân tan vỡ, nhiều ông bố bà mẹ đã đưa con cái vào cuộc, những mong cứu vớt hạnh phúc mong manh của gia đình mình. Họ đã không thể ngờ rằng những hành động đó vô hình chung làm tổn thương tâm hồn trong sáng của trẻ….

“Nếu bố bỏ mẹ chúng con sẽ chết”

 

Hai đứa con của anh Hoàn đã tuyên bố như vậy khi anh quyết định ly hôn chị Hạnh. Anh biết chúng nó sẽ phản ứng nhưng không ngờ lại phản ứng mạnh đến thế.

 

Anh chị quen nhau từ thủa học đại học. Trước đó, anh có một mối tình sâu đậm với một em cùng trường, bạn bè ai cũng biết. Chị rất yêu anh nhưng đành khóc thầm vì nghĩ mình không có cơ hội. Rồi bỗng nhiên họ chia tay nhau vì cô gái đi học ở nước ngoài. Hy vọng lại lóe lên và chị lấy anh trong niềm vui sướng ngập tràn. Chị nghĩ “âu nó cũng là cái số” và “dần dần, cuộc sống gia đình sẽ làm anh yêu chị hơn”.

 

Vậy mà đến khi có 2 mặt con, chị cũng chẳng có lỗi lầm gì, vẫn luôn cố gắng đóng vai trò là một người vợ đảm thì bỗng dưng anh Hoàn đòi ly hôn. Thì ra anh đã lén lút quan hệ với người yêu cũ vừa về nước mà chị không hay.

 

Chị bàng hoàng không tin vào những gì đang xảy ra. Gia đình bạn bè khuyên can nhưng anh nhất định không nghe, nhất quyết không để mất tình yêu một lần nữa. Biết anh không thể dứt tình với con, chị quyết định đưa lũ trẻ vào cuộc để cứu vớt cuuộc hôn nhân mà chị không hề muốn đổ vỡ.

 

Chị không ngần ngại kể cho các con biết chuyện phản bội của bố chúng như thế nào. Bằng cái thế của người bị hại, chị kết tội anh với các con: Rằng anh không hề nghĩ đến chị, đến gia đình đến các con mà chị biết chạy theo tình yêu. Rằng chị đã không làm sai điều gì, luôn sống vì chồng vì con, còn anh thì lại phản bội chị bao lâu nay, đang tâm phá hoại hạnh phúc gia đình. Anh chính là tội nhân của chuyện đổ vỡ này.

 

Những đứa trẻ dù không hiểu nhiều chuyện của người lớn nhưng chúng hiểu rằng, mẹ chúng không có tội và là nạn nhân của bố. Chúng bắt đầu có thái độ khác với bố. Chúng không những không gần gũi bố như trước mà còn xa lánh. Mỗi lần đi đâu về anh mua quà, chúng không thèm nhận và ăn. Nếu anh Hoàn trách mắng và dạy bảo khi các con mắc lỗi, chúng sẽ cãi lại rằng anh cũng chẳng tốt đẹp gì, không đủ tư cách để dạy dỗ chúng. Nghe các con “đấu khẩu” với bố như thế, thay vì nghiêm khắc với con như trước chị Hạnh còn phụ họa vào: “Thượng không nghiêm thì hạ tắc loạn”, làm bọn trẻ càng được đà lấn lướt.

 

Thậm chí, chị Hạnh còn nói các con đưa ra tối hậu thư với bố rằng: “Nếu bố nhất định bỏ mẹ và bỏ chúng con, chúng con sẽ tự tử cho bố xem”. Mặc dù rất nặng lòng với người yêu cũ và muốn hàn gắn lại những tháng năm đã mất với tình nhân nhưng vì thương con anh không thể bỏ mặc. Cứ như thế, anh dùng dằng trong ý nghĩ đi và ở. Cứ như thế hai đứa trẻ trở thành vũ khí đắc lực để chị Hạnh trừng phạt chồng về những lỗi lầm gây ra.

 

Cũng tương tự là trường hợp nhà anh Sơn. Anh Sơn và chị Vân chung sống với nhau được hơn mưòi năm nhưng do quan điểm sống khác nhau, mâu thuẫn dồn nén bấy lâu nay lại có dịp bùng phát. Anh Sơn quyết định sống ly thân nhưng chưa kịp chuyển đồ thì anh nhận được tin nhắn của con trai: “Nếu bố nhất định bỏ mẹ và con thì con cũng không muốn sống ở nhà này nữa. Con sẽ bỏ nhà đi bụi”.

 

Thương con, anh Sơn quyết định dọn về. Đến lúc này anh mới biết mọi kế hoạch đều do chị vạch ra. Chị cấm con không được qua nhà bên nội, cấm con không được ngủ và gần gũi với bố. Chị còn tuyên bố với anh rằng nếu anh có ý định bỏ chị thật thì chị sẽ cho anh sống dằn vặt suốt cuộc đời còn lại. Đó là hình phạt quá nặng với anh Sơn. Chia tay thì sợ con hư hỏng không chia tay thì lại sống trong cảnh ngột ngạt, chứng kiến đứa con trai ngày càng xa rời mình. Mọi nỗ lực khuyên bảo đều là vô nghĩa vì đứa con đã chịu tác động quá lớn của người mẹ. Anh rơi vào hố sâu của tấn bi kịch gia đình.

 

“Ước gì con chưa từng sinh ra”

 

Trái ngược với hai gia đình trên, cặp vợ chồng này không để hôn nhân tan vỡ vì con cái nhưng chính cuộc cãi vã của họ đã làm cho bọn trẻ nghĩ rằng thực ra chúng là người thừa trong gia đình.

 

Anh Chung, chị Ngân đã lặng đi khi nghe con gái tuyên bố: “Ước gì con chưa từng sinh ra trên đời để bố mẹ tự do mà cãi nhau”. Cô con gái cũng bày tỏ việc chấp nhận cảnh bố mẹ chia tay mà vẫn tôn trọng nhau còn hơn níu giữ cuộc hôn nhân không có hạnh phúc này. Tuy sống trong cùng một nhà nhưng người này không quan tâm đến người kia, mẹ ốm bố mặc kệ và ngược lại. Mỗi khi có chuyện gì cãi vã, cả hai cùng đưa con cái ra làm bức bình phong. Chúng cảm thấy buồn và chán ghét chính gia đình mình. Chúng ước mình chưa từng sinh ra để bố mẹ khỏi khó xử, có thể chia tay nhau để cả hai cùng hạnh phúc.

 

Trong cuộc sống không phải ai cũng chấp nhận sự đổ vỡ của hôn nhân. Họ đưa những đứa con ra làm vũ khí, làm tấm bình phong để cứu vãn hạnh phúc gia đình. Nhưng chính những hành động ích kỷ này của các ông bố bà mẹ đã vô tình gieo vào lòng trẻ sự thù hận không đáng có, làm tổn thương tình cảm tốt đẹp của chúng dành cho bố mẹ trước đó và tâm lý không tin tưởng vào hạnh phúc gia đình.

 

Thực tế chứng minh rằng không ít trẻ em lang thang hư hỏng là nạn nhân của những cuộc hôn nhân không hạnh phúc và cha mẹ lấy trẻ ra làm vũ khí. Nên chăng, các ông bố bà mẹ nên chấp nhận sự đổ vỡ của hôn nhân trong sự tôn trọng lẫn nhau. Đừng vì chút ích kỷ cá nhân mà kéo các con vào cuộc chiến tình cảm để lại những vết thương lòng không đáng có rất khó chữa lành trong tâm hồn con trẻ.

 

Lan Tường